Từ sự cố thiếu điện nghĩ về an ninh năng lượng

Thứ Bảy, 04/06/2005, 07:20

Mùa hè năm nay Hà Nội càng nóng bỏng hơn, ngột ngạt hơn, căng thẳng hơn khi phải luân phiên cắt điện trên diện rộng ở cả 22 tỉnh, thành phía Bắc. Và trong tâm trí của mọi người đều lởn vởn một câu hỏi lớn: Chiến lược phát triển của ngành điện thế nào mà để xảy ra tình trạng "thảm khốc" vậy? Vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia cần được nghiêm túc nhìn nhận để có những giải pháp lớn.

Lênin đã đưa một công thức từ rất sớm: “Chính quyền Xôviết cộng với điện khí hóa toàn quốc bằng chủ nghĩa xã hội ” và “Điện khí hóa phải đi trước một bước”. Với các nước tư bản ngày nay không chỉ điện khí hóa toàn quốc mà họ còn biết dự trữ năng lượng bao gồm cả than, dầu mỏ và tất nhiên cả công suất phát điện.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên xuất khẩu gạo đứng vào hàng nhất nhì thế giới. Nhờ vậy an ninh lương thực đã thực sự được bảo đảm ở mức cao. Gần 15 năm qua ngành điện đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sức tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, phục vụ tích cực cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tổng sơ đồ phát triển của ngành điện đến năm 2010 đưa tổng công suất phát điện  cả nước lên 14.500 MW là một con số dự báo được coi là khá cao. Tổng công suất phát điện hiện nay là 8.660 MW cho phép cung ứng tạm đủ yêu cầu tiêu dùng. Dù có thiếu cũng không quá nhiều và gây rối loạn ở phía Bắc như hiện nay.

Mười năm qua, sản lượng điện đã tăng gấp 3,7 lần so với năm 1994, với tốc độ tăng bình quân hàng năm 14,25%. Năm 2004 đã sản xuất  46 tỉ KWh tăng 73% so với năm 2000. Song, mức tăng trưởng đó chưa đáp ứng kịp sức phát triển quá nhanh của các ngành kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của toàn dân vài năm gần đây.

Thực ra, bình quân đầu người chỉ mới đạt 561 KWh/ năm, Việt Nam đứng thứ 131 về tiêu dùng điện năng của thế giới, trong khi có đến 44 nước đã đạt trên 1.000 KWh, Na Uy đã đạt tới 27.000 KWh, Ba Lan 11.000 KWh, Mỹ 14.000 KWh... Điều này khiến chúng ta phải tự hiểu đúng mình hơn, để chấm dứt sự “lạc quan độc quyền” đến vô trách nhiệm.

Nhớ lại cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, việc cung ứng điện cho miền Trung và miền Nam còn “thảm khốc” hơn rất nhiều. Bình quân người dân miền Trung thời kỳ đó chỉ có 20 số điện một năm. Công ty Điện III đã đề nghị 6 tỉnh cho ứng tiền điện trước để mua dầu chạy máy phát. Ấy vậy mà khi quyết định xây dựng đường dây 500 KV để tải điện miền Bắc vào miền Trung và miền Nam đã có không ít người kịch liệt phản đối.

Nay hiệu quả đường dây 500 KV phát huy lớn, nhiều người muốn xây dựng thêm mạch 2, mạch 3. Nhưng tốc độ xây dựng quá chậm. Mạch 2 chỉ mới đến Hà Tĩnh chứ nếu đã tới Hà Nội thì khả năng cung ứng thêm 400 MW cho Hà Nội dù Hòa Bình tiếp tục giảm phát điện vẫn có thể điều tiết được từ Nhà máy Thủy điện Ialy, công suất 720 MW từ 5 nhà máy phát điện bằng khí đồng hành của Phú Mỹ công suất trên dưới 4.000 MW và một số nhà máy khác thừa điện. Nghĩa là có thể chuyển tải trên 1.000 MW từ miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc.

Với tổng công suất phát điện hiện có, thực ra chúng ta không đến nỗi thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay. Vì thế chừng nào mạch 2 đường 500 KV ra đến Thường Tín (Hà Tây) thì Hà Nội mới không còn bị cắt điện. Dù thế thì việc thiếu điện đang trở thành nỗi lo lớn, khó khắc phục được trong một thời gian ngắn, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại thế đứng  của nước mình ngay từ an ninh năng lượng.

Sai một ly đi một dặm hay tại tầm nhìn?

Năm 1987 và năm 1993 tôi cùng một số nhà báo có dịp đi “xuyên Việt” khảo sát kỹ tình hình điện miền Trung, miền Nam, dự nhiều cuộc họp quan trọng về giải quyết nguồn điện và lưới điện. Việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ ở Đà Nẵng được nhân dân địa phương rất hoan nghênh, nhiệt tình mua công trái, góp vốn. Sau hai lần thay đổi địa điểm bỗng nhiên có quyết định hủy bỏ xây dựng nhà máy này, chờ xây dựng thủy điện Ialy và tải điện từ miền Bắc vào cho miền Trung, khiến nhân dân rất bất bình.

