Trụ sở "Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội" - Cái nôi của Đảng Cộng sản VN

Thứ Tư, 02/02/2011, 10:02
Gần 80 năm trôi đi, khu phố này đã xảy ra nhiều biến cố, dọc theo đường phố, nhiều ngôi nhà đã được người ta phá đi và thay vào đó là những cao ốc. Nhưng riêng căn nhà số 250 phố Văn Minh, quận Đông Sơn, TP Quảng Châu, nơi đặt trụ sở "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội" thì vẫn vậy.

Đầu xuân 2011, thời khắc đánh dấu một sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội nước ta, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân, cùng nhân dân viết nên những trang sử chói lọi, trong đó mỗi kỳ Đại hội là một dấu son trong lịch sử của dân tộc ta. Và trong thời khắc lịch sử ấy, mỗi người Việt Nam lại nhớ đến hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa nước ta từ một nước nô lệ trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.

Trụ sở "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội".

Từ việc mở lớp đào tạo cán bộ…

Cách đây ít lâu, trong một chuyến thăm TP Quảng Châu (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam, chúng tôi đã đến thăm khu di tích trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng ta, nơi Bác Hồ đã dành thời gian để viết cuốn sách "Đường Kách mệnh" và xuất bản tờ báo "Thanh niên" để làm tài liệu huấn luyện cho nhiều chiến sĩ Cách mạng Việt Nam trong những năm 1925-1926.

Đó là một tòa nhà 3 tầng, nằm trong khu phố cổ ở quận Đông Sơn, TP Quảng Châu. Gần 80 năm trôi đi, khu phố này đã xảy ra nhiều biến cố, dọc theo đường phố, nhiều ngôi nhà đã được người ta phá đi và thay vào đó là những cao ốc. Nhưng riêng căn nhà số 250 phố Văn Minh, quận Đông Sơn, TP Quảng Châu, nơi đặt trụ sở "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội" thì vẫn vậy. Nó vẫn trường tồn theo năm tháng và được giữ gìn chu đáo. Khi chiếc xe chở đoàn chúng tôi vừa tới, chị Trương Quế Đệ, người được bạn giao nhiệm vụ quản lý khu di tích đã chờ sẵn và ra đón chúng tôi.

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi, chị kể: Tháng 12/1924, từ Moskva, Bác Hồ trở về TP Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, hằng ngày, Bác làm việc tại trụ sở quốc tế cộng sản đặt tại TP Quảng Châu. Năm 1925, Bác thành lập tổ chức "Tâm Tâm xã" nhằm thu hút các thanh niên yêu nước Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội". Để có nơi mở lớp học, vừa là nơi nghỉ cho các học viên, Bác đã mượn các căn phòng tầng 3 ngôi nhà này để mở nhiều lớp huấn luyện cho các thanh niên yêu nước Việt Nam, vậy mà cả gia đình chủ nhà không một ai biết Bác Hồ và các học viên ngày ấy là những người như thế nào?

Khóa bồi dưỡng những kiến thức về Cách mạng đầu tiên chỉ có 5 học viên và được mở vào năm 1925. Họ đều là những chiến sĩ Cách mạng đến từ Việt Nam bằng con đường bí mật. Trong số đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, người mà về sau đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó lớp 2 tăng lên 15 người; lớp thứ 3 gồm 30 người và cứ tăng dần lên vào các khóa tiếp theo. Những học viên sau khi tốt nghiệp các khóa huấn luyện này đều được tung về Việt Nam để tham gia các phong trào cách mạng ở 3 miền đất nước.

Tại các lớp huấn luyện, Bác Hồ vừa là người soạn bài giảng, vừa trực tiếp đứng trên bục để truyền đạt kiến thức. Thi thoảng Bác còn mời đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, đồng chí Hồ Tùng Mậu tham gia giảng bài cho các học viên. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ăn ở, học tập và đi lại phải giữ bí mật tuyệt đối, nhưng nội dung các bài giảng đều rất phong phú đề cập đến chủ nghĩa Mác - Lênin; phong trào Cộng sản quốc tế; phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục và Việt Nam… Để có lực lượng nòng cốt cho cách mạng Việt Nam, sau mỗi khóa học, Bác Hồ còn lựa chọn một số học viên gửi đến học tiếp tại trường Hoàng Phố - trường do Tôn Trung Sơn sáng lập.

Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Năm 1927, sau cuộc Cách mạng Tân Hợi, ở Quảng Châu đã thành lập Công xã. Một trong số người Việt Nam tham gia cuộc cách mạng đó có đồng chí Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn (người mà sau này đã mang quân hàm Thiếu tướng, Ủy viên khu Cách mạng TP Quảng Châu).

Năm tháng qua đi, đến năm 1971 trong chuyến thăm TP Quảng Châu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Trung Quốc - Chu Ân Lai khi trở lại căn nhà này đã chính thức xác nhận: Đây là một khu di tích lịch sử cần phải được giữ gìn và tôn tạo. Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền TP Quảng Châu đã đầu tư kinh phí để tu bổ khu di tích. Hằng ngày, ngoài chị Trương Quế Đệ, chính quyền thành phố còn bổ sung người quản lý, bảo vệ các hiện vật trưng bày ở đây. Theo chị Trương Quế Đệ thì vài năm trở lại đây các đoàn khách từ Việt Nam sang thăm khu di tích này ngày một đông.

Điều mà chị Đệ cho biết khiến chúng tôi rất cảm kích về tình cảm của chính quyền TP Quảng Châu đối với Bác Hồ của chúng ta. Chả là phía sau ngôi nhà hiện đang có một mảnh đất rộng. Khu vực đường phố Văn Minh lại nằm trong khu phố cổ nên giá đất đắt hơn vàng. Do vậy thấy có một mảnh đất trống, rất đông doanh nghiệp trong và ngoài nước nhiều lần ngỏ ý được mua hoặc thuê dài hạn để xây cao ốc, nhưng chính quyền Quảng Châu không đồng ý.

Tìm hiểu ra mới rõ, nếu xây cao ốc ở khu vực này sẽ phá vỡ cảnh quan khu di tích Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Còn người chủ căn nhà này, sau khi được Đảng bộ và chính quyền thành phố cho biết đây là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng huấn luyện cho Cách mạng Việt Nam những năm đầu của thế kỷ này, đã tự nguyện di dời đến địa điểm khác để dành trọn tòa nhà làm khu di tích.

Vẫn theo chị Trương Quế Đệ thì sau ngày Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng Giới Thạch đã mở nhiều cuộc đàn áp, truy lùng những người cộng sản. Nhiều tài liệu, hiện vật ở khu di tích này cũng bị thất lạc. Mãi đến những năm gần đây, được sự giúp đỡ của nhiều bà con Việt kiều, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã kết hợp cùng các ngành chức năng ở TP Quảng Châu phục chế về cơ bản những hiện vật ở khu di tích từ bàn ghế, giường tủ trong nơi ở, lớp học đến các vật dụng hằng ngày của Bác và các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam hồi bấy giờ.

Đến việc thành lập một chính đảng chân chính

Sử sách còn ghi rằng, sau khi kết thúc các lớp huấn luyện cán bộ và đưa về nước hoạt động, nhận được tin ở Đông Dương có nhiều tổ chức cộng sản ra đời, do vậy, ngày 27/10/1929, Quốc tế cộng sản đã chỉ thị cho các nhóm cộng sản ở Việt Nam, trong đó yêu cầu phải có một Đảng Cộng sản thống nhất.

Nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập các đại biểu thuộc ba tổ chức Cộng sản bàn việc hợp nhất. Hội nghị hợp nhất diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại một gia đình công nhân trong xóm thợ thuộc bán đảo Cửu Long (Hương Cảng). Tại đây, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu tham dự đã đi đến quyết định: thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng duy nhất mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam theo đề xuất của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuốn sách "Đường Kách mệnh", tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1925-1927.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm đầu của thế kỷ XX. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đưa nước ta trở thành nước tự do, độc lập, thống nhất và ngày càng có uy tín trên bản đồ chính trị thế giới

N.T. (Bài đăng trên Báo CAND Xuân 2011)
.
.
.