U Minh ngày thêm khởi sắc

Thứ Hai, 07/04/2008, 08:59
Mỗi lần về lại U Minh là mỗi lần đổi khác, từ TP Cà Mau theo đường liên tỉnh lộ qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau về huyện Vĩnh Thuận và huyện U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, những rừng tràm bạt ngàn được thay vào là đồng lúa "cong trái me" đang gần đến mùa thu hoạch, những căn nhà bằng lá dừa nước ngày nào đã là những căn hộ xây rộng rãi thoáng mát. Đời sống văn hóa xã hội phát triển đã từng ngày làm thay da đổi thịt vùng đất từng được ghi danh về sự hoang vu nhất Nam Bộ này.

Tại TP Cà Mau, tôi lên xe lúc 7h30' thì 10h hơn đã có mặt tại Chợ Kênh làng Thứ Bảy sầm uất. Các cửa tiệm, gian hàng dịch vụ - kinh doanh chạy dài qua chợ cả trên lộ, dưới sông 400-500m và một bến đò ngang tấp nập ghe xuồng. Không như trước đây phải đi ghe máy mất 20h.

Đặc trưng của chợ miền Tây là hội tụ đủ hai yếu tố trên bến dưới thuyền. Hàng hóa ở ngôi chợ rất đặc trưng của vùng sông nước miền Tây khá phong phú, từ trái cây nội địa lẫn hàng nhập khẩu, đặc sản cá, mắm đến thực phẩm chế biến, quần áo may sẵn, hàng gia dụng cao cấp điện, điện tử...

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), người gắn bó với Miệt Thứ - U Minh từ thời kháng chiến hồ hởi: Trước kia rừng U Minh kéo dài đến sát đây, còn sắp tới, một trung tâm thương mại rộng 4-5ha sẽ hiện diện tại trung tâm của 3 huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận… 

Nếu đi từ TP Rạch Giá theo QL61, vào QL63 thuộc huyện Châu Thành qua phà Tắc Cậu về Vườn quốc gia U Minh Thượng chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng vùng làng quê chằng chịt kinh rạch.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi vùng Miệt Thứ ngày nay là Thập Câu, Lâm Sác trước đây. Thập Câu là mười con rạch - thực tế nhiều hơn - được đặt tên theo "thứ" (Thứ nhất, thứ hai…).

Ngoài rạch còn có "xẻo", nhỏ hơn rạch, như xẻo Vẹc, xẻo Ngát, xẻo Rô, xẻo Lá, xẻo Dừa, xẻo Bần… Ngoài những địa danh chính thống có rạch thứ… rưởi nửa, đó là những kênh rạch hình thành do xáng múc sau giải phóng…

Huyền thoại chiến khu U Minh trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, nơi căn cứ của Xứ ủy, Liên khu ủy, Tỉnh ủy gắn liền với những địa danh là các chiến công của Miệt thứ: Cây Bàng, Thứ Ba, Bàu Môn, Xẻo Rô, Ngã Tư Công Sự...

Vùng đất này, trong suốt 30 năm máu lửa, nhiều gia đình đã hy sinh đến người con cuối cùng, tài sản cuối cùng vì sự nghiệp giải phòng dân tộc thống nhất Tổ quốc. 

Giờ đây miệt thứ đã không còn heo hút, vắng người để gọi là vùng đất muỗi kêu như sáo thổi nữa. Nay thì điện, đường, trường, trạm vươn tới tận những nơi hẻo lánh, heo hút nhất. Điện thoại di động đã phủ sóng khắp rừng U Minh rồi.

Và, từ năm 2003, huyện vùng sâu An Minh đã xóa xong lớp học ca 3 và trường tre lá. Nhân dân và chính quyền cùng một phong trào hiến đất xây trường. Kết quả là ngôi trường THPT U Minh Thượng - huyện An Biên cho 1.620 học sinh cả bán đảo Cà Mau còn tươi màu sơn đã khẳng định một tương lai xán lạn khác.

Những mô hình người miệt Thứ làm giàu thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm/hộ từ rừng, nuôi bò, nuôi dê, cá tôm công nghiệp, xen canh đa canh… đang xuất hiện ngày càng nhiều. Màu xanh của tràm đã hòa quyện cùng màu cây ăn trái, ruộng lúa, vuông tôm…

Năm 2008, thu nhập đầu người tăng gần gấp 3 lần so năm 2000, hộ nghèo giảm từ 64% (1999) xuống 10,2%, có 95% dân xài nước sạch, 96% trẻ em đến tuổi đến trường đều được đi học, anh Huỳnh Thiện Hữu - Phó Chủ tịch xã An Minh Bắc (huyện An Minh), nơi có 13.291ha đất tự nhiên - 10.615 nhân khẩu, cho biết năm nay xã vừa công nhận thêm 100 nông dân sản xuất giỏi…

Chúng tôi tin rằng Miệt Thứ và Vườn quốc gia U Minh Thượng sẽ là một địa chỉ hấp dẫn cho ngành du lịch và khách quốc tế khi mà dự án nối hai đầu của gần 30 cây cầu trên QL63 từ nguồn vốn vay Danina - Đan Mạch trị giá 126 tỉ đồng và hơn 43 tỷ đồng xây mới hai bến phà tại sông Cái Bé và bờ Xẻo Rô trở thành hiện thực

PV
.
.
.