Từ Hội nghị Pa-ri đến trận địa tên lửa Chèm

Chủ Nhật, 30/12/2012, 08:35
Sau khi ký tắt bản Hiệp định Pa-ri về Việt Nam cùng với Tiến sĩ Hen-ri Kít-xing-giơ, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Ri-sớc Ních-xơn, cố vấn phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ lập tức trở về Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề nghị cho ông tới thăm trận địa tên lửa đánh thắng máy bay chiến lược B52 của đế quốc Mỹ, cùng với quân và dân Hà Nội làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng Chạp. Đó là trận địa Tiểu đoàn 77 ở gần bến phà Chèm. Đây là tiểu đoàn bắn rơi chiếc máy bay chiến lược B52 đầu tiên của Hà Nội đêm 18/12 và cũng là một trong những đơn vị lập công xuất sắc nhất, bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Trời mùa đông lạnh giá, đùng đục màn sương khói, suốt từ sáng đến chiều không hề có một tia nắng nào. Những quả đạn tên lửa cắm kín lá ngụy trang trên công sự, nằm im lìm như những con hổ phục. Tự nhiên ông chợt nhớ tới ngôi mộ của Thái sư Trần Thủ Độ. Bên trên ngôi mộ không xây cất cầu kỳ, diêm dúa như các lăng tẩm đời Nguyễn mà chỉ duy nhất có một con hổ đá. Chẳng hiểu con hổ ấy được tạc theo di chúc của Thái sư Trần Thủ Độ hay chỉ là ý thích của người thợ đá và con cháu của ngài. Đến nay chưa thấy sử sách nào ghi lại. Chỉ biết rằng con hổ ấy nằm soải người rất thoải mái, đôi mắt lim dim như ngủ nhưng cái đuôi duỗi ra thì cứ như nó đang động đậy. Nó ngủ đấy nhưng cũng lại cảnh giác cao độ đấy. Chỉ cần kẻ thù có một động tĩnh nhỏ là nó lập tức quẫy đuôi vùng dậy và lao tới đối phương. Và cho tới lúc này, lúc đặt chân lên trận địa tên lửa, ông mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm là đã hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Nhiều lúc ông cũng tự hỏi không hiểu sao có những phiên họp ông lại có thể ngồi đấu với Kít-xing-giơ liền một mạch 17-18 giờ đồng hồ. Tính theo tuổi ta, tuổi âm lịch năm ấy ông vừa tròn 60 tuổi. Còn Kít-xing-giơ mới ở độ tuổi ngoại bốn mươi. Một con người lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”.

Kít-xing-giơ có cái cổ to và ngắn, mái tóc quăn đen nhánh. So với người châu Âu, ông ta không lấy gì làm cao lớn, nếu không gọi là hơi lùn. Báo chí phương Tây lúc ấy vẫn bảo ông ta là con người của dao dĩa và gái. Ông ta ăn một bữa có thể hết một chú cừu tơ quay ròn và có thể đi với gái nhảy hết đêm này sang đêm khác. Dường như càng đi với gái nhảy thì đầu ông ta càng minh mẫn sáng láng hơn. Ông ta đã ỷ vào sức khỏe để đánh những keo vật thật dài khiến sức lực Lê Đức Thọ ông cạn kiệt, đầu óc ông lú lẫn, dễ thỏa thuận những điều khoản có lợi cho phía Mỹ. Kít-xing-giơ thường bắt đầu cuộc họp vào hai giờ rưỡi sáng (giờ Hà Nội). Đó là lúc tuổi già của đồng chí Lê Đức Thọ gặp nhiều khó khăn. Nhưng ông ta có cái tật hay đi đái vặt. Thành ra những lúc ông ta rời bàn họp là lúc đồng chí Lê Đức Thọ được nghỉ ngơi dăm ba phút và khi ông cần điều gì thì “quân sư” có thể cung cấp kịp thời cho ông. Nhưng đến bây giờ, có thể nói, ông đã chiến thắng, ông đã không để sơ hở một điều khoản nào. Và ông đã thực hiện được lời dặn của anh Ba: “Bất kỳ ở đâu cũng không được quên rằng mình là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.

