Trường Sơn khúc tráng ca bất tử

Thứ Bảy, 07/07/2012, 20:27
Rong ruổi trên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh hôm nay) tôi thực sự nghiêng mình và khó tưởng tượng; bằng cách nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà những người anh, người chị thế hệ đi trước của tôi lại có thể làm nên một con đường dài hàng ngàn kilomet len lỏi giữa rừng già trong bom đạn chiến tranh.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ; kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam, tôi lại tìm về đường Trường Sơn. Trong chiều hè diệu vợi giữa mênh mông của núi, thắp nén hương trầm bên những địa danh lịch sử của tuyến đường Trường Sơn như; Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Lèn Hà, Hang Tám cô, Nghĩa trang Trường Sơn thấy lòng mình ấp áp lạ thường. Vẳng trong gió rừng, nghe đâu đây như tiếng nói, tiếng cười của biết bao thế hệ thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn đã hy sinh bản thân mình cho đất nước nở hoa độc lập.

Thầm thì tuổi mười tám

“Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…”, bài ca bất hủ đưa chúng tôi đến hàng loạt địa danh lịch sử gắn với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ngã ba Khe Ve, Đèo Mụ Giạ, Đồi 37, Suối Rụng tóc, Đèo Đá Đẽo, Hang Tám Cô, Hang Lèn Hà, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn... của các tỉnh miền Trung. Trong thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, khi cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam, hàng vạn thanh niên, học sinh từ biệt thầy cô, bạn bè, gia đình xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Đường Trường Sơn là nơi họ đến.

Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn. Những lời hứa, lời nhắc nhủ âm thầm, mộng mỵ của tuổi mười tám, đôi mươi làm thổn thức bao thế hệ. “Đêm đầu tiên đến Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có, có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…”.

Miếu thờ các chiến sĩ thông tin hy sinh ở hang Lèn Hà.

Tuổi thơ của tôi không phải đi qua chiến tranh. Tuổi trẻ của tôi trưởng thành cùng sự chuyển mình của đất nước. Rong ruổi trên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh hôm nay) tôi thực sự nghiêng mình và khó tưởng tượng; bằng cách nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà những người anh, người chị thế hệ đi trước của tôi lại có thể làm nên một con đường dài hàng ngàn kilomet len lỏi giữa rừng già trong bom đạn chiến tranh. Phải yêu đất nước mình hơn chính bản thân mình, phải say hơn men say thiết tha hòa bình, TNXP và Bộ đội Trường Sơn mới để cho chúng tôi hôm nay một con đường huyền thoại.

Tôi đến bên Suối Rụng Tóc (khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng – Quảng Bình) trên đường Trường Sơn. Con suối vẫn vậy, nước đỏ quạch màu gạch. Những ngày mở đường Trường Sơn, không có nước sinh hoạt, hàng ngàn nữ TNXP đã phải dùng nước con suối này để chống lại vắt, muỗi, nấm da. Nhưng sau một thời gian ngắn dùng nước ở Suối Rụng Tóc, những mái tóc huyền dài đen mượt của nữ TNXP đã rụng gần hết, trắng cả da đầu.

Mãi mãi tuổi 20

Từ Ngã ba Đông Dương, tôi trở lại Đường 20 Quyết Thắng, cung đường biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP trên đường Trường Sơn. Con đường dài 124km được xây dựng tháng 11/1965 xuyên qua núi rừng hiểm trở nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Trên tuyến đường 20, vẫn còn đó điểm di tích Hang Tám Cô.

Ngày 14/11/1972, máy bay B52 ném bom rải thảm tuyến đường 20. Tám TNXP thuộc đơn vị C217 trong lúc làm đường đã bị bom Mỹ đánh phá vùi lấp tất cả trong hang đá lớn. Để tiếp sức cho đồng đội, nhiều bộ đội, TNXP đã dùng ống nứa luồn vào khe đá trong hang để đổ sữa vào. Cứ vậy hàng chục ngày trời tiếng kêu, gọi trong hang cứ văng vẳng, còn bên ngoài, nước mắt của TNXP ướt cả cây rừng.

Ông Lê Hùng Phi - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động. Đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên Trường Sơn chiếu phim phục vụ động viên TNXP năm 1968. Biết có đoàn chiếu phim đến, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim. Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP đã mất trong loạt bom đầu. Sau đó, đoàn chiếu phim đã xếp thi thể chị em nằm thẳng hàng và bật máy chiếu hết bộ phim cho chị em “xem lần cuối”. Trong cảnh hàng ngàn TNXP, đoàn chiếu phim vỡ òa trong nước mắt khóc thương đồng đội…

Rời đường 20 Quyết Thắng, theo đường Trường Sơn, tôi tìm về Hang Lèn Hà thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình nơi Trạm thông tin liên lạc A69 được thành lập trong năm 1972. Đây được coi là trạm thông tin cực kỳ quan trọng trên tuyến dây trần trục giao thông trên toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Trạm cơ vụ A69  có  nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt từ Bộ Tư lệnh Thông tin vào các chiến trường. Cán bộ, chiến sĩ Trạm A69 chủ yếu là những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi rời ghế nhà trường đi thẳng vào chiến trường đánh giặc.

Lúc 13h trưa 2/7/1972, những chiến sĩ quả cảm ở hang Lèn Hà đã đi vào cõi bất tử. Khi các chiến sĩ thông tin đang khẩn trương nối liên lạc với mặt trận thì hàng chục máy bay phản lực lao đến, chúng trút hàng chục tấn bom ngay cửa hang Lèn Hà. Trong chốc lát tất cả lán trại của Trạm A69 bùng cháy dữ dội, núi rừng Trường Sơn tiễn biệt 13 người lính quả cảm hy sinh.

Thắp một nén nhang ở Hang Lèn Hà và nhìn khói hương bay trong chiều bảng lảng của tâm linh và hoài niệm. Trong chiều hè diệu vợi, tôi thực sự xúc động khi nghĩ tới những sự trùng hợp đến kỳ lạ. Cách Hang Lèn Hà không xa (khoảng 50km) cũng trên trục trường Trường Sơn có Hang Tám Cô, nơi đó cũng có 13 người lính và thanh niên xung phong hy sinh. Và ở Truông Bồn số chiến sĩ hy sinh trong một ngày định mệnh cũng là 13 người. Nếu ở Ngã ba Đồng Lộc có 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh cùng lúc thì ở Hang Lèn Hà cũng có 10 chiến sĩ nữ hy sinh...

Những cái chết bất tử của các anh, các chị làm cho khí thiêng của đất Nam trời Việt mãi trường tồn

Dương Sông Lam
.
.
.