Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội liệu có đúng hẹn?

Thứ Ba, 12/07/2011, 10:00
Mũi khoan khảo sát địa chất đầu tiên phục vụ dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được thực hiện ngay trước sảnh chính ga Hà Nội. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy dự án này đang được xúc tiến. Tuy nhiên, đây cũng là một trong các dự án quan trọng bị chậm tiến độ của Hà Nội. Và việc chậm tiến độ này đã đẩy kinh phí thực hiện tăng gấp 1,5 lần so với dự toán ban đầu.

Giãn tiến độ đến năm 2016

Sau 2 lần khởi công, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa được triển khai thi công dù đây là dự án quan trọng, là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của cả nước. Dự án không thiếu vốn, bởi nhận được sự ủng hộ tài trợ từ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư phát triển châu Âu.

Theo thiết kế, tuyến tàu điện số 3 Nhổn - ga Hà Nội dài 12km, được khởi công ngày 22/9/2010, trong đó có hơn 8km đường trên cao và 3,6km ngầm, có 12 ga. Đến thời điểm này, mới đang được thi công phần hạ tầng kỹ thuật khu depot Nhổn (trạm khởi đầu), đồng thời thẩm tra thiết kế kỹ thuật kiến trúc, tới quý III sẽ chọn nhà thầu thi công, dự kiến năm 2015, tuyến tàu điện này sẽ hoàn thành nhưng cho đến thời điểm này, Hà Nội phải giãn thời gian hoàn thành đến năm 2016.

Mới đây, UBND TP Hà Nội lại có văn bản đề nghị Ban Dự án đường sắt đô thị đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và nhấn mạnh, nếu nhà thầu thi công không đáp ứng được tiến độ, thì sẽ bị thay thế. Văn bản này cũng nêu rõ, Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội phải kiểm tra, đôn đốc nhà thầu Vinaconex tăng cường nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu số 4 (công trình hạ tầng kỹ thuật của Đềpô) theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết, chậm nhất đến tháng 3/2012 phải hoàn thành.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Dự án vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa thể thực hiện thi công. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần “ngồi” bàn bạc cùng các đối tác, các nhà tài trợ với mục tiêu sớm có quy hoạch cuối cùng để có thể đẩy nhanh tiến độ của Dự án. Ngày 7/7, trước sảnh chính ga Hà Nội, các kỹ sư đã khoan mũi khoan khảo sát địa chất đầu tiên phục vụ dự án, nhằm chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga, đường hầm ngầm.

Theo bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, các mũi khoan sẽ được khoan sâu xuống lòng đất từ 45 đến 60m. Thời gian hoàn thành các mũi khoan từ 5 ngày đến một tuần, tùy thuộc vào địa chất từng khu vực. Các mũi khoan này sẽ giúp hiểu rõ hơn về các điều kiện địa chất, để đảm bảo thiết kế chính xác, an toàn từng vị trí của các kết cấu, như tuyến hầm, các ga, các móng cọc…

Để đảm bảo tiến độ, UBND TP Hà Nội cũng thống nhất việc hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2012. Ngoài ra, Ban DA đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phối hợp cùng UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi dự án đường sắt đi qua.

Phối cảnh tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Nếu mưa lịch sử như năm 2008, đường ngầm cũng ngập

Để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, phương án tối ưu là làm đường ngầm. Dự án đường sắt đô thị số 3 có 4km đường ngầm. Để đảm bảo an toàn cho các công trình trên mặt đất không bị ảnh hưởng, phía Pháp cho biết, hầm ngầm sẽ được sử dụng công nghệ đào bằng máy khoan đặc biệt. Loại máy này sẽ tiến hành đồng thời việc đào hầm và xây dựng tường hầm, đảm bảo trên mặt đất không bị ảnh hưởng, hư hỏng công trình. Đoạn đi ngầm sẽ gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm rộng khoảng 6,3m, nằm cách nhau chừng 16m. Tùy địa chất của từng khu vực mà hầm có thể nằm cách mặt đất 15 - 30m. Sau khi đào, máy sẽ xây dựng đoạn hầm phía sau nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đối với bề mặt. Ga ngầm sẽ được bố trí dưới các con phố, bố trí kết cấu đề phòng đảm bảo an toàn cho hành khách. Đồng thời, việc thi công dự án sẽ được giám sát từng ngày, đảm bảo an toàn đúng kĩ thuật và thiết kế.

Nhìn lại thực tế các hầm ngầm đã có ở Hà Nội, như các hầm bộ hành hay hầm Kim Liên, được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á, nhưng sau mỗi trận mưa to đều bị ngập, dư luận cũng lo ngại đường ngầm tuyến đường sắt đô thị cũng không tránh khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, phía nhà thầu cam kết, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết kế các giếng gom nước trong đường ngầm, rồi dẫn ra sông, hồ. Tuy nhiên, ông Alain Bechereau, Giám đốc Dự án Systra cho rằng, với những trận mưa gây ngập lụt toàn Hà Nội như năm 2008, thì đường ngầm cũng không tránh khỏi.

Việc dự án chậm tiến độ, đã dẫn đến việc kinh phí cho tuyến đường sắt này bị tăng lên từ 1,5 – 1,7 lần (tương đương khoảng 780 triệu euro). Lo ngại việc thiếu vốn, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị các nhà tài trợ tăng thêm vốn cho Dự án. Phía Pháp, bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cho biết, Dự án đúng là có sự chậm tiến độ, do chưa có tổng thể mới.

“Dự án metro rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới cũng thường xuyên bị chậm. Dự án là thí điểm nên việc triển khai chắc chắn không thể tránh khỏi chậm trễ. Việc chậm này đã ảnh hưởng đến chi phí do biến động giá cả. Hiện nay, các đơn vị đang đánh giá, nghiên cứu về các chi phí đội giá và làm việc với UBND TP Hà Nội về vấn đề này”, bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cho biết.

Và phía Pháp cũng khẳng định, từ tháng 5, dự án sẽ không chậm tiến độ sau khi có bản tiến độ tổng thể. Kế hoạch tiến độ này cần phải được tuân thủ chặt chẽ để có thể đưa tuyến đường sắt đô thị số 3 đi vào vận hành vào năm 2016. Chi phí toàn dự án chỉ biết sau khi tổng gọi thầu vào tháng 9 tới

Ngọc Yến
.
.
.