Tư vấn pháp luật phải đúng luật

Thứ Ba, 25/01/2005, 08:39

Khi có dự án đầu tư ở thôn Phủ Niệm, xã Thái Sơn, An Lão, Hải Phòng, ngoài tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ dân ở đây còn được nhận thêm khoản tiền gọi là "lỡ vụ" và hoa màu trên đất. Mọi viêc đang "xuôi chiều mát mái", nhà đầu tư tiếp nhận mặt bằng, tiến hành triển khai dự án thì bỗng dưng bà con nghe theo lời kích động của một số người đòi tăng giá chuyển nhượng…

Chính quyền sở tại đã giải quyết theo đúng chức trách và hết lòng vì dân, song, sự tôn trọng quyền dân chủ đã có dấu hiệu bị lạm dụng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của một huyện vốn rất nghèo ở Hải Phòng.

 

Bà con nhân dân thôn Phủ Niệm nói riêng, xã Thái Sơn nói chung vốn có truyền thống cách mạng, luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Vụ việc phức tạp, làm mất an ninh nông thôn ở đây chắc chắn phải có nguyên do. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi mới biết, sự tác động này có một phần từ hai vị "luật sư" Vũ Văn Lợi và Lê Tuấn Anh thuộc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ pháp luật và Thương mại Hà Nội (HAJUCO), có trụ sở tại số 44 Phạm Văn Trị, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Xin khẳng định ngay rằng, chúng tôi không có ý phản đối việc bà con nhờ cậy luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có điều, bà con cần tỉnh táo lựa chọn người có đủ tư cách pháp lý, có đủ trình độ về pháp luật kẻo "tiền mất, tật mang"!.

 

Trước hết, ta hãy xem các ông Vũ Văn Lợi, Lê Tuấn Anh có đủ tư cách pháp lý để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (có thu tiền) hay không? Theo các văn bản tư vấn pháp luật mà chính ông Vũ Văn Lợi với tư cách Phó Giám đốc HAJUCO ký các ngày 16/11 và 6/12/2004 thì bản thân ông Lợi và ông Lê Tuấn Anh không phải là luật sư, không có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, HAJUCO là doanh nghiệp được thành lập trước khi có Pháp lệnh Luật sư 2001 nên Công ty của ông chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp chứ không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Luật sư, tức là không cần chứng chỉ hành nghề luật sư (như đòi hỏi của Pháp lệnh Luật sư) nhưng vẫn có quyền cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

 

Trong quan điểm này của ông Lợi chứa đựng 2 điểm sai trái. Đó là, nếu chỉ xét riêng Luật Doanh nghiệp, thì tại Điều 6 Luật này và Điều 6 Nghị định số 03/2000 ngày 3/2/2000 của Chính phủ đã quy định rất rõ: Kinh doanh dịch vụ pháp lý là ngành nghề phải có chứng chỉ hành nghề. Tiếp theo, Pháp lệnh Luật sư 2001 (Điều 42) và Nghị định số 94/2001 ngày 12/12/001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này (Điều 42) còn có quy định: "Các luật sư hoạt động trong lĩnh vực tố tụng, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác dưới hình thức công ty TNHH hoặc các hình thức khác đều phải chuyển sang hành nghề theo hình thức văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh được quy định tại Pháp lệnh Luật sư".

 

Như vậy đã rõ, để được phép cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật thì người cung cấp trước tiên phải có chứng chỉ hành nghề và mọi hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Luật sư. Ông Vũ Văn Lợi và ông Lê Tuấn Anh không có chứng chỉ hành nghề luật sư, do vậy, không có đủ tư cách pháp lý để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

 

Thứ hai, lẽ ra, chỉ với phân tích trên cũng đã đủ. Tuy nhiên, chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn đầu của Thông báo số 10 ngày 6/12/2004 của HAJUCO do chính ông Lợi ký gửi UBND huyện An Lão, UBND xã Thái Sơn và các hộ dân thôn Phủ Niệm: "Căn cứ Nghị định số 125/2004/NĐ-CP ngày 19/5/2004 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp…". Chúng tôi giật mình không hiểu ông Lợi lấy đâu ra cái Nghị định này? Nghị định (do Chính phủ ban hành) làm sao lại có thể "sửa đổi, bổ sung" Luật (do Quốc hội thông qua)?

 

Tiếp theo, trong các văn bản tư vấn, ông Lợi cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nên khi chuyển nhượng, nếu chỉ có 1 trong 2 người ký hợp đồng và nhận tiền thì vẫn có thể "xù" vì đó là hợp đồng vô hiệu! Ông Lợi không hiểu rằng trong Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự còn có một khái niệm "hộ gia đình" và Điều 117 Bộ luật Dân sự quy định: "Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cả hộ gia đình". Xét cả về mặt pháp lý lẫn đạo lý người Việt Nam không thể chấp nhận một khi đã ký hợp đồng, đã nhận đủ tiền, đã giao đất nay lại có thể đòi lại!

 

Một lần nữa, mong một số bà con thôn Phủ Niệm hãy bình tĩnh suy xét, chớ có tin vào những lời kích động sai trái để có thể dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của UBND xã Thái Sơn ngày 18/12/2004 thì ông Lợi đã thỏa thuận thu từ bà con nông dân thôn Phủ Niệm 47 triệu đồng để cung cấp dịch vụ tư vấn. Ngoài vụ việc này, chúng tôi cũng vừa nhận được đơn của Công ty TNHH Phú Cường đề nghị xử lý vi phạm đối với ông Lợi về một vụ việc tương tự xảy ra tại phường Phù Liễn, quận Kiến An, Hải Phòng.

 

Như vậy có thể thấy, việc hành nghề tư vấn pháp luật của ông Vũ Văn Lợi có những dấu hiệu không bình thường. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết lại kỷ cương trong lĩnh vực tư vấn pháp luật để sao cho hoạt động này đúng pháp luật, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được tư vấn, vừa đảm bảo ANTT ở địa phương

Duyên Hải
.
.
.