Trường Sa trong tim tôi

Thứ Bảy, 19/01/2013, 10:01
Tôi ước ao một lần được ra Trường Sa. Và điều đó đã thành hiện thực. Đến với một phần máu thịt của giang sơn gấm vóc này, càng thấm hơn lời ca trong bài hát “Gần lắm Trường Sa”: “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Tôi tin, với bất kỳ một người con đất Việt nào thì Trường Sa luôn trong tim, nhất là những người đã một lần ra với đảo thân yêu!

Đúng như lời chúc của lính biển, chúng tôi đã “hải lộ bình an” trở về đất liền, nhưng trong tim vẫn không thôi thổn thức hai tiếng Trường Sa. Những cuộc điện thoại đã nối tôi với đảo, với những người lính trẻ ở các điểm đảo mà tôi đã đi qua.

Hôm nay, Thọ (ngày tôi ra đảo em là Đại úy, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông) lại gọi điện cho tôi. Nhận điện thoại của em mà quên mất lời thăm hỏi sức khỏe, chỉ chăm chăm: “Mấy hôm nay biển động, ngoài đó thế nào hả em?”. Thọ báo tin vui: “Em về đi học ở Học viện Sỹ quan Đà Lạt rồi. Ngày nào em cũng gọi điện ra đảo để nắm tình hình, mọi việc đều tốt, chị ạ. Em nhớ đảo lắm”. Chị em tôi, từ hai thành phố trò chuyện với nhau mà vẫn râm ran chuyện đảo. Nào là, ngôi nhà chỉ huy hôm đoàn ra vừa động thổ nay đã khang trang lắm rồi, dãy bàng vuông phía Bắc đảo  đã xum xuê, bàng biết chắn gió khu vực bếp nên anh nuôi có phần đỡ vất vả…

Tôi lại rưng rưng nhớ về Trường Sa, nhớ đến rơi nước mắt. Đài báo gió mùa. Thế là giàn pin mặt trời không hoạt động được, thiếu điện các em sẽ rất vất vả. Gió mùa. Giữa mịt mùng trùng khơi, các em có lạnh không, mỗi đêm đi gác? Nhà giàn chắc bị sóng xô dữ lắm, nghe kể có những con sóng chồm lên như muốn nuốt gọn cả nhà. Đảo Gạc Ma, nơi chúng tôi không ai cầm nổi nước mắt trong buổi tưởng niệm các chiến sỹ hi sinh để giữ đảo. Dưới ngàn mét nước ở đây, vẫn còn hài cốt các anh giữa trùng khơi lạnh giá. Gửi những cánh hoa thơm xuống biển, chúng tôi gửi đến các anh lời tri ân, gửi nhịp đập của trái tim luôn thổn thức vì Trường Sa thân yêu. Bát hương bùng cháy, cứ trập trùng trên sóng, tôi thấy rõ hình ảnh trái tim tuổi hai mươi căng tròn giữa biển, sẵn sàng đón nhận phong ba. Và trong tôi, tự lúc nào từng sợi dây máu thịt cứ râm ran - Trường Sa!

Tác giả và lính đảo Trường Sa.

Những giờ phút ngắn ngủi gặp mặt đồng hương ở các điểm đảo mà tiếng Nghệ râm ran. Tiếng của cậu Minh, quê ở huyện Anh Sơn: “O ở huyện mô rứa?” cứ theo tôi suốt cả hành trình Trường Sa. Rồi em Duẩn, em Trúc... Mới đó mà nay Duẩn đã ra quân, đang đi học nghề ở Hà Nội. Còn Trúc, hôm tôi ra đảo cũng là lúc cha em qua đời. Em cài tấm băng đen để tang cha, mắt lệ nhòa nhưng vẫn nói những lời rắn rỏi của lính đảo. Tôi hứa với Trúc, sẽ mang nén tâm nhang của em và đồng đội từ Trường Sa để tưởng niệm cha em. Tôi sẽ nói với ông rằng, bác hãy yên nghỉ và tự hào, con trai bác, đứa con xứ Nghệ đang hiên ngang giữ biển đảo quê hương!

Gặp nhau, tiếng Nghệ lại âm vang qua những làn điệu ví dặm do đội văn nghệ của Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ công biểu diễn. Chưa bao giờ tôi thấy buổi biểu diễn nào hay đến thế. Và đến nay, thi thoảng tôi vẫn nghe ngân vang tiếng chuông từ đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa Lớn. Tiếng chuông giữa trùng khơi như vang về tự ngàn xưa, như tiếng cha Lạc Long Quân dõng dạc lời nguyền giữ biển. Với các chiến sỹ, tiếng chuông Trường Sa còn là tiếng quê hương, tiếng mẹ hiền da diết ngóng trông…  

Chúng tôi lại rời đảo, lại ra đi. Nhớ lắm những cánh tay rám nắng cứ vẫy mãi, vẫy mãi: “Chúc hải lộ bình an”. Chúng tôi đã bình an, còn các em?

Về đất liền, mỗi lần nghe thời sự về biển đảo tôi lại nhớ những cái nhăn trán, nhíu mày ở đảo Nam Yết của Chuẩn Đô đốc Hải quân Nguyễn Cộng Hòa. Anh cho chúng tôi lên đài quan sát, chỉ cho tôi đảo Ba Bình. Giọng anh dứt khoát và đanh thép: “Đó là đảo của ta”! Anh chỉ cho tôi những ký hiệu chi chít trong sổ nhật ký của đài quan sát, nhìn ra phía biển, tàu đánh cá san sát, anh nói: “Không phải tất cả tàu đó là của ngư dân ta”. Rồi anh tất tả đi về phía nhà chỉ huy của đảo. Tôi nhìn theo vị chỉ huy, nghe trong tiếng bước chân anh một điều gì không mấy an lòng. Và, sau câu nói của anh Hòa là những cái nhíu mày, là nét mặt căng thẳng của các anh Nguyễn Xuân Lâm - Giám đốc Công an tỉnh, Nguyễn Sỹ Hội - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An…

Tết về, lòng tôi lại chộn rộn nhớ Trường Sa. Quê nhà đang có nhiều hoạt động hướng về Trường Sa. Không ra được với đảo, chúng tôi đành đi thăm những hòn đá thiêng Trường Sa ở Bảo tàng tỉnh, thăm mấy gốc bàng vuông được mang từ Trường Sa về trồng ở Quảng trường Hồ Chí Minh và khu mộ bà Hoàng Thị Loan… Những kỷ niệm Trường Sa lại ùa về, ai cũng thấy lòng mình lâng lâng. Trường Sa luôn trong tim chúng tôi là như vậy đấy!

Bùi Thị Thu Hương
.
.
.