Việc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Trị An phát điện với hiệu quả kinh tế cao đã làm cho các nhà hoạch định chiến lược điện Việt Nam coi nhẹ nhiệt điện và các nguồn năng lượng sạch khác là một sai lầm. Nhưng dường như không chỉ tại tầm nhìn mà vì những “thói quen” dựa vào Liên Xô “viện trợ không hoàn lại” và dựa vào những kiến thức điện từ Liên Xô là chủ yếu, nên  họ đã coi nhẹ việc mở rộng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí cùng với việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện của ngành than và các địa phương đã không được quan tâm đúng mức.

Hàng loạt nhà máy thủy điện lớn và nhỏ được coi là ưu thế của Việt Nam, lấy mô hình của một số nước có nhiều thủy điện minh chứng cho cách làm của mình, nhưng ngành điện quên mất rằng rất nhiều nước ở châu Âu, châu Á đang trở lại với nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, trong đó có Thái Lan, Inđônêxia,.... Trung Quốc là nước đang xây dựng những nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới nhưng vẫn ồ ạt mua than Việt Nam chạy phát điện rồi bán lại điện cho Việt Nam với giá chẳng “hữu nghị” gì. (Cần nói thêm rằng giá than thế giới đã tăng 140%, than của ta tăng chưa đáng kể nên họ tính nhanh hơn ta).

Rất may là ở phía Nam nhờ có khí đốt nên đã liên tục hoàn thành 5 cụm máy phát điện từ nguồn khí đồng hành, phế thải của các mỏ dầu. Hệ thống này đã cho công suất hơn gấp đôi công suất thủy điện Hòa Bình mà thời gian thi công lại rất ngắn. Việc mua điện của nước bạn cũng khiến ngành điện phải bù lỗ gần 600 tỉ đồng. Nhưng nếu tính những thiệt hại của các ngành kinh tế vì mất điện, chắc chắn sẽ lên hàng ngàn tỉ đồng và điều quan trọng hơn nó ảnh hưởng rất lớn đến sức tăng trưởng kinh tế của đất nước và cuộc sống của nhân dân rất khó quy ra thành tiền. Theo công suất thiết kế mạch 1 đường dây 500 KV có công suất tải 900 MW. Vậy tại sao  chỉ có thể khai thác được hơn 50%? Nếu sử dụng tốt chỉ một mạch này thôi cũng không đến nỗi phải thiếu điện như hiện nay.

Gần đây, ông Tổng giám đốc Điện lực Việt Nam lên tiếng khá nhiều trên mặt báo mà quan điểm của ông từ việc tăng giá điện cách đây ít lâu và việc thiếu điện hôm nay đều là do cấp trên và thiên tai chứ không thuộc trách nhiệm của ngành điện, khiến  nhiều chuyên gia về điện phải ngao ngán lắc đầu. Ông nói rằng: “Nếu có thủy điện Sơn La thì không xảy ra tình trạng này vì nó tích được 9 tỉ m3 nước vừa để phát điện vừa cung cấp thêm cho Hòa Bình”.

Đúng là thủ tục xây dựng Sơn La đã kéo dài cả chục năm, bàn lên, đặt xuống mãi. Nhưng đâu là phương án dự phòng của ngành điện, nếu không xây Sơn La? Hoặc xây xong Sơn La rồi mà vẫn không đủ nước phát thì tính sao đây? Các con sông lớn của ta đều ở cuối nguồn. Còn có mưa hay không chẳng lẽ cứ phải ngửa cổ “lạy trời”?

Thiếu điện vì thiên tai, nhân dân rất thông cảm và chia sẻ. Nhưng thiếu điện vì sự cố do chủ quan ngành điện thì theo luật là phải bồi thường cho khách hàng. Không thể biện minh cho sự cố đường dây 500 KV phải cúp điện mà không bồi thường? Có hay không có sự cố đường dây  vừa qua? Đề nghị Bộ Công nghiệp điều tra và công bố rõ. Cũng cần phải thanh tra toàn diện việc đầu tư rất lớn và hạch toán của ngành điện đã đúng chưa hay còn thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhiều, khiến giá thành cao và việc thi công chậm?--PageBreak--

Giải pháp nào giúp ngành điện vượt lên?

Tại cuộc họp với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cuối tháng 5/2005, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải quyết hầu hết những yêu cầu của ngành điện. Về vốn đầu tư cho các nhà máy phát điện cho phép ngành điện vay vượt 15% vốn tự có của các ngân hàng để nhanh chóng đưa thêm 15 nhà máy phát điện trước năm 2010. Việc đầu tư để xây dựng nhanh mạch 2 đường dây 500 KV từ Hà Tĩnh ra Thường Tín được ưu tiên để tăng tốc. Việc mua điện của Trung Quốc và thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm điện cũng được coi là một giải phát cấp thiết.