Hãy trở lại Tiến sĩ Hen-ri Kít-xing-giơ một chút. Khi còn là giáo sư giảng dạy bộ môn lịch sử thế giới ở Trường Đại học Ha-vớt, ông ta đã ôm giấc mộng chính khách. Sau nhiều năm nghiên cứu về sự phân chia quyền lực của thế giới hiện đại, ông ta đã viết một bản luận thuyết rất nổi tiếng. Ông ta đem bản luận thuyết của mình trình lên Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hồi ấy là Giôn Ken-nơ-đi. Sau nửa tháng hồi hộp, mong đợi sẽ được Ken-nơ-đi gọi đến ngợi khen và tuyển dụng vào Nhà Trắng, nhưng thật không may cho học thuyết của ông ta, Tiến sĩ Kít-xing-giơ đã vấp vào cái đầu quá ư là thông minh và quái kiệt của Ken-nơ-đi. Tổng thống Mỹ mời ông ta đến Nhà Trắng, trao trả bản luận thuyết và nói bằng một giọng lạnh lùng, khúc triết:

- Cảm ơn ngài đã cho tôi đọc học thuyết của ngài. Nhưng thật tiếc, những điều ngài viết trong đó, tôi đã nghĩ đến cả rồi. Có nhiều điểm tôi còn nghĩ sâu hơn ngài kia, ví như…

Kít-xing-giơ chán ngán, thất vọng. Ông ta nghĩ thế là chấm dứt! Ông ta chẳng còn hy vọng tiến thân vào Nhà Trắng nữa. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì Ken-nơ-đi bị ám sát. Lin-đơn Giôn-xơn lên làm Tổng thống Mỹ. Bạn bè khuyên ông ta lại đem bản học thuyết ấy nộp cho Tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn xem sao. Ông ta không nghe. Trong thâm tâm, Kít-xing-giơ vốn coi thường Giôn-xơn là một người háo danh, ngu xuẩn và liều lĩnh.

Các đồng chí: Bộ trưởng Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Pa-ri năm 1973. Ảnh: T.L.

Sau Tết Mậu Thân 1968, đội quân xâm lược Mỹ bị thất bại nặng nề ở Việt Nam. Tổng thống Giôn-xơn buộc phải tuyên bố không ra tranh cử chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Ri-sớc Ních-xơn là một ứng cử viên tổng thống Mỹ sáng giá của đảng Cộng hòa. Ở một quán bar nọ, bạn bè đã hỏi Kít-xing-giơ về Ních-xơn, xem ông ta đánh giá nhân vật này như thế nào? Chẳng phải suy nghĩ, ông ta bảo:

- Đấy là một người ngu xuẩn và tàn bạo.

- Nếu ông ta đắc cử tổng thống thì thế nào?

- Thì càng ngu xuẩn và càng tàn bạo. Có thể sẽ ngu xuẩn và tàn bạo hết chỗ nói.

Không ngờ mấy câu nói của Kít-xing-giơ ở quán bar này đã bị bạn bè để lộ và báo chí phương Tây được dịp bán báo chạy.

Và Ri-sớc Ních-xơn đã đắc cử Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Vài tháng sau khi đắc cử Tổng thống, Ri-sớc Ních-xơn chợt nhớ tới bản luận thuyết của Tiến sĩ Hen-ri Kít-xing-giơ hồi nào đã được một số giáo sư sử học Trường Đại học Ha-vớt đánh giá rất cao. Còn Tổng thống Ken-nơ-đi thì lại bảo cái học thuyết ấy làm cho ông ta mỏi mệt. Ních-xơn rất muốn được đọc bản luận thuyết ấy. Ông ta mời Kít-xing-giơ đến Nhà Trắng.

Kít-xing-giơ nhận được điện sợ run cầm cập. Ông ta nghĩ, Ních-xơn ngu xuẩn và tàn bạo sẽ trả thù ông ta về những lời ông ta nhận xét Ních-xơn hồi nào. Ông ta mời bạn bè, chỉ mời những người đã trực tiếp nghe ông ta nói đến đúng cái bàn của quán bar mà ông ta đã có lời nhận xét chẳng hay ho, tốt đẹp gì về Ních-xơn. Ông ta đãi bạn một bữa rượu uýt-xki cho kỳ đến say mềm người ra. Ông ta bảo đây là bữa rượu vĩnh biệt, bữa rượu cuối cùng. Rằng thế nào Ních-xơn cũng trả thù.

Ních-xơn đứng ở cửa phòng khách đón Kít-xing-giơ. Ních-xơn nói luôn:

- Tôi muốn mời ngài cộng tác với tôi và tôi muốn được xem bản luận thuyết của ngài đã đệ trình Tổng thống Ken-nơ-đi.

Tiến sĩ Kít-xing-giơ bàng hoàng, không còn tin ở tai mình. Nhưng đó là sự thật. Ông ta xin được suy nghĩ trong nửa tháng. Nửa tháng chờ đợi là nửa tháng ông ta hoang mang, lo sợ đến tột độ. Ông ta bỏ giờ dạy nằm bẹp dí ở nhà. Không hiểu Ních-xơn tàn bạo và ngu xuẩn nói thật hay bông đùa trước cái chết của ông ta.

