Trưởng CA xã hy sinh, 2 năm chưa được công nhận liệt sỹ

Thứ Tư, 24/01/2007, 10:23
Trong lúc làm nhiệm vụ, anh Ngô Sỹ Đăng, Trưởng CA xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa) đã bị bố con Phạm Đức Hoàn tấn công gây tử vong. Đến nay anh Đăng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ bởi Bộ LĐ - TB &XH cho rằng "đây là trường hợp chống người thi hành công vụ chưa phải là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự”.

Suốt hai năm qua, hầu như không đêm nào chị Hiệu được trọn giấc, bởi nỗi đau lớn sau khi chồng ra đi khiến chị day dứt không nguôi. Thêm vào đó, bệnh tim luôn hành hạ chị, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Đau đớn mệt mỏi là vậy, nhưng chị luôn gắng gượng. Bởi chị hiểu, nếu chị buông xuôi, hai con chị sẽ bơ vơ.

Anh Đăng hy sinh vào ngày 1/12/2004. Sáng sớm hôm đó, một công dân đến trình báo tại thôn Đồng Đội đang xảy ra xô xát giữa Phạm Đức Hoàn, sinh năm 1962 và ông Đinh Hữu Tường. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Ngô Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh cử anh Đăng cùng 3 Công an viên khẩn trương đến nơi xảy ra vụ việc để giải quyết.

Là người sinh ra và lớn lên ở địa phương, lại giữ chức vụ Trưởng Công an xã nên anh Đăng biết rõ về vụ việc này. Bắt đầu từ mấy năm trước, mặc dù đã được bố mẹ chia cho một nửa đất để làm nhà nhưng Phạm Đức Hoàn vẫn thường xuyên cãi cọ với bố mẹ để tranh chấp đất đai.

Biết con trai tham lam nên bố mẹ Hoàn đã dành dụm tiền mua cho người con út một mảnh đất khác để anh em cách xa nhau khỏi mâu thuẫn. Tuy nhiên, Hoàn không chịu nên thường xuyên đuổi bố mẹ ra ở với em trai để được hưởng tất cả tài sản.

Chính vì hành động ngược đãi cha mẹ, bất chấp đạo lý của Hoàn nên gia tộc họ Phạm đã họp kiểm điểm Hoàn nhiều lần. Đặc biệt, từ năm 2001, bố Hoàn qua đời, chẳng những không phụng dưỡng mẹ già mà Hoàn còn đuổi mẹ ra khỏi nhà, ném bỏ bát hương thờ người cha vừa quá cố. Chính quyền cũng đã phải nhiều lần can thiệp, xử lý hành chính đối với Phạm Đức Hoàn và họ tộc tuyên bố từ thân nhưng Hoàn vẫn bất chấp tất cả.

Người mẹ buồn rầu bán phần đất của mình cho ông Đinh Hữu Tường để lấy tiền dưỡng già và đi ở với người con út. Sau khi mẹ ra ở với em trai, Hoàn lại thường xuyên xô xát với gia đình ông Tường.

Sáng 1/12, ông Tường sang nhà Hoàn đề nghị Hoàn chặt cây cối để ông làm nhà ở phần đất vừa mua. Tuy nhiên, khi người nhà ông Tường đến để chuẩn bị đào móng, Phạm Đức Toàn (SN 1988), là con trai Hoàn, ra chửi bới, ngăn cản việc xây dựng của ông Tường. Còn Hoàn thì đem gạch đá lên tầng 2 để ném vào những người đang xây dựng khiến anh Vũ Đình Sơn bị thương.

Khi thấy anh Đăng cùng đồng đội đến nơi, bố con Hoàn càng làm già, tiếp tục ném gạch đá và đe dọa lực lượng Công an. Tổ công tác đã lên tầng 2 yêu cầu bố con Phạm Đức Hoàn dừng việc ném đá, xuống làm việc nhưng hai bố con không xuống, Phạm Đức Toàn còn dùng dao, xẻng đe dọa tổ công tác.

Thấy hành động liều lĩnh của Toàn, anh Đăng đã kiên trì thuyết phục và lựa thế tước vũ khí, đưa Toàn xuống tầng 1 giao cho 2 đồng chí Công an viên quản lý. Sau đó, anh Đăng yêu cầu Hoàn xuống tầng 1 làm việc nhưng Hoàn xông vào đấm đá anh Đăng và anh Thành.

Trong lúc hỗn độn, Toàn chạy thoát lên tầng 2, rồi từ phía sau, hắn dùng chân đá mạnh người anh Đăng. Bị bất ngờ, anh Đăng ngã đập đầu vào tường bất tỉnh. Hoàn lao đến đạp liên tiếp vào ngực anh.

