Ước mơ trở thành cô giáo trên đôi nạng gỗ

Thứ Năm, 11/01/2007, 11:50

Năm vừa tròn 5 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Kim Anh (tổ 38, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã mất khả năng đi lại trên đôi chân của mình sau một trận sốt bại liệt. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực, cô gái bé nhỏ ấy đã làm được những điều không những đem đến cho gia đình niềm tự hào mà bạn bè cũng rất nể phục.

Ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, Kim Anh đã phải chịu đựng những lời trêu ghẹo cũng như bao ánh mắt khác lạ của bạn bè. Em thấy mình "như người ngoài hành tinh vì xung quanh không có ai phải dùng đôi nạng gỗ mỗi lần di chuyển". Lớn hơn một chút thì mặc cảm càng đè nặng trên vai em.

Theo lời Kim Anh thì những lúc tưởng chừng không thể vượt qua ấy, em đã nhận được sự động viên, khích lệ từ những người bạn chân thành và nhất là từ bố mẹ. Có lẽ vì thế mà Kim Anh sớm ý thức được rằng mình cần phải làm gì đó để đền đáp cho đôi tay bố mỗi lúc một chai sần vì phụ hồ và đôi vai mẹ oằn xuống sau những gánh hàng.

Từ đó, em ra sức học và nuôi ước mơ trở thành cô giáo để truyền đạt kiến thức cho các em sau này. Để giúp cho ước mơ của cô con gái có thể thành hiện thực thì mẹ em hàng ngày phải tranh thủ dậy sớm hơn đưa con đến trường.

Cũng có hôm người em trai thay mẹ đảm nhận nhiệm vụ ấy. Để rồi món quà mà Kim Anh dành cho những người thân yêu của mình chính là kết quả học tập cũng như vẻ hoạt bát, tự tin và vui vẻ.

Những người trong khu phố (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vui mừng khi hay tin Kim Anh trúng tuyển vào đại học, còn bố mẹ của em vừa hạnh phúc nhưng cũng lo lắng vì không biết liệu con mình có thích nghi với môi trường mới.

Nếu được hỏi sinh viên nào đến trường sớm nhất thì bác bảo vệ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng không chần chừ cho hay, đó là một em sinh viên năm thứ nhất đi bằng nạng gỗ. Để không muộn lắng nghe bài giảng của thầy nên cứ hôm nào có giờ học thì đúng 5h30', Kim Anh lại ngồi sau chiếc xe quen thuộc của mẹ. Em đến sớm vì còn phải "trừ hao" thời gian đi qua năm tầng lầu.

Dù trời nắng hay mưa thì lớp Sư phạm Hoá 06 vẫn không vắng bóng cô sinh viên bé nhỏ. Nhiều bạn còn cho hay: "Mình bái phục Kim Anh vì sự nỗ lực của bạn ấy". Kim Anh thường ở lại trường đến chiều nên lúc rỗi lại tranh thủ rèn cho mình cách viết bảng bởi khi dùng tay thì toàn bộ lực phải dồn cả về một chân có sử dụng nạng nên rất khó khăn. Những lúc ấy Kim Anh nén đau nghĩ: "Mình muốn các em học sinh vừa được học qua lời nói lẫn những nét phấn trắng trên bảng".

Ngoài tính kiên trì không ngừng vươn lên thì sự hoạt bát, hoà đồng của Kim Anh càng khiến cho mọi người yêu quí em hơn. Hôm nào không bận học, Kim Anh lại xuất hiện trong vai cô chủ nhỏ bên gánh bánh bột lọc của mẹ và trên khuôn mặt ấy nở một nụ cười rất tươi

Tố Tâm
.
.
.