Tự hào về những chiến công thầm lặng

Thứ Ba, 19/04/2005, 07:33
Đầu năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban địch tình. Thành phần lãnh đạo Ban địch tình gồm các đồng chí Văn Viên làm Trưởng ban; Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm (nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ) và Hoàng Minh Đạo (nguyên Phó trưởng Phòng Quân báo Nam Bộ) làm Phó ban.

Nhiệm vụ của Ban địch tình Xứ ủy là tổ chức xây dựng và chỉ đạo cơ sở điệp báo trong các cơ quan tình báo gián điệp, cảnh sát, các cơ quan cấp cao của ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái, tôn giáo ở miền Nam để nắm tình hình âm mưu, tổ chức và hoạt động của địch, để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân và của Đảng.

Từ năm 1959, Bộ Công an đã cử các đoàn cán bộ chi viện cho an ninh miền Nam. Tháng 3/1962, Bộ Công an quyết định thành lập 5 trung tâm tình báo ở miền Nam với các bí số A1 ở Sài Gòn, A2 ở Nha Trang, A3 tại Quảng Đà, A4 tại Thừa Thiên - Huế và A5 tại Quảng Trị. Do đặc điểm về địa lý, công tác tình báo, điệp báo ở khu V sau này do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo.

Đầu năm 1961, Thường vụ Trung ương Cục quyết định thành lập Ban An ninh Trung ương Cục, Tiểu ban điệp báo. Công tác điệp báo ngày càng được chú trọng tăng cường. Đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó Ban An ninh Trung ương Cục được cử trực tiếp phụ trách Tiểu ban điệp báo. Ban An ninh các khu như T1 (miền Đông Nam Bộ), T2 (miền Trung Nam Bộ), T3 (miền Tây Nam Bộ), T4 (Sài Gòn - Gia Định), T5 (khu V), T6 (khu VI), T10 (khu X) đều có bộ phận điệp báo để tiến hành thu thập tin tức và cài cắm người của ta vào tổ chức địch... phục vụ yêu cầu của cách mạng.

Từ đây, công tác điệp báo - tình báo của lực lượng an ninh đã bước sang một thời kỳ mới cả về tổ chức, phương hướng hoạt động và đặc biệt là về tư tưởng chủ động làm công tác tình báo chiến lược cũng như công tác phản gián trên một địa bàn là trung tâm chính trị, quân sự, tình báo của địch với yêu cầu cao nhất là phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng điệp báo của an ninh ở khắp miền Nam đã bộc lộ phần nào để tham gia chiến đấu. Sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều cơ sở điệp báo và lực lượng an ninh của ta bị địch khủng bố dã man, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh rất anh dũng. Một số đồng chí bị địch bắt và tra tấn rất tàn bạo, nhưng vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng và chiến sĩ điệp báo an ninh.

Để tăng cường cuộc đấu tranh, lãnh đạo Bộ đã cử một số cán bộ chỉ huy của lực lượng tình báo vào chi viện cho miền Nam. Một số cán bộ tình báo chiến lược ta dày công xây dựng đã được Bộ Công an giao cho Tiểu ban điệp báo An ninh miền liên lạc và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Các Tiểu ban điệp báo của An ninh các khu, đặc biệt là cơ quan điệp báo An ninh T4 (khu Sài Gòn - Gia Định) gầy dựng lại các đầu mối điệp báo hoạt động trong lòng địch hoặc xây dựng cơ sở mới. Không lâu sau đó, đến khi ký kết Hiệp định Paris năm 1973, mặc dù địch đã đàn áp và khủng bố, nhưng mạng lưới điệp báo an ninh miền Nam vẫn tiếp tục phát triển và phát huy được hiệu quả, tích cực góp phần đấu tranh chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Lực lượng điệp báo miền Nam đã có nhiều cơ sở hoạt động bí mật trong các cơ quan đầu não, quan trọng của ngụy quyền, ngụy quân. Vì vậy, nhiều tin tức, âm mưu của địch ta đã nắm được có giá trị cả về chiến lược và chiến thuật, góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh của ta.

Điệp báo an ninh đã lấy được nhiều tài liệu về âm mưu "Bình Định", kế hoạch "Phượng Hoàng" và "Thiên Nga" của Mỹ - ngụy, nhiều kế hoạch hoạt động quân sự lấn chiếm đất đai của địch đã được ta biết trước. Bộ phận điệp báo T65 ở khu Trị - Thiên cũng đã thu thập được nhiều tin tức quý báu về âm mưu và hoạt động của địch ở miền Trung, bổ sung nhiều tin tức tình báo cho các nguồn tin của điệp báo An ninh miền Nam, bảo vệ miền Bắc.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điệp báo an ninh cũng đã thu thập được tin tức rất quan trọng là Mỹ không can thiệp bằng quân sự vào Việt Nam sau khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho các chiến dịch đại thắng sau này. Đây là một trong số các nguồn tin từ nhiều phía, giúp cho Trung ương có những quyết định đúng đắn để giành thắng lợi cuối cùng.

Ở Sài Gòn, lực lượng điệp báo của An ninh T4 hoạt động rất tích cực và có hiệu quả. Đặc biệt là trong những ngày cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn, cụm điệp báo A10 đã góp phần thúc đẩy Tổng thống ngụy - Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng, bàn giao chính quyền cho cách mạng, làm tan rã toàn bộ bộ máy chính quyền trung ương ngụy, góp phần tích cực vào thắng lợi lớn của dân tộc, hạn chế được thương vong và xương máu của đồng bào, đồng chí trong những ngày cuối cùng của chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chi viện của Bộ Công an cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ của Ban An ninh Trung ương Cục, và đặc biệt là sự tham gia, giúp đỡ, nuôi dưỡng, đùm bọc của quần chúng nhân dân yêu nước đủ các giới trong mặt trận thầm lặng nhưng đầy gian nan, thử thách này, lực lượng điệp báo - tình báo an ninh có quyền tự hào về sự hy sinh, những chiến công thầm lặng của mình

Nguyễn Khắc Đức (Viết theo tài liệu lịch sử CAND và lời kể của các đồng chí Trần Quốc Hương, Lê Thanh Vân, Nguyễn Phước Tân...)
.
.
.