Trở thành triệu phú sau 2 lần vào tù

Thứ Ba, 10/05/2005, 07:04

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh, Nam Đàn (Nghệ An) nói rằng, nếu tính người làm ăn giỏi có tiền triệu, bạc tỷ thì ở vùng quê này nhiều lắm, song nếu nói nghị lực vươn lên từ hoàn cảnh đặc biệt thì khó ai bằng anh Phạm Công Sơn.

Phạm Công Sơn sinh năm 1978 ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn (Nghệ An) trong một gia đình giáo dân nghèo. Được bố mẹ cố gắng cho ăn học đến nơi đến chốn, song vì bản thân chán học nên chỉ đến lớp 6 thì cậu bỏ học. Sống ở nhà được mấy năm cũng chỉ lêu lổng, năm 18 tuổi, Sơn bỏ quê vào Đắk Lắk làm thuê kiếm sống. Tại đây, Sơn dạt vào khu vực nông trường Việt Đức 3 thuộc huyện Krông Ana, ngày ngày đi cuốc cỏ cà phê, hồ tiêu, phụ trồng điều và làm rẫy với những hộ dân của nông trường nên cũng kiếm tạm đủ miếng ăn qua ngày.

Được một thời gian lương thiện làm ăn, Sơn bắt đầu "giở chứng" sa dần vào các trò rượu chè, cờ bạc và bị bạn bè xấu rủ rê đi kiếm tiền bất chính. Năm 1999, sau khi dốc cạn hơn 1 lít rượu với 2 người bạn cùng làm, cả bọn rủ nhau ra đường cái "kiếm tiền" để lên Tp. Buôn Ma Thuột chơi tiếp cho đã. Họ chặn một người phụ nữ đèo một cháu bé đi xe máy ngang qua, dùng vũ lực đẩy đánh chị này ngã, cướp tiền rồi bỏ trốn chia nhau tiêu xài.

Sau đó, Sơn và đồng bọn bị Công an Đắk Lắk bắt giữ. Năm 2000, Sơn bị Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 9 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Đến ngày 15/9/2000, Sơn mãn hạn tù. Trở về quê ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn sinh sống, tu chí làm ăn được khoảng 4-5 tháng thì Sơn lại bị một số bạn bè xấu rủ rê. Thêm nữa, gia đình Sơn lúc đó có nhiều trục trặc, vợ chồng bất hoà và có thông tin về việc vợ bồ bịch nên Sơn càng lao vào chơi bời cùng đám bạn bè xấu.

Sơn lại phạm tội và lần này, Tòa án Quân sự Quân khu 4 đã xử phạt Sơn 4 năm tù giam, cải tạo tại Trại giam T974. Vào tù được vài tháng, nhận được tin vợ bỏ nhà đi biệt tích, Sơn càng chán nản hơn và đã không ít lần nghĩ chuyện tìm đến cái chết. May nhờ sự khuyên giải của cán bộ trại, Sơn đã dần tỉnh ngộ, nhận ra lỗi lầm của mình và tích cực cải tạo.

Ngày 1/9/2004, Sơn được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn 2 năm. Ngày ra trại, Sơn về quê, mặt cúi gằm xuống đất đi một mạch về nhà mà không dám chào ai cả. Bố Sơn đang ốm nặng, nghe tin con về run run chống gậy ra đầu ngõ đón. Gặp Sơn, ông cầm gậy vụt thẳng cánh một nhát rồi lảo đảo ôm con, òa lên khóc như một đứa trẻ. Lúc đó lòng Sơn se sắt lại, đau ít mà thương bố thì nhiều...

Có công mài sắt, có ngày thành… triệu phú!

Ngày trở về, Sơn chạy xuống căn nhà mà bố mẹ đã làm cho mình ra ở riêng lúc cưới vợ. Không có ai cả! Căn nhà hoang lạnh. Trong đầu Sơn vô số những ý tưởng đã diễn ra. Sơn ra UBND xã trình diện trong một mặc cảm tự ti rằng mọi người sẽ nhìn mình ra sao sau hai lần vào tù ra tội. Thật lạ khi anh Công an viên Hoàng Văn Thông và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thành thậm chí còn rất vui vẻ với anh, gợi ý cho anh trình bày những khó khăn gặp phải hiện tại khi trở về hòa nhập cộng đồng. Sơn rụt rè xin đổi 5 sào ruộng khoán được cấp rải rác nhiều nơi lại thành 5 sào ruộng ở một cánh đồng gần nhà. Ngay sau khi thảo luận, đề nghị này của Sơn được xã chấp nhận.

