Từ những trang nhật ký thời chiến…

Thứ Ba, 19/05/2009, 18:45
Gặp lại nhau trong buổi lễ Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND, các cán bộ cách mạng lão thành mới biết được, nhiều đồng đội ngã xuống năm xưa hiện vẫn còn nằm lại đâu đó trong đại ngàn Trường Sơn. Thế là họ bàn bạc, tổ chức nhiều chuyến đi lên rừng tìm hài cốt các anh để đưa về quê nhà. Và thật may mắn, danh sách những liệt sĩ hy sinh ngày đó còn in đậm trong từng trang nhật ký đời quân ngũ của một chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 10 ngày đó…

Chúng tôi về thôn 5, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) tìm gặp ông Nguyễn Ý Chí, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V thời chống Mỹ cứu nước, người duy nhất viết nhật ký đời lính gắn liền với những hoạt động sản xuất, chiến đấu của lực lượng Tiểu đoàn 10 trong những năm tháng chiến tranh đầy cam go, gian khổ ở chiến khu Trà My, phải hứng chịu biết bao bom, đạn, vũ khí hóa học của kẻ thù.

Đặc biệt, ông Chí ghi chép trong nhật ký rất cụ thể và tỉ mỉ về những trận đánh ác liệt chống giặc càn quét, hoặc đưa lãnh đạo Khu ủy Khu V về công tác vùng đồng bằng, trong lòng địch… nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10 đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ căn cứ tuyệt đối an toàn.

Vì thế, trước khi Bộ Công an thành lập Ban quy tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 hy sinh trong kháng chiến, Ban liên lạc Tiểu đoàn 10 đã giao nhiệm vụ cho ông Chí trở lại chiến trường xưa khảo sát, thu thập chứng cứ để xác định còn liệt sĩ nào chưa quy tập vào nghĩa trang để tiếp tục đưa các anh về...

Ông chí kể rằng, chuyến đi tìm mộ liệt sĩ của ông kéo dài nhiều tuần liền, có sự tham gia của hai anh Phạm Xuân Khoa và Phan Quang Công, từ TP HCM ra, cũng là cựu chiến binh Tiểu đoàn 10 ngày trước. Lần theo những sự kiện được ghi chép trong cuốn nhật ký, đầu tiên họ đến Nước Y, thôn 4, Trà Giác (Bắc Trà My).

Theo lời kể của ông Chí, vào ngày 10/4/1966, hàng chục chiếc trực thăng Mỹ đổ ồ ạt quân xuống Nà Cây Mít, bên triền sông Nước Y, mục đích tấn công tiêu diệt căn cứ Khu ủy Khu V. Toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 10 được huy động chống giặc càn quét và sau gần 20 phút đọ súng, giặc Mỹ phải rút quân bỏ chạy. Nhưng, đồng chí Trung úy Lê Văn Thuấn, quê ở Hòa Tiến, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, thuộc tiểu đội trinh sát của ông Chí đã hy sinh.

Ông Chí tâm sự: "Tui và đồng đội chôn cất anh Thuấn tại một bãi cỏ cạnh Nóc ông Bình. Hồi đó, mỗi lần đi công tác qua đây, chúng tôi thường cùng già Bình thắp hương mộ anh Thuấn… Song, khi tui và anh em lên lại thì già Bình đã mất, bãi cỏ cũng trở thành bãi lau lách bạt ngàn. Dò hỏi mất gần nửa buổi, tui mới gặp được ông Quang con trai già Bình, thì được biết, từ sau giải phóng đến nay chưa ai đến dời mộ anh Thuấn. Anh em tui đành thắp nén hương trầm khấn nguyện hương hồn anh Thuấn linh thiêng thì chờ đợi thêm thời gian nữa. Vì hiện nay lãnh đạo Bộ Công an đã thành lập Ban quy tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 thì chắc chắn sẽ đưa hài cốt anh về lại quê nhà…".

Từ Nước Y, ông Chí cùng hai người bạn lại bươn bả vượt rừng, lội suối qua Nước Ngeo (nay thuộc xã Trà Giáp, Bắc Trà My), nơi chôn cất đồng chí Chuẩn úy Thái Văn Miên, quê Hưng Nguyên, Nghệ An, hy sinh ngày 4/8/1970. Đường về Nóc ông Nhẫn phải trèo con dốc hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng đến nơi thì già Nhẫn cũng qua đời từ lâu.

