Từ cái chết thương tâm của cô gái bị điện giật ở TP HCM: Xin đừng nói "giá như"

Thứ Tư, 15/04/2009, 08:51
12h ngày 14/4, chiếc quan tài lặng lẽ rời nhà tang lễ An Bình để đưa thi thể cô gái xấu số Hoàng Thị Thanh Truyền (22 tuổi, quê Bình Định) về quê an nghỉ. Phía sau chiếc quan tài, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi của hơn 100 công nhân Kềm Nghĩa đưa tiễn Truyền một đoạn ngắn rồi… xa vĩnh viễn.

Nhiều người không cầm được sự phẫn uất thốt lên: "Xin đừng thêm một lần nói chữ: Giá như". Đúng như vậy, mỗi lần sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng buộc miệng thốt ra hai chữ "giá như" thì cũng chính là lúc một người nào đó đã trở thành nạn nhân của sự tắc trách.

Vương miện không được cài trên tóc em…

"Chú rể" ngồi lặng lẽ ở một góc nhà tang lễ cố gắng ngăn những giọt nước mắt vào lòng nhưng sao nước mắt cứ lăn dài trên má. Những cái nắm tay động viên, an ủi của các anh em trong cùng công ty lại làm cho Trần Nam Thi thêm thắt lòng. Mới tuần trước Thi còn dẫn Truyền về ra mắt ba mẹ rồi xem ngày cưới, hai người định tổ chức đám cưới vào cuối năm thì nay Truyền lại "bỏ" Thi ở lại một mình.

Anh Tần Đình Tá - Quản đốc sản xuất Công ty Kềm Nghĩa có mặt từ khi ở hiện trường cho đến lúc thi thể Truyền được đưa ra xe về quê an táng tâm sự: "Truyền vào công ty làm được 3 năm, tính tình hiền lành hòa đồng lại ham học hỏi nên anh em ai cũng mến. Với tính tình cẩn thận, sau giờ làm việc, Truyền thường lên giúp anh em thống kê sổ sách. Cách đây một năm, Truyền xin công ty cho đi học lớp kế toán ở Củ Chi để về làm kế toán cho phân xưởng. Thi và Truyền yêu nhau đã được hai năm, mọi người trong công ty đều mong đến ngày hai đứa về xây tổ ấm thì "đùng một cái" tai nạn đã chia rẽ lứa đôi của họ. Lúc nhận tin Truyền gặp nạn cũng chính là ngày Truyền đến xưởng xin phép được lên công ty thực tập kế toán. Đâu ai ngờ, ngày thực tập đầu tiên cũng là ngày Truyền mãi ra đi…".

Đứng trước quan tài Truyền, người cha già liên tục đưa tay lên quệt dòng nước mắt. Từ Bình Định nhận được hung tin, ông Hoàng Duy Linh (52 tuổi) tức tốc bắt xe chạy vào. Khi nhìn vào thân thể cháy đen của Truyền được phủ bằng một lớp giấy vàng chi chít chữ Nho ông mới thực sự tin con mình đã không còn nữa. Mỗi lần có người đến an ủi, hỏi han nước mắt ông lại trào ra.

Truyền là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Nơi vùng quê khó khăn, người anh cả của Truyền quyết định nghỉ học để tiếp tục nuôi "ước mơ" thoát nghèo của hai đứa em gái. Học hết lớp 12, Truyền vào Nam xin việc và được nhận vào làm công nhân ở Công ty Kềm Nghĩa. Tuy đã là công nhân nhưng ước mơ học lên cao của Truyền không dừng lại mà cứ nung nấu trong lòng cô gái 22 tuổi này.

Ở hiện trường nơi xảy ra sự cố chập điện, khi đưa thi thể cô gái lên xe cấp cứu, người ta vẫn còn nhìn thấy trong mớ hỗn độn tại hiện trường là một số tập sách vương vãi trong dòng nước đục ngầu…

Đừng để nghe thêm những câu… "giá như"

"Giá như chiếc xe buýt đừng chạy ngang làm nước tràn vào nơi sự cố rơi dây điện..., giá như cô không đến công ty, không đi trên đoạn đường này vào buổi sáng hôm ấy…, giá như…". Quá nhiều câu "giá như" như vậy được thốt ra từ những người chứng kiến vụ điện giật kinh hoàng trên.

Ở hiện trường những vụ tai nạn, những vụ án… chúng tôi cũng đã rất nhiều lần nghe thấy câu "giá như" như thế này! Ai cũng có thể oán trách, ai cũng thốt ra được câu căm phẫn khi chứng kiến những nạn nhân chết thảm trước một nguy cơ, sự cố được báo trước.

Nhiều cái chết thương tâm của các nạn nhân như em bé 7 tuổi chết dưới hố cống trên một công trình trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận), người chứng kiến cũng thốt lên "giá như có cái nắp cống đàng hoàng" hay một vụ tai nạn do nạn nhân lọt xuống hố của một công trình tái lập mắt đường sơ sài, một chú bé ham đá bóng rơi xuống hố công trình chỉ vì muốn lấy trái bóng lên để tiếp tục trận cầu của những đứa trẻ lao động nghèo. Những nạn nhân trên có thể sống nếu như không có sự tắc trách của những nhà thầu dự án, những nhà quản lý các công trình công cộng…

Liên quan đến cái chết của cô gái, chúng tôi lại nhớ lại cảnh tượng hằng ngày chứng kiến trên các con đường ở TP Hồ Chí Minh. Những cây cột điện cũ kỹ hàng ngày phải oằn mình mang trên mình hàng trăm sợi dây điện như những mạng nhện khổng lồ. Có những nơi, dây diện bị đứt rơi xuống đường hàng ba bốn tháng nhưng khi nhận được phản ánh, các đơn vị liên quan lại "gia cố tạm" bằng cách dùng một miếng nilon mỏng tang cột hờ hững. Những hình ảnh phản cảm trên chắc có lẽ các công ty chủ quản… không được biết. "Giá như"…

Chúng tôi lại nhắc từ "giá như" một lần nữa! Giá như các đơn vị liên quan chú ý đến những nơi có nguy cơ xảy ra nguy hiểm và kiểm tra, gia cố kịp thời đúng kỹ thuật thì đâu còn ai chua xót thốt lên những lời trách giận xót xa như thế!

Liên quan đến vụ nạn nhân Hoàng Thị Thanh Truyền bị điện giật chết lúc 7h sáng 13/4, ông Lê Văn Đoàn - Phó Giám đốc Điện lực Tân Phú cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, phía công ty đã thành lập đoàn liên hệ với gia đình, lo chi phí đưa xác nạn nhân về quê an táng, khoảng 38 triệu đồng. Ngoài ra, phía Công ty Điện lực Tân Phú "phúng điếu" gia đình nạn nhân 50 triệu đồng. Phía công ty cũng đang tiến hành làm việc với cơ quan điều tra để xác định, làm rõ nguyên nhân.

Theo ông Tần Đình Tá - Quản đốc Công ty Kềm Nghĩa, phía Công ty Kềm Nghĩa đã hỗ trợ phía gia đình nạn nhân Truyền số tiền 29 triệu đồng. Số tiền mà anh em trong công ty đóng góp sẽ được gửi về gia đình sau.

Nghinh Phong

Minh Đức
.
.
.