Trước ngày tăng lương, thị trường không biến động

Thứ Tư, 20/09/2006, 15:21

Ngày tăng lương đã đến gần nhưng trên thị trường, hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, điện tử, điện lạnh, vải vóc, quần áo… đều giữ giá ổn định.

Ở chợ Hôm sáng 19/9, giá thịt lợn thăn là 40.000 đồng/kg, sườn thăn giá 30.000 đồng/kg, thịt bê giá 80.000 đồng/kg, thịt bò loại I giá 90.000đồng/kg, tôm sú loại to giá 150.000 đồng/kg, mực tươi giá từ 50-80.000 đồng/kg, gạo Bắc Hương giá 6.500 đồng/kg, bia Hà Nội: 150.000 đồng/két, gà thịt nội ổn định ở mức 65.000đ/kg trong khi giá gà nhập lại giảm… Một thực tế là sức mua cũng không tăng.

Giải thích nguyên nhân này, bà Chu Thị Hiền, chủ hàng bán giò chả ở chợ Hôm cho biết: Hiện nay, do dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng vẫn có nguy cơ bùng phát với diễn biến phức tạp, nên nhiều khách hàng tìm đến các siêu thị để mua thực phẩm, khiến cho các quầy hàng ở chợ kém phần đông đúc. Các hộ kinh doanh cũng nhận biết rõ, do thực tế lương vẫn chưa tăng, mà mức lương tăng lại không nhiều, chỉ đủ đắp đổi cho phần tăng giá của những đợt trước đây, nên chưa có lý do gì để tăng giá.

Tại chợ Đồng Xuân-Bắc Qua, giá vải và giá quần áo cũng chưa có biến động, mặc dù đang thời điểm tựu trường, nhu cầu về trang phục cho học sinh tăng đột biến. Chị Lê Thị Oanh, một chủ cửa hàng vải ở chợ Đồng Xuân cho biết: Giá vải nhập chưa tăng, nhưng khả năng giá vải nội sẽ tăng sớm, do nơi sản xuất phải nhập sợi theo giá "đô" tăng.

Ế ẩm nhất là các mặt hàng điện tử, điện lạnh. Năm nay mùa thu đến sớm, mùa hè lại không oi bức như năm trước nên đến thời điểm này, quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh đã "hết thời". Bởi vậy, không những không nâng giá, mà nhiều nhà sản xuất, cửa hàng vẫn tiếp tục đưa ra các chiêu khuyến mại, giảm giá. Chỉ có một số mặt hàng điện tử tăng giá là loại nhập khẩu vì hiện nay, tỷ giá đồng USD tăng mạnh, nên khi quy đổi thành tiền Việt Nam, giá trị của những mặt hàng này cũng được nâng lên.

Cùng với các mặt hàng khác, mặt hàng dược phẩm hầu như đứng yên. Tại một cửa hàng bán thuốc tây trên phố Hai Bà Trưng, người bán hàng cho chúng tôi biết: Trong vài ngày gần đây, có khoảng vài chục mặt hàng thuốc tăng giá nhẹ. Tuy nhiên, sự tăng giá này không phải do việc chuẩn bị tăng lương, mà chỉ là do mặt hàng đó khan hiếm hơn khi chưa kịp nhập về. Ngược lại, một số mặt hàng thuốc thuộc nhóm thực phẩm lại giảm giá.

Một mặt hàng quan trọng cũng dễ lây "sốt" là thép. Mặc dù cũng đang mùa xây dựng, nhưng giá cả thép vẫn không ổn định, do chịu tác động mạnh bởi các tập đoàn quốc tế đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này với sức cạnh tranh rất lớn. Mặt hàng xi măng do Công ty Vật tư kỹ thuật xi măng cung ứng cũng không có biến động mà vẫn giữ giá 760.000 đồng/tấn (xi măng Hoàng Thạch) và 735.000 đồng/tấn (xi măng Bút Sơn).

Tuy nhiên, khác với giá cả thực phẩm sống và nhóm những mặt hàng thiết yếu khác đang giữ giá, thì không ít điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống lại lợi dụng vào thông tin sẽ tăng lương để đua nhau tăng giá như bún, phở tăng 1.000-10.000 đồng/bát tùy theo thương hiệu, thậm chí, một chén nước chè vỉa hè cũng tăng từ 500 đồng lên 1.000 đồng. Đấy là chưa kể một số điểm gửi xe cũng thu tăng thêm từ 1.000 đồng (giá quy định của ngành Thuế) lên đến 3.000 đồng, tùy theo "cảm hứng" của người trông giữ như ở chợ Đồng Xuân và một số điểm trông giữ xe khác trên địa bàn Hà Nội.

Khác với sự lên xuống không ổn định ở các chợ, tại các siêu thị lớn, giá cả vẫn bình ổn. Giải thích về sự "chưa tăng giá" theo lương lần này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, thị trường đang có một sự xáo động lớn. Đầu tiên là giá xăng tăng vọt lên 12.000 đồng/lít cách đây mấy tháng, kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều mặt hàng khác. Đến thời điểm này, khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và chấp nhận giá mới thì xăng giảm giá 1.000đ/lít và còn có khả năng tiếp tục giảm, cùng với một yếu tố cực kỳ quan trọng là vàng cũng liên tục rớt giá. Trong khi đó, lương lại chưa tăng, thì giá cả thị trường đứng im "nghe ngóng" là điều dễ hiểu

Thanh Hằng - Lệ Thúy
.
.
.