Trở về từ địa ngục của mông muội

Thứ Bảy, 19/12/2015, 06:28
Miền đất ấy thuộc về địa giới hành chính tỉnh Phú Thọ. Lỵ sở chỉ cách Hà Nội có 80km, nhưng nơi ấy chín suối mười đèo, tứ thời ủ trong mây mù. Đó là các xóm Dù, Cỏi, Lốc, rồi bản Lùng Mằng… của xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. 

Bà con người Dao tự ngàn đời sống trong ềm ệp sương mơ của kho tàng thiên nhiên quý mà ngày nay người ta gọi là Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Phong tục đẹp, núi rừng đẹp, hang động đẹp, xứ Xuân Sơn đang được lên kế hoạch biến thành “con gà đẻ trứng vàng” trong kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, từ gần hai chục năm trước, Xuân Sơn đã ám ảnh tôi bởi một hủ tục kinh dị: khi “không thích nuôi” thì cứ công khai treo trẻ con lên ngọn cây, nhét lá xanh vào mồm cho nó chết…

Và, bất ngờ thay, giờ đây, khi tôi trở lại, những đứa trẻ sau khi sống sót từ địa ngục của sự mông muội, đã trưởng thành. Đã khiến tôi phải rơi nước mắt bởi sự tha thứ, tình thương yêu đến nhiệm màu của con người...

Thế giới này có nơi nào “hủ tục” tàn độc thế không?

Chuyện bắt đầu từ gần hai chục năm trước, khi ấy, tôi cùng với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đi điền dã về phong tục của người Dao ở Xuân Sơn. Chiếc xe phân khối lớn chồm lên các gò đống, lách ngọt trong các tàng cây khổng lồ đổ gập sau cơn bão dữ quét qua Vườn quốc gia Xuân Sơn. Rồi đi bộ từ bản Dù, rồi chìm trong rượu núi với người Dao hiếu khách. 

Thế rồi thầy mo Đặng Văn Hếnh rỉ rả kể chuyện. Tay cầm cái sừng trâu gõ gõ đầy ma mị, chuyện nào của ông Hếnh cũng rành rọt, mắt ông sắc như quan quân trong tuồng chèo. Ông gốc là người dưới Vĩnh Phúc, bị cha mẹ “bán” làm con nuôi lên bản Dao từ hơn 70 năm trước.

Ông Hếnh bảo: Sợ nhất là cảnh người ta treo trẻ con lên cây cho nó chết. Họ đẻ con ra, nó tàn tật, có khi chỉ ngón tay bị cong khèo thôi, họ nghĩ là nuôi thì sẽ rủi ro. Họ muốn đẻ được con trai vì có 5 hoặc 7 đứa con gái rồi, ai ngờ trời lại ban cho một mụn con gái nữa (hoặc muốn gái thì chỉ được trai), thế là họ đem trả con lại cho trời. Thật ra thì trong tâm thức của người Dao không có khái niệm trời như dân tộc khác. 

Đôi khi họ nghĩ, trời cũng như cái cây trong rừng. Con cái về nhà mình, mình nuôi tức là nó đã đậu thành quả. Lúc sơ sinh mũi dãi, trong 3 ngày sau sinh, nó vẫn là hoa. Hoa nở rồi hoa rụng xuống đất, mùa sau hoa lại bay lên cây, có khi lại đậu thành quả khác. Đứa trẻ vừa sinh, chưa là con nhà mình, chết cũng chưa thành ma nhà mình. Đẻ xong không thích nuôi thì ta đem treo bỏ để nó đầu thai kiếp khác. Hơn nữa, người nơi này quá nghèo. Treo như thế không phải mất bạc trắng, lợn béo, gà trống để mời thầy, mời dân bản đến cúng ma. Đứa bé chết, những đứa bé chết. Ong bu, kiến đậu, rồi cái sọt treo bé rách, lá tươi ủ trong cơ thể bé khô ron. Xương cháu lọt qua nan sọt rơi xuống. Con cầy con cáo đi qua cắp vào rừng. Hết sạch sành sanh.

Bà Đoàn, người nuôi em Thương.