Theo lời chỉ dẫn của con trai già Nhẫn, họ xuống Nóc ông Gia để tìm hiểu thì ông Gia cũng đã chết. Song thật may là trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Gia cũng dăn dò cô cháu gái của mình chăm sóc ngôi mộ của một cán bộ người Kinh, nằm bên con đường lên rẫy của gia đình. Mộ anh Thái Văn Miên hiện còn ở đó, chưa di dời vào nghĩa trang... Cứ thế, ông Chí cùng hai người bạn lội rừng đi khắp Nam, Bắc Trà My. Khi thì họ ở Nước Y, Nước Ngheo, khi họ tới Nước Oa, Nước Xa, dốc Voi, dốc Đót…

Điều đáng quan tâm, họ đã tìm được nhiều ngôi mộ với những vật làm dấu khi chôn hiện vẫn còn. Như mộ đồng chí Chuẩn úy Trần Văn Thành, quê ở Vũ Công, Kiến Xương, Thái Bình. Đồng chí Thành hy sinh trong một trận đánh địch càn quét ở xã Íp (nay là Trà Dơn, Nam Trà My) vào ngày 15/3/1971.

Trong nhật ký của ông Chí còn ghi, hôm đó khoảng 4h sáng, trinh sát Tiểu đoàn 10 xuất quân đánh chặn bọn thám báo. Anh Thành là xạ thủ trung liên nên lúc đụng độ, địch tập trung hỏa lực nã về phía anh như vãi trấu làm anh bị thương nặng ở đùi, đứt động mạch chủ. Giữa trận tuyến nên anh em trong đơn vị đành sơ cứu vết thương rồi đưa Thành xuống giấu dưới bờ khe để tiếp tục chiến đấu với giặc. Khi bọn thám báo bị đánh tan tác, họ xuống khe đưa Thành về tuyến sau thì anh đã hy sinh. Mọi người gạt lệ chôn cất anh Thành tại bãi đất bằng bên một ngôi làng người Cơtu…

Khi được hỏi về ngôi mộ anh Thành, ông Trần Văn Xỏ, xã đội trưởng xã Íp lắc đầu bảo chưa có ai đến di dời cả. Nói rồi ông Xỏ huy động người dân trong xã đến hỏi từng người và có một phụ nữ đứng ra chỉ mộ anh Thành. Thì ra, nơi chôn mộ anh Thành là rẫy của gia đình phụ nữ này, từ ngày đó họ không làm rẫy ở đây nữa nên lau lách, cỏ dại mọc kín lút đầu người. Ông Chí mượn rựa phát tìm và xác định được hai hòn đá đặt ở đầu và chân mộ anh Thành vẫn còn…

Hay như mộ anh Nguyễn Cao Miên, quê ở Kỳ Thịnh, Tam Kỳ, Quảng Nam, hy sinh ở Trà Nú, Bắc Trà My vào cuối tháng 7/1968; anh Huỳnh Xuân, quê ở Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam, hy sinh tháng 6/1970 ở Trà Bui, Bắc Trà My, người dân tộc địa phương chôn cất và đến nay vẫn còn chăm sóc, giữ mộ các anh…

Ông Chí ngậm ngùi nói rằng, từ những trang nhật ký ông đã viết thời chiến tranh, qua chuyến khảo sát lại chiến trường xưa, ông đã xác định tại Nam và Bắc Trà My có đến 34 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10 hy sinh và họ đã tìm được, hoặc xác định chính xác nơi chôn cất các liệt sĩ đến 23 trường hợp, còn lại 11 trường hợp mặc dù họ tới ngay địa điểm song chưa xác định chính xác chỗ chôn, vì thời gian đã làm địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều.

Ông Chí tâm sự: "Chiến tranh đã lùi xa 34 năm, Tiểu đoàn 10 cũng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quỹ: Anh hùng LLVTND, song hiện vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được quy tập hết về các nghĩa trang để hương khói. Tui và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10 còn sống rất vui mừng khi biết tin Bộ Công an đã thành lập Ban quy tập liệt sĩ Tiểu đoàn 10. Bản thân tui và nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10 khác, dù tuổi cao, sức yếu song xin hứa với lòng mình rằng sẽ cố gắng tiếp tục lội rừng tìm kiếm để nhanh chóng đón các anh về nghĩa trang cho mồ yên, mả đẹp; cho những người thân và đồng đội hương khói hằng năm, để hương hồn các anh ngậm cười nơi chín suối…"

Long Vân
.
.
.