Từ vụ đò chở 17 học sinh bị chìm ở Cần Thơ

Thứ Ba, 06/02/2007, 14:26

Trưa 2/2, một chiếc đò tam bản chở 17 học sinh Trường Tiểu học Thới An Đông, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (Cần Thơ) trên đường về nhà đột nhiên bị chìm. 17 học sinh không biết bơi đều bị cuốn theo dòng nước.

Rất may là các thầy cô giáo cùng quần chúng ở gần đó đã kịp thời cứu vớt được toàn bộ các em học sinh và đưa đi cấp cứu. Đến 14h cùng ngày, sức khỏe của các em đã hoàn toàn bình phục. Nguyên nhân ban đầu được xác định là chiếc đò tam bản do bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) điều khiển đã chở quá tải, gặp sóng to nên bị chìm.

Được biết do học sinh phải đi học bằng đường vòng xa xôi, nên ở bến sông trước Trường Tiểu học Thới An Đông đã hình thành một bến đò tự phát để phục vụ nhu cầu đi học của con em nhân dân trong vùng.

Điều đáng nói, ở phường Thới An Đông chỉ có một bến đò gần UBND phường là được cấp phép hoạt động, còn lại 4 bến gần đó đều hoạt động chui. Bến tự phát trước Trường Tiểu học Thới An Đông là một trong 4 bến đò chui, từng bị Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ (Sở GTCC TP Cần Thơ) cấm hoạt động. Vụ việc 17 học sinh bị chìm đò đang được Công an quận Bình Thủy xem xét, xử lý.

Vụ chìm đò nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bùng phát bến đò ngang tự phát trên địa bàn TP Cần Thơ và nguy cơ tai nạn giao thông thủy xảy ra bất cứ lúc nào bởi phương tiện đa phần cũ kỹ, không được kiểm định và nhất là chưa được phép của cơ quan chức năng trong việc cấp phép hoạt động.

Theo số liệu của Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa số 6, trên địa bàn TP Cần Thơ có 32/54 bến có phép hoạt động. Số bến chưa được cấp phép là do không đủ điều kiện hoạt động hoặc hoạt động theo phương thức tự phát, phương tiện thô sơ, nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn. Đấy chỉ là con số thống kê chính thức, còn hàng chục bến tự phát nhỏ lẻ nằm ở vùng sâu coi như ngoài tầm kiểm soát.

Toàn thành phố có trên 5.000 phương tiện thuỷ nội địa có đăng ký, đăng kiểm. Số lượng này chỉ chiếm khoảng 50-60% tổng số phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Ngoài ra, có trên 15.000 phương tiện nhỏ thuộc diện không phải đăng ký, đăng kiểm đang lưu thông. Số người điều khiển phương tiện có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn chỉ chiếm khoảng 70%.

Chung quanh vấn đề chấn chỉnh hoạt động của các bến thủy nội địa, đặc biệt là các bến đò có mật độ học sinh qua lại đông đúc, Sở GTCC TP Cần Thơ từng có văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương cử người giám sát ở các bến đò trong những giờ cao điểm có đông học sinh đi lại, thế nhưng đến nay gần như các địa phương đều buông lỏng chuyện này.

Mặt khác, trong năm 2006, Ban ATGT TP Cần Thơ đề nghị Ban ATGT các quận, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm tra việc thực hiện cấp phép, tái cấp phép, an toàn kỹ thuật trên các phương tiện chở khách trên sông. Kiên quyết xử lý, đình chỉ ngay những bến không phép, không đảm bảo an toàn đón trả khách. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bến đò chui hoạt động, gây mất TTATGT đường thủy.

Ở Ninh Kiều, Cái Răng, hàng trăm phương tiện đò chèo, đò máy loại nhỏ hoạt động theo kiểu "ba không": không đăng ký, không bằng lái, không trang bị áo phao hoạt động nhộn nhịp từ khu vực bến Ninh Kiều đến tận chợ nổi Cái Răng (tuyến sông Cần Thơ). Hay như ở Cờ Đỏ, riêng xã Thới Thạnh có trên 20 bến đò đưa khách qua sông, nhưng chỉ có khoảng 1/3 là có phép, số còn lại đều hoạt động chui.

Ở khu vực chợ TT Ô Môn, có khoảng 25 ghe tam bản nhỏ, không được trang bị phương tiện cứu hộ để đảm bảo an toàn thường xuyên đưa rước khách, trong khi theo quy định thì những đò chèo kiểu này bị cấm, nhưng vì lợi nhuận nên các chủ đò đều làm liều! Một chủ đò ngang ở Ô Môn nói rất vô tư: "Chỉ chở bà con chòm xóm qua sông đi chợ chứ đâu có kinh doanh mà phải đăng ký".

Ông Đoàn Thanh Vũ, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa số 6 (Cục Đường sông Việt Nam), cho biết: "Trong khi ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tuyến đường bộ chưa hoàn chỉnh, thì việc hình thành các bến đò đưa rước khách là cần thiết để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Nhưng khi hoạt động cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước về bến thủy nội địa, phải đảm bảo trật tự ATGT. Kiểm soát, xử lý nghiêm khắc những bến đò chui không chỉ là trách nhiệm ngành Giao thông mà cần có sự góp sức của chính quyền các địa phương. Trong đó công tác giáo dục, tuyên truyền cần được quan tâm. Qua đó mới đảm bảo an toàn cho hành khách"

Nam Giao - Hoàng Long
.
.
.