Đúng nửa tháng, theo lời hẹn, Kít-xing-giơ đến Nhà Trắng nộp bản luận thuyết về thế giới hiện đại cho Ních-xơn và nói:

- Tôi xin được cộng tác với ngài.

Đọc xong bản luận thuyết của Kít-xing-giơ, Ních-xơn mừng rơn. Ông ta nôn nóng gọi điện cho Kít-xing-giơ bảo:

- Tôi đã đọc xong bản luận thuyết của ngài. Tôi muốn mời ngài làm cố vấn an ninh cho tôi. Tôi nghĩ, ở cương vị này, ngài tha hồ có điều kiện thực hiện học thuyết của mình. Ngài đồng ý nhận lời chứ.

Kít-xing-giơ sung sướng đến bàng hoàng. Và ông ta đã bước chân vào Nhà Trắng như vậy đấy. Ông ta quả thực là một con bài đắc lực của Ních-xơn.

Cố vấn Lê Đức Thọ nghe nói, nhiều chính khách trên thế giới sợ cái ánh mắt sắc sảo, lạnh lùng đằng sau cặp kính cận dày cộp của Kít-xing-giơ, tới mức không dám nhìn thẳng vào mặt ông ta. Tiến sĩ Kít-xing-giơ có tật ngồi trước đối phương thường hay cắn móng ngón tay cái. Ông ta vừa cắn móng tay vừa nghiêng nghiêng mắt thôi miên đối phương để tính toán những nước cờ. Do vậy đối phương chỉ sợ ông ta đọc được những ý nghĩ của mình. Và quả thực có nhiều chính khách đã bị ông ta bắt thóp và dồn tới chân tường, buộc họ phải theo ý đồ của ông ta.

Vậy mà trước ánh mắt thông minh, lì lợm, sắc sảo và lạnh lùng ấy, cố vấn Lê Đức Thọ chưa một lần phải lảng tránh. Đồng chí Lê Đức Thọ chỉ mong ông ta, Tiến sĩ Kít-xing-giơ hiểu được ông, đoán được ý ông, hiểu được con người Việt Nam, càng nhanh càng tốt. Nhưng ông ta vẫn không chịu hiểu cho. Sở dĩ đồng chí Lê Đức Thọ có được một bản lĩnh kiên cường như vậy trước Tiến sĩ Kít-xing-giơ là bởi nhờ có đồng bào và chiến sĩ miền Nam, đồng bào và chiến sĩ ở hậu phương lớn miền Bắc đã càng đánh càng thắng, càng dồn đế quốc Mỹ vào thế bị động lúng túng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng chí trên mặt trận ngoại giao. Có lần, cố vấn Lê Đức Thọ đã nói thẳng với ông ta rằng:

- Ngay từ đầu năm 1965, chính quyền Mỹ leo thang chiến tranh, đổ quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam, tăng cường dùng máy bay ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng chúng tôi đã nhận định:

Chính quyền Mỹ không hiểu dân tộc Việt Nam ta. Đó là cái bại thứ nhất của Mỹ.

Chính quyền Mỹ chỉ thấy mình mạnh, chỉ thấy chiến thắng. Đó là cái bại thứ hai của Mỹ.

Chính quyền Mỹ muốn đánh nhanh, thắng nhanh, thì chúng ta (tức chúng tôi) trường kỳ mai phục, đánh lâu dài, căng địch ra khắp các chiến trường mà đánh. Đánh ở núi rừng, đánh ở đồng bằng, đánh ở thành phố và thị xã, đánh vào nơi hiểm nhất của Mỹ. Đó là cái bại thứ ba của Mỹ.

Chính quyền Mỹ cậy có xe tăng, tàu bò, máy bay, cơ động nhanh nhưng không nhanh bằng chúng ta (tức chúng tôi) bám đất, bám dân hoạt động tại chỗ. Đó là cái bại thứ tư của Mỹ.

Chính quyền Mỹ cậy có nhiều bom, lắm đạn thì ta (tức chúng tôi) nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh. Đó là cái bại thứ năm của Mỹ.

Mỹ vừa ra quân mà ta đã nhìn thấy năm cái bại của Mỹ thì ta (tức chúng tôi) nhất định thắng. Mỹ nhất định thua.

Đấy là chưa kể nhân dân Mỹ (các ông) không ủng hộ cuộc chiến tranh bẩn thỉu, phi nghĩa của chính quyền Mỹ. Nhân dân tiến bộ thế giới cũng không đồng tình ủng hộ Mỹ.