Thấy anh Đăng ngã xuống, các đồng chí Công an viên đã đưa anh đi cấp cứu. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng nên chưa đến Trạm Y tế xã, anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Sau khi sát hại anh Đăng, bố con Phạm Đức Hoàn, Phạm Đức Toàn định bỏ trốn nhưng đã bị Công an huyện Nga Sơn bắt giữ. Các cơ quan pháp luật của tỉnh Thanh Hóa đã truy tố bố con Hoàn và Toàn về tội "Giết người". TAND tối cao đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt mỗi tên 18 năm tù giam.

Lúc anh Đăng hy sinh, chúng tôi đã đại diện cho Báo CAND đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ gia đình anh 1 triệu đồng trích từ Quỹ Vì đồng đội của Báo. Đọc bài báo viết về gương hy sinh dũng cảm của anh, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức rất xúc động. Biết chị Hiệu bị bệnh tim, ông Quyết đã chủ động liên hệ với Báo CAND đề nghị Báo làm cầu nối để ông và đồng nghiệp trong Bệnh viện Việt - Đức khám bệnh miễn phí cho chị.

Khi biết tin, chị Hiệu rất xúc động, nhưng chị bảo: "Anh ấy vừa mới hy sinh, nếu em đi chữa bệnh, sợ không có người sớm hôm hương khói, sau Tết em sẽ đi".

Sau Tết năm ấy, các anh em ở Công an huyện, Công an xã lại đến động viên chị, nhưng chị cứ khất lần. Mỗi lúc chúng tôi giục, chị lại đưa ra một lý do nào đó để từ chối. Mãi sau chúng tôi mới hiểu, sở dĩ chị Hiệu không dám ra Hà Nội để khám bệnh vì quá khó khăn về kinh tế.

Chị Hiệu ngậm ngùi: "Chồng tôi hy sinh vì Tổ quốc nhưng chưa được công nhận liệt sỹ khiến tôi và các con rất buồn và thiệt thòi. Ngay cả việc học hành, chỉ có cháu trai học lớp 9 là được trường miễn học phí vì gia đình quá khó khăn. Còn cháu bé đang học tiểu học, tôi cũng đã làm đơn nhưng không thấy trường trả lời. Chỉ mong Nhà nước đánh giá đúng công lao của anh Đăng để phần nào bù đắp nỗi đau cho mẹ con tôi".

Đó cũng là điều mà bà con xóm giềng, đồng đội của anh Đăng và chúng tôi mong mỏi vì anh đã dũng cảm ngã xuống khi làm nhiệm vụ nhưng 2 năm qua, anh vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ,

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng "Đây là trường hợp chống người thi hành công vụ chưa phải là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự". Theo chúng tôi, bố con Toàn, Hoàn đã phạm tội "Giết người" theo điểm d, Khoản 1, Điều 93; điểm p, Khoản 1, Điều 46; Điều 69; Điều 74 BLHS năm 1999 và đã bị kết án 18 năm tù, vì thế, không thể coi là "chưa phạm tội". Vì vậy, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm công nhận liệt sỹ cho anh Ngô Sỹ Đăng.

Luật sư Tô Năng Như, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Ninh, Trưởng văn phòng luật sư Trí Đức: Không ai bác bỏ được sự thật rằng, anh Đăng đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ

Tôi cho rằng, cần phải công nhận liệt sỹ cho anh Ngô Sỹ Đăng. Theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thì trường hợp hy sinh của anh Ngô Sỹ Đăng thuộc điểm 3 (Điều 3, Mục 3 quy định về các trường hợp được công nhận là liệt sỹ): "Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự".

Văn bản trả lời của Cục Thương binh liệt sỹ và Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Đây là trường hợp chống người thi hành công vụ chưa phải là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự..." nên chưa thuộc diện xác nhận liệt sỹ là không thuyết phục.

Tất cả bằng chứng đều cho thấy, trong khi anh Ngô Sỹ Đăng đang cùng đồng đội thực thi nhiệm vụ bắt giữ đối tượng phạm pháp thì Phạm Đức Toàn và Phạm Đức Hoàn đã dùng vũ lực chống đối, hành hung trực tiếp gây nên cái chết của anh Đăng.

Hai đối tượng trên cũng đã bị tòa kết tội "Giết người". Việc đã rõ như vậy, sao lại nói rằng, anh Ngô Sỹ Đăng "không thuộc diện xác nhận liệt sỹ". Giả sử các quy định cụ thể của pháp luật chưa rõ, nhưng xin hỏi: Ai dám bảo rằng, anh Đăng không phải hy sinh trong khi đang thi hành công vụ?

Thu Thủy - Bá Tuấn
.
.
.