Vạch mặt những trò nhảm nhí về cái gọi là “ma lai, thuốc thư”

Thứ Năm, 30/05/2013, 21:29
Cái gọi “ma lai, thuốc thư” là những hủ tục xuất phát từ nhận thức lạc hậu của một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Những người bị ám chỉ là “ma lai”, có “thuốc thư” thường bị dân làng hành xử hết sức dã tâm.

Ngày nay, đời sống kinh tế, xã hội phát triển, khoa học y tế đã đi vào cuộc sống tận buôn làng nhưng thỉnh thoảng ở Tây Nguyên vẫn xảy ra những câu chuyện thương tâm vì bị nghi là “ma lai, thuốc thư”...

Cách đây vài tuần, một số người dân địa phương ám chỉ gia đình anh Yah, chị Anay ở làng Ktu, xã Chư Á, TP Pleiku, Gia Lai là “ma lai” có “thuốc thư”. Chuyện bắt đầu từ cái chết của Hmơ (18 tuổi), cùng ở làng Ktu mắc bệnh nặng trước đó.

Theo kết luận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Hmơ bị suy tủy dẫn đến xuất huyết tủy, tràn dịch xuất huyết não và chết. Thế nhưng một số người dân trong làng không hiểu nên đổ lỗi rằng Yin (17 tuổi) ở trong làng có “thuốc thư” làm chết Hmơ.

Sở dĩ Yin bị “kết tội ma lai có thuốc thư” vì trong một lần nói đùa với mọi người rằng mình tìm được thứ lá cây làm chết người. Sau đó hay tin Hmơ bệnh nặng, bệnh viện trả về vì không thể cứu chữa nên Yin đến thăm bạn.

Sau vài hôm Yin đến thăm thì Hmơ chết nên người trong làng đổ lỗi cho Yin đã bỏ “thuốc thư” làm Hmơ chết. Từ chuyện quy chụp này, Mưng (24 tuổi), anh họ của Hmơ đã huy động nhiều người trong làng kéo đến nhà tìm Yin đánh và gây thương tích, Yin phải cấp cứu tại bệnh viện.

Tháng 3/2013, Glin (19 tuổi), ở làng Ktu, xã Chư Á (TP. Pleiku, Gia Lai) cũng bị một số người trong làng đuổi đánh vì nghi Glin có “thuốc thư” làm chết người.

Chuyện xuất phát trong một lần nhậu với nhiều người, sau khi “trút” hết 3 lít rượu thì xảy ra mâu thuẫn giữa Glin và một số bạn nhậu trong nhóm. Glin dọa rằng, có “thuốc thư” tao sẽ giết chết bọn mày. Từ đó nhiều người quy kết Glin có “thuốc thư” nên huy động dân làng đánh. Họa từ miệng, Glin phải bỏ làng ra đi đến xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai để ở nhờ nhà người thân, làm thuê kiếm sống.

Lực lượng Công an xã tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ cái gọi là “ma lai, thuốc thư”.

Cách đây chưa lâu, ở làng Wet, xã Chư Jôr, huyện Chư Pah, Gia Lai, Ayam (23 tuổi), Siu Tuân (24 tuổi) và một số đối tượng rủ nhau uống rượu. Sau đó Tuân bị đau bụng nên bà Siu Hnhơr (mẹ của Tuân) đổ lỗi Ayam đã bỏ thuốc thư cho con mình nên đau bụng.

Bà Hnhơr kêu gọi một số người trong gia đình kéo đến nhà Ayam đập phá tài sản và ép Ayam nhận tội đã bỏ “thuốc thư” cho Siu Tuân đau và bắt Ayam cam kết bồi thường 12 triệu đồng.

Thật buồn cười nữa là Siu Hnhơr đưa Siu Tuân đến gặp bà Alem (thầy mo ở làng) để “giải bệnh khỏi thuốc thư”. Bà Alem lừa lấy tiền mà bệnh không khỏi nên Siu Hnhơr đã tố sự việc cho cơ quan Công an giải quyết.

Công an huyện Chư Pah, Gia Lai đã nhanh chóng vào cuộc vạch trần thủ đoạn lừa bịp của bà Alem. Alem đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và xin lỗi trước dân làng. Sau đó Công an huyện Chư Pah đã đưa Siu Tuân đến bệnh viện khám, siêu âm, bác sĩ kết luận Tuân bị phù nề dạ dày và nhanh chóng được điều trị.

Nhiều câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở Mang Yang, Chê Sê... (Gia Lai) mà nhiều đối tượng bị quy kết là “ma lai” có “thuốc thư” phải bỏ làng ra đi sau khi bị dân làng đánh đập, xua đuổi. Nhiều vụ án mạng đau lòng cũng xuất phát từ câu chuyện bị nghi ngờ có “thuốc thư” hại người.

Nguy hiểm nữa là từ hủ tục “ma lai, thuốc thư”, dễ làm kẻ xấu lợi dụng vấn đề này để xúi giục, kích động dân làng làm điều sai trái, gây rối an ninh trật tự ở địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, lao động sản xuất của người dân...

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, chính quyền địa phương, lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ nhanh chóng vào cuộc để hóa giải những mâu thuẫn, khúc mắc kịp thời.

Sau câu chuyện một số người ở Chư Á, TP Pleiku, chính quyền địa phương và cơ quan Công an đã phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể đưa các đối tượng gây rối như Mưng và đồng bọn ra kiểm điểm trước dân.

Một mặt đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ không có chuyện “ma lai, thuốc thư” như suy nghĩ lạc hậu do một số đối tượng suy diễn, quy kết, đã gây mất mất an ninh trật tự trong làng

N.Như
.
.
.