Cố vấn Kít-xing-giơ nghe xong, mỉm cười bảo:

- Để rồi xem. Thực tiễn ở chiến trường Việt Nam sẽ trả lời sự nhận định của ông Bí thư thứ nhất đảng các ngài.

Ngừng một lát, ông ta nói thêm:

- Liệu các ngài có đủ lực để đánh lâu dài với Mỹ không?

Cố vấn Lê Đức Thọ nói:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói đại ý là dù cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa chúng tôi cũng đánh. Dù Mỹ có B52, B57 hay B gì đi nữa thì chúng tôi cũng đánh và đã đánh là thắng. Hẳn ngài còn nhớ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của dân tộc chúng tôi chứ? Lực lượng của cuộc khởi nghĩa lúc đó rất nhỏ bé so với hàng chục vạn quân địch. Địch vây ráp mọi phía. Vua tôi phải nhiều phen thoát hiểm, ăn đói mặc rách. Và cuối cùng là Vương Thông tháo chạy, quân Minh cuốn gói, Liễu Thăng bị chém đầu. Tôi mong muốn Chính phủ Mỹ các ngài nên biết điều hơn, nên xuống thang từng nấc để không phải tháo chạy như vậy. Ngài có biết tại sao chúng tôi chiến thắng không? Chúng tôi chiến thắng là bởi vì chúng tôi dám lấy ít đánh nhiều, dám lấy yếu thắng mạnh, dám lấy quân mai phục đánh quân từ xa tới. Chúng tôi lúc nào cũng lấy nhân nghĩa thắng hung tàn.

Cố vấn Kít-xing-giơ nói cứng:

- Xin cảm ơn ngài.

Giờ đây đặt chân lên trận địa tên lửa Tiểu đoàn 77, gặp những người chiến thắng B52, chợt nhớ lại những lời nhận định của anh Ba, cố vấn Lê Đức Thọ vô cùng xúc động. Ông ôm chầm lấy Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, giọng như nghẹn lại:

- Cảm ơn các đồng chí! Cảm ơn các đồng chí! Các đồng chí đánh rất giỏi, bắn rơi được nhiều máy bay chiến lược B52. Các đồng chí đã cho tôi sức mạnh, cho tôi tiếng nói đĩnh đạc, kiên quyết ở Hội nghị Pa-ri. Các đồng chí cho tôi tiếng nói của người chiến thắng!

Ngừng một lát, ông tâm sự:

- Có ba điều khoản tôi phải đấu với Kít-xing-giơ gay go nhất, quyết liệt nhất. Một là: Hoa Kỳ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận. Hai là: Mỹ phải rút hết quân đội Mỹ và các phương tiện chiến tranh, phải ngừng viện trợ vũ khí, khí tài cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu – đồng chí Lê Đức Thọ cười vang – Nhưng quân ta thì lại phải ở nguyên tại chỗ. Điều thứ ba là Mỹ phải thả hết tù chính trị. Nhưng nhờ có các đồng chí nên hôm 28/12/1972 vừa rồi tôi trở lại Pa-ri với khí thế của một dân tộc đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Do vậy, Tiến sĩ Kít-xing-giơ dễ dàng chấp nhận những điều khoản còn lại. Do một nguồn tin tình báo của ta, bè lũ Ních-xơn đem máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng… để hòng đè bẹp ý chí một dân tộc và cũng để giết tôi, bởi tôi vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm. Nhưng phía Mỹ đã lầm. Họ có thể giết tôi, Lê Đức Thọ. Nhưng dân tộc thì lại có Lê Đức Thọ phảy, kết tinh cho tinh thần dân tộc, có điều họ cũng gây khó khăn, gây gián đoạn cho Hội nghị Pa-ri. Họ muốn đảo ngược thế cờ, quyết thảo luận, sửa lại những điều khoản họ đã buộc phải chấp nhận. Tôi biết Kít-xing-giơ căm thù tôi, bởi tôi đã đại diện cho dân tộc, cho Đảng ta buộc ông ta chấp nhận thất bại.

Ông ngừng lời, ôm hôn sĩ quan điều khiển Đức và các trắc thủ Hà Nội. Ông luôn nói:

- Cảm ơn các đồng chí! Cảm ơn các đồng chí! Các đồng chí đã cho tôi sức mạnh. Bản Hiệp định Pa-ri là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Đây là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ. Kít-xing-giơ buộc phải thú nhận với tôi rằng sau nhiều năm chạy ngược chạy xuôi từ nước này tới nước khác, ông ta mới tìm thấy chiếc chìa khóa hòa bình của Việt Nam là ở Việt Nam, ở Hà Nội. Tôi xin cảm ơn các đồng chí! Cảm ơn các đồng chí!

D.D.N.
.
.
.