Ông Hếnh kể vanh vách từng nhà treo con. Nhiều lắm, tên tuổi địa chỉ cụ thể. Cũng có nhiều nhà thương quá, lại đang thiếu đứa con trai hay con gái mà nhà kia vứt bỏ, bèn ra nhặt về nuôi. Chuyện cô giáo Tiệp, là người xuôi lên cắm bản dạy học, lấy chồng xóm Dù. Cô đã cứu cháu bé bị nhà hàng xóm treo lên cây. Vợ chồng cô gạt hết kiến vàng bu kín thân thể thằng bé. Tắm cho nó xong, mới biết nó bị khoèo chân, bố mẹ nó chán nên đem treo bỏ. Choáng mất cả buổi. Rồi cô Tiệp mua sữa Ông Thọ về bón, đốt lửa hàng đêm sưởi ấm mong nó sống sót. Cô đặt tên cháu là Khoèo, vì cái chân khoèo tàn tật. Tên trong khai sinh của nó là Đặng Văn Phúc, ý rằng nuôi làm phúc. 

Cách đây độ 10 năm, tôi và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có đưa đoàn làm phim của Đạo diễn Triệu Tuấn lên bản Dù thực hiện bộ phim dài tập Gió thổ qua rừng cho VTV3. Cũng chuyến đi này, chúng tôi còn biết thêm chuyện về những cô cậu bé được cứu sống khác, như thằng Nhặt (nhặt được trên cây) ở Lùng Mằng, như bé Thương (thương xót quá vì bị treo bỏ) ở bản Cỏi. 

Chứng kiến việc “giết con” và cứu người ở quê mình, đến anh Bàn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã khi ấy cũng thốt lên: Thật không hiểu nổi. Thế giới này có nơi nào hủ tục tàn độc ngần ấy không? Rất may, bóng ma kinh khủng xưa, giờ đây chỉ còn trong ký ức.

Em đã đi sang Sơn La tìm bố mẹ em để cả nhà cùng khóc với nhau

Đến khi tôi cùng VTV5 Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu dài tập Dưới mái nhà chung (đạo diễn Lê Đông, đã phát sóng trên VTV1), các tác giả đã rất bất ngờ khi “chứng thực” câu chuyện những đứa trẻ trở về từ địa ngục của sự mông muội một cách không thể rõ ràng hơn ở Cỏi. 

Thầy mo Đặng Văn Hếnh lý giải trên phim: Xưa không có biện pháp tránh thai, theo dõi chăm sóc sức khỏe thai nhi, nên trẻ tàn tật nhiều, “có những trẻ do sơ ý sinh ra” nhiều. Xưa bà con ít học, nghèo đói, họ sợ phải chôn đứa trẻ theo “nghi lễ tốn kém”. Thế là “treo bỏ con”. Cái tội ấy, về đạo đức là bị lên án “hổ dữ không ăn thịt con”. Về luật, là phạm tội cố ý giết người.

Nhưng, bóng ma hủ tục ngày cũ đã lùi xa. Đã hơn chục năm nay rồi, không ai ghi nhận thêm đứa trẻ nào bị treo trên ngọn cây cho chết nữa. Cháu Phúc (Khoèo), đã được đưa đi bệnh viện dưới Sơn Tây nắn chỉnh lại cái chân, đã được nuôi ăn học, giờ làm cán bộ địa chính xã. Càng quý Phúc, họ càng buồn khi nghĩ: lẽ ra cậu bé đã chết trên ngọn cây, xương bé xíu rơi xuống, con cầy con cáo cắp đi vĩnh viễn từ 20 năm trước.

Đặc biệt là trường hợp Triệu Thị Thương. Cách đây chừng 20 năm. Hôm ấy trời lạnh căm căm, em trai bà Triệu Thị Đoàn, nhà ở xóm Cỏi buồn bã rít thuốc lào thở dài: Nhà Ph. nó đem con treo bỏ ngoài suối, nghĩ thương đứa bé sắp chết mà chẳng biết làm thế nào. Nhà mình còn nghèo hơn nhà nó. Bà Đoàn có một đàn con rồi, nhà nghèo lắm, ông thì mất sớm, con cái nhiều bệnh tật. Nghe em trai nói, bà thấy buồn giận quá. “Mình nghèo, ăn củ mài cũng vẫn vui. Nhưng mình phải có tình thương. Giết bỏ cả con cái mình dứt ruột đẻ ra, thì làm sao bớt nghèo bớt khổ được đây?”, bà nói. 

Rồi tay cầm con dao, ra đứng ngóng ngoài bờ suối. Em trai chạy theo. Bà phát cây, trổ một lối đi theo tiếng khóc. Trên cành cây cao, có một cái sọt nan. Bà trèo lên, vít ngọn cây, cắt dây cho em trai bế cái sọt xuống. Trong sọt có một cái chổi cùn, ít lá tre tươi. Hồi thằng Phúc, thằng Nhặt được mang về, nó còn bị bố mẹ lấy đũa cái đánh lõm đầu cho sớm… chết. Con bé (sau được đặt tên) Thương này thì may quá không bị đánh, nhưng bố mẹ đã lấy lá cây nhét đầy trong miệng nó để nó khỏi khóc. Để khỏi ai đi cứu nó về, thì mang tiếng cho người đã vứt đứa trẻ.

