Ươm những mầm xanh bất hạnh

Thứ Tư, 07/04/2010, 09:40
Những trẻ em lang thang, không nơi nương tựa hay cuộc sống khó khăn, bất hạnh của khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -  Huế... đều hội tụ về đây - Ngôi nhà Trẻ em đường phố (130 Chi Lăng, TP Huế). Ở mái ấm này, những lo toan gánh nặng của các em được chia sẻ và những ước mơ lại được nhóm lên.

Hạnh phúc là khi được sẻ chia

Ba mất. Mẹ bệnh tâm thần. Niềm vui tưởng như đã tắt hẳn với ba chị em Nồm, Bớt, Thùy (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Nỗi ám ảnh về những bất hạnh nghiệt ngã, về cái chết của ba và bệnh của mẹ hằn lên trong kí ức tuổi thơ.

Đôi mắt ướt nhòe, Nồm nhớ lại: "Hôm đó là mồng 8 Tết, trong nhà không còn chút gì ăn. Ba bảo để ba đi bắt ít cá. Trời lúc đang mưa bão, nhưng ba vẫn xách giỏ đi vì không nỡ để cả nhà nhịn đói. Trời tối vẫn không thấy ba về, mẹ chạy đi tìm còn chúng em chỉ khóc òa vì sợ. Người ta nói ba bị lũ cuốn trôi. Sau đó mẹ đau nặng, tỉnh dậy thì đầu óc không bình thường nữa".

Ba chị em theo cậu lên đây, suốt một tuần ngày nào cũng ôm nhau khóc vì nhớ mẹ. Nhưng rồi khi được cô bảo mẫu an ủi, và những người bạn cùng cảnh ngộ chia sẻ, tâm sự nỗi buồn cũng nguôi ngoai dần. Ba chị em tự hứa quyết tâm nỗ lực học thật tốt để không phụ ơn mọi người".

"Nhiều năm liền chị em Nồm đều là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Phú Cát và tấm gương sáng cho các em trong Mái ấm trẻ em đường phố" - cô Bê bảo mẫu tâm sự.

Còn với Huệ và Nghĩa, quãng thời gian đã qua là một chuỗi quá khứ buồn và thiếu thốn tình cảm gia đình. Nỗi đau ba mất do tai nạn mà không tìm ra xác chưa nguôi ngoai, mẹ lại đi lấy chồng khác. Hai chị em bơ vơ, lo sợ và mặc cảm với cuộc sống thiếu thốn tình cảm, ngặt nghèo vật chất. Về sống với ngoại, không đủ điều kiện đi học, hằng ngày ba bà cháu đi bắt ốc để trang trải cuộc sống.

Trong nỗi lo gần đất xa trời, bà ngoại đành đem hai chị em lên đây gửi gắm và xem đây là cái phúc lớn nhất của bà cháu. "Em thấm thía lời dặn của bà, lời động viên của cô bảo mẫu và các bạn trong mái ấm này. Em không bất hạnh, xung quanh em vẫn còn rất nhiều tấm lòng nhân ái bao dung" - Nghĩa tâm sự.

Đôi tay thoăn thoắt nhặt rau chuẩn bị bữa trưa, Nồm (quê Phú Vang) tâm sự: "Ở đây không chỉ được đi học mà còn được các cô, các anh chị quan tâm nên em không còn buồn như trước nữa".

Những mầm xanh đã lớn

Cô Bê hào hứng kể về "thành tích" của những người con trong mái ấm này: Mỗi đứa mỗi cảnh nhưng đều rất chăm ngoan và học giỏi. Có em ra đi làm, xây dựng gia đình, em học đại học.

Tay chỉ lên những bảng treo giấy khen giữa phòng khách, cô vui vẻ: "Năm rồi em mô cũng được giấy khen đó, có năm em là học sinh giỏi toàn trường. Còn anh cả Nguyễn Văn Thảo đậu cả hai trường đại học, giờ đang theo học ở Trường ĐH Kinh tế Huế. Ngày liên hoan cho Thảo nhập học, cả nhà ai nấy đều hớn hở, tự hào. Các em thì cứ vây quanh, còn Thảo thì nêu quyết tâm học kinh tế để làm nuôi các em, nuôi cả nhà".

Hỏi về ước mơ, em nào cũng háo hức: "Em sẽ học thiệt giỏi để sau ni làm bác sỹ chữa bệnh cho ngoại" - Nguyễn Văn Nghĩa (11 tuổi) cười giòn tan. Lộc cười hiền: "Em sẽ làm cô giáo, em sẽ mở lớp dạy từ thiện cho những bạn không được đi học vì nhà nghèo".

Niềm vui cứ ngập tràn cả căn phòng nhỏ nơi góc phố Chi Lăng này. Có khi là những lần lớp đàn anh trưởng thành về thăm, dặn dò các em. Có khi cả niềm vui trộn nước mắt tiễn thành viên nào đó hồi gia. Chỉ biết rằng hạnh phúc ấy, vui buồn ấy đều là những nỗi niềm chung của đại gia đình trẻ em đường phố 

Hàng tháng, những tình nguyện viên trong Đội công tác xã hội thành phố Huế lại tổ chức đi xin gạo, tiền từ các nhà hảo tâm. Anh Hà Văn Phúc - quản lý Mái ấm trẻ em đường phố tâm sự: "Cơ sở vật chất ở đây còn rất thiếu thốn, tụi mình phải phối hợp đi tìm những nhà hảo tâm kêu gọi sự giúp đỡ. Còn rất nhiều những hoàn cảnh tội nghiệp cần đến sự nâng đỡ, nên trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng cơ sở để nhiều em có cơ hội được vào".

Hoài Văn
.
.
.