Sơn thuê ngay mấy chiếc máy xúc về làm ngày, làm đêm, xúc hết đất trên 5 sào ruộng này xuống sâu gần 2m, khai mương dẫn nước vào để thả cá. Tháng 10/2004, ao của Sơn đã đào xong, chính quyền xã hỗ trợ cho vay 4 triệu đồng mua cá giống về thả. Kể từ đó, ngày 2 buổi quần quật đi gom thức ăn cho cá, đêm về mua thêm một số đồ về tranh thủ làm thêm đưa ra chợ bán. Sơn làm cái chòi canh ở ngay ao cá, đêm chong đèn làm thêm đến 1-2 giờ sáng, sáng ra lại dậy rất sớm đi giao hàng. Thi thoảng, một vài đứa bạn xấu tìm đến rủ rê đi "làm ăn", Sơn xách lưới ra vớt vài con cá to lên, mua cút rượu đãi bạn uống xong thì "mời" họ đi thẳng.

Cuối năm 2004, Sơn bắt đầu có thu hoạch, "sổ" một ao nhỏ được gần 3 tạ cá thịt đem bán được 7.000.000 đồng. Sơn dành số tiền này mua tiếp 1 đàn gà và 1 đàn vịt siêu trứng, đồng thời đi thu gom dứa, xoài xanh, mít... về tranh thủ thái nhỏ ra, chế biến thành các loại hoa quả dầm đem lên Tp. Vinh nhập cho các quán hàng. Nguồn thu từ đây cũng tương đối khá, đủ cho Sơn sinh sống và có thêm đồng ra đồng vào mua thức ăn cho cá, gà, vịt. Qua Tết vừa rồi, Sơn bán thêm được 2 tạ cá thịt, gần 2 tạ thịt gà và đàn vịt siêu trứng hơn 300 con của Sơn cũng đã cho mỗi ngày hơn 200 quả trứng. Nguồn thu từ việc bán các sản phẩm này, Sơn dành dụm để tái đầu tư cho nông trại của mình ngày một khang trang, sầm uất hơn.

Từ hai bàn tay trắng sau khi ra tù, đầu năm 2005, Sơn đã mua được xe máy, ti vi, đầu đĩa và những thứ vật dụng đắt tiền khác. Căn nhà hoang lạnh, trống trơ ngày nào đã vang tiếng nói cười của những người bà con, xóm giềng qua lại. Để tiện cho việc làm ăn của mình, Sơn đưa bố đến ở cùng làm "quản gia", giúp anh chăm sóc nhà cửa, ao chuồng.

Sơn được chọn là một điển hình xuất sắc trong Hội nghị về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người đặc xá mà Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các ban, ngành tổ chức cuối tháng 4 vừa qua. Anh nhỏ nhẹ tâm sự những điều hết sức cảm động. Sơn rơm rớm nước mắt: "Xin cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ em được như hôm nay". Hỏi về bí quyết hoàn lương, Sơn nói ngắn gọn: "Chỉ có con đường làm ăn lương thiện, bằng sức lao động của mình mới xóa được mặc cảm".

Mới đây, tôi nhận được điện thoại của Sơn: "Cuối năm nay em sẽ cưới vợ, nếu thu xếp được anh về dự cho vui nhé". Rồi Sơn say sưa kể về cô vợ sắp cưới 22 tuổi, đẹp người đẹp nết và cũng rất thương Sơn, không hề mặc cảm gì với quá khứ của em. Thật mừng cho Sơn khi ngọn đèn trong căn nhà hoang lạnh ngày trước nay đã sáng lại, sáng và ấm hơn, như chính tình người mà cộng đồng đã dành cho anh

Chí Long
.
.
.