Thực ra, trước đây có nhiều người đã đưa ra dự báo sẽ thiếu khoảng 500 triệu KWh điện vào năm 2006 và khoảng 1 tỷ KWh điện vào năm 2007 chứ không thể rơi vào năm 2005 như hiện nay. Ngành điện đã chủ động đẩy nhanh một số công trình để có thêm khoảng 1.200 MW vào năm 2006. Nhưng đó là tính theo tốc độ tiêu thụ bình quân của mấy năm trước, còn nếu tỉnh nào cũng tăng mức tiêu thụ vọt lên 40% như Bình Dương thì không chỉ thiếu chừng ấy mà phải là gấp đôi, gấp ba vì xây dựng các nhà máy lớn phải mất dăm năm, còn mua điện của nước ngoài cũng chẳng sẵn gì. Họ cũng đang thiếu. Không thể vì thiếu điện mà kéo lùi xã hội Việt Nam lại thời thắp đèn dầu.

Đã đến lúc ngành điện Việt Nam phải nhìn thẳng vào thực lực của mình, điều kiện và hoàn cảnh của nước mình để xây dựng lại nền tảng vững chắc cho sự phát triển “Điện khí hóa toàn quốc” trên cơ sở “Lấy nhiệt điện làm nền, lấy thủy điện làm đỉnh” như nhiều chuyên gia Bộ Công nghiệp đã khẳng định rất phù hợp với Việt Nam.

Nhiệt điện chạy than là một ưu thế  lớn của Việt Nam khi mà công nghệ tiên tiến xử lý tốt việc ô nhiễm môi trường. Than Việt Nam có trữ lượng lớn không chỉ ở Quảng Ninh, Thái Nguyên mà cả ở đồng bằng Bắc Bộ và nhiều vùng ở miền Trung, miền Nam - nhất là loại than có nhiệt lượng thấp phù hợp với công nghệ phát điện đang được ngành than đầu tư xây dựng ở Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả, Sơn Động và nhiều nơi khác cần được ngành điện quan tâm hỗ trợ để các địa phương và các ngành cùng chủ động xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất vừa và nhỏ - nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, không nên chạy theo thành tích phải đưa lưới điện cao thế quốc gia về rất kém mà lưới hạ thế dân không  tự lo nổi, hiệu quả kinh doanh điện rất thấp. Việc phát triển các nhà máy, các trạm phát cục bộ sẽ tiện lợi hơn nhiều.

Trước sức phát triển nhanh của nhiều khu công nghiệp, nhiều vùng, nhiều ngành kinh tế, Nhà nước cần đặt ra những điều kiện ràng buộc đối với các liên doanh có mức tiêu thụ điện lớn để họ phải chủ động xây dựng nguồn điện của riêng mình như các bạn Thụy Điển đã đầu tư cho Công ty Bãi Bằng hai máy phát điện chạy than đủ cung cấp cho dây chuyền sản xuất  giấy, không bị phụ thuộc điện lưới quốc gia.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long việc xây dựng nhiều cụm phát điện chạy khí đồng hành như ở Phú Mỹ cần được khuyến khích nhiều hơn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mô hình tư nhân làm nhiệt điện như Nhà máy Hiệp Phước cần được nhân rộng và nhanh chóng triển khai cổ phần hóa các nhà máy phát điện đã được Nhà nước duyệt. Cần đầu tư nhiều hơn cho các nguồn phát điện  năng lượng mặt trời, sức gió, thủy triều và điện hạt nhân.

Dư luận tỏ ra bất bình với thái độ không cầu thị của ông Tổng giám đốc Công ty Điện lực Việt Nam, không dám chịu trách nhiệm mà chỉ ngụy biện đổ lỗi cho khách quan, cho thiên tai, cho sức phát triển quá nhanh của cuộc sống... (?)

Đã đến lúc Bộ Công nghiệp cần nghiêm khắc với sự cố thiếu điện, giúp Tổng công ty Điện lực Việt Nam có tầm nhìn chiến lược đúng đắn, có đủ năng lực điều hành, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Hãy coi an ninh năng lượng là sự sống còn của nền kinh tế quốc dân, sự hưng thịnh của đất nước để không chỉ có đủ điện tiêu dùng mà còn có thể xuất khẩu như gạo, như tôm...

Vì thế để có nền an ninh năng lượng vững bền, nên chăng trả lại vị trí của Bộ Năng lượng hoặc có một ủy ban quốc gia về năng lượng để giúp Chính phủ giải quyết những bất cập và hoạch định sáng suốt chiến lược phát triển  năng lượng phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và chất lượng cuộc sống đang tăng rất nhanh của toàn dân

.
.
.