Mang về đến nhà thì nó không khóc được nữa. Bà Đoàn hơ lửa, đuổi kiến vàng bu trên cơ thể đầy máu dãi của nó. “Nó lâu lâu mới thở một cái. Tôi bảo, nó chết mất rồi. Cậu em tôi bảo: lấy cật nứa cắt rốn cho nó đã. Cho nó uống tí nước cơm, mặc áo ấm cho nó. Chết thì nó cũng là con ma no, ma có áo mặc. Nửa đêm nó mới khóc trở lại”, bà Đoàn hồi tưởng. Bên bờ suối hôm đó, có một đứa nữa cũng đẻ ra cùng ngày với Thương, cũng bị “treo bỏ”. 

Ông Hếnh nói về tục bỏ con.

Nhà bà ở xóm bên lấy về nuôi, nhưng vì trời lạnh và vì sức yếu, đứa trẻ đó đã chết. Anh Triệu Văn Kế, con trai bà Đoàn bảo: Thương lớn lên, rất nhiều bệnh tật. Có lần, thầy mo bảo cho nó uống cái nước lá độc dùng để ngâm mũi tên cho ngấm độc trước khi đi săn thú ấy, may ra khỏi. Hết phương cứu chữa, tiền không có, trạm xá thì xa, gia đình bèn nghe lời. Uống xong. Kỳ lạ thay, thứ lá lẩu bí ẩn ấy, lại giúp Thương khỏe lại. Bây giờ nó đã lớn, có chồng là Phùng Văn Thành cùng xóm. Họ có hai đứa con.

Tôi gặp lại cô bé Thương nhảy chân sáo vui vẻ năm xưa. Dĩ nhiên Thương không biết là tôi từng lội bộ vào bản để xót xa và ấm lòng nhìn em hồi đó. Bức ảnh xưa giờ tôi vẫn giữ (xem ảnh). Hỏi. “Thương giận bố mẹ mình không?”. Trả lời: “Em khóc nhiều đêm, em nghĩ, nhà có bảy tám anh chị em, em là con út nhất. Tại sao bố mẹ không cho em được sống, mà lại mang em vào rừng treo bỏ cho em chết? 

Càng lớn em càng không hiểu nổi. Đứa bạn cùng được đẻ ra, cùng bị treo lên ngọn cây một ngày, ở cùng một chòm rừng bên suối ấy, bạn ấy đã không được sống. Lẽ ra em cũng đã chết từ lâu. Em cả đời không được đi học, không biết chữ. Nhưng khi em có con, thì em tự dưng lại thấy nhớ và thương bố mẹ. Em đi bộ ngược nhiều quả núi sang Sơn La tìm bố mẹ. Bố mẹ khóc, bảo con trách bố mẹ nhiều lắm phải không? Em không trách. Em chỉ thương em và thương bố mẹ. Bố mẹ không ghét bỏ em, dẫu họ đã “treo bỏ” em như nhiều người khác. Trong đầu họ nghĩ là phải làm thế, vì cái hủ tục ấy. Chứ bố mẹ không ghét em…”.

Những đứa trẻ trở về từ mông muội hủ tục tàn độc, chưa cần con chữ, chưa cần rao giảng đạo đức gì cả, tự khắc tình thương yêu và sự tha thứ nảy nở trong các em. Hủ tục kia, nó bị xóa sạch từ trong cốt tủy, trong nỗi ám ảnh của mỗi con dân đồng rừng ấy, vì sao? Bởi vì tình thương yêu. 

Mệnh lệnh hành chính chỉ có thể giăng người ra bắt những kẻ treo con giết con, chứ tình thương yêu của cô Tiệp, của bà Đoàn và nhiều người nữa, đã cho chúng ta những mầm sống hồi sinh hết sức màu nhiệm như Phúc, như Thương. Và tự họ cất bước ra đi tìm những người đã sinh ra rồi quyết tâm giết chết mình để tha thứ. Không biết những người được nhận sự bao dung, tha thứ này, họ nghĩ gì nhỉ? Thương bảo, bố mẹ em khóc, rồi bố mẹ em cười...

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.