Tri ân Anh hùng, tri ân đồng đội

Thứ Bảy, 18/04/2009, 14:48
Chị Vân Liệu hy sinh tại km3 đường 18, Quảng Bình sau một đợt B52 rải thảm… Bây giờ, hình ảnh người con gái thôn dã sinh ra bên dòng sông Đáy, trưởng thành trong chiến trường ác liệt đã là một phần của lịch sử ngành GTVT Việt Nam...

Ký ức về Anh hùng phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Vân Liệu

"... Ước mong lớn nhất của đời em là phá càng nhanh càng tốt những trái bom nổ chậm góp phần sớm đến ngày thống nhất đất nước. Nếu hy sinh, xin các anh tết cho em một vòng hoa bằng đá trắng đặt trên bia mộ…".

Câu nói chứa chan tình đồng đội và ý thức cách mạng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu thời "chia lửa" ở chiến trường tràn đầy cảm xúc của những cựu thanh niên xung phong Hà Nam.

Họ nghẹn ngào khi nhắc tới kỷ niệm vào thời khắc quan trọng mở tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh, nhớ tới người đồng đội gắn liền với sáng kiến đặc biệt xuất sắc chinh phục các loại bom nổ chậm của nữ Anh hùng thanh niên xung phong Nguyễn Thị Vân Liệu.

Những thanh niên tuyến lửa năm nào lại thêm một lần nhỏ lệ. Họ khóc vì thương nhau rồi cùng dâng tấm bằng Tổ quốc ghi công và danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT của chị Vân Liệu với trăn trở sẽ đặt ở nơi nào cho xứng! Hoàn cảnh éo le của gia đình chị Vân Liệu khiến họ xúc động.

Chị Tạ Thị Hoán, đồng đội nhớ lại: Năm 1965, chị Vân Liệu vào chiến trường mang theo âm hưởng ngọt ngào của những làn điệu hát dặm Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam. Người con gái có nụ cười duyên hay hát cùng cây đàn ghi ta ấy được biên chế vào Đội thanh niên xung phong Trần Văn Chuông, thuộc C452 làm tuyến đường Cầu Giát đi Thái Hòa (Nghệ An).

... Ngày đó, địch bắn phá dữ dội bằng không quân hòng cắt đứt đường chi viện cho chiến trường với đủ loại B52, bom từ trường, bom sát thương, bom bi, mìn lá, cây nhiệt đới… Chị Vân Liệu cùng đồng đội ở Binh trạm 14, Đoàn 559 đảm bảo giao thông tại cua chữ A giáp nước bạn Lào. Khi đó, địch tăng cường ném bom nổ chậm cỡ lớn, hủy hoại mặt đường. Muốn phá loại bom này chiến sĩ cảm tử phải đặt thuốc nổ lên trên quả bom rồi kích nổ. Làm như thế gỡ được bom nhưng mặt đường bị phá hủy rộng, rất tốn công sức thời gian lấp lại.

Sau nhiều ngày trăn trở, chị Vân Liệu xin vào đội cảm tử trực tiếp lấy thân mình thử nghiệm phương pháp phá bom mới. Thay cho đặt thuốc nổ ở trên, chị dùng thanh gỗ canh ki na khoét sâu dưới thân bom đặt bộc phá. Như có phép lạ, sức công phá của khối thuốc nâng bổng trái bom tấn lên khỏi mặt đường rồi mới phát hỏa đã không ảnh hưởng nhiều tới con đường ra trận.

Sáng kiến của chị Vân Liệu được đền đáp không chỉ là bảo vệ những cung đường mà cả sự an toàn xương máu đồng đội nên đã nhanh chóng phổ biến tới toàn tuyến. Bước trưởng thành quan trọng của những chiến sĩ cảm tử phá bom, mở đường cho giai đoạn vận tải tăng tốc từ từng Đại đội xe đến từng Tiểu đoàn xe giữa hai trận đánh...

Không quên đồng đội

Chị Vân Liệu hy sinh tại km3 đường 18, Quảng Bình sau một đợt B52 rải thảm. Cái chết của chị bình thản như hàng trăm lần chị xung phong cưỡi lên bom nổ chậm để cứu lấy những đoàn xe ra trận an toàn. Không biết đã có bao nhiêu trái bom được chị chinh phục, bao nhiêu lần chị ngồi quạt mát cho đồng đội ngủ giữa hai trận đánh ở Trường Sơn. Bây giờ, hình ảnh người con gái thôn dã sinh ra bên dòng sông Đáy, trưởng thành trong chiến trường ác liệt đã là một phần của lịch sử ngành GTVT Việt Nam...

Đoạn gỗ canh ki na chị Vân Liệu dùng gột đất đặt bộc phá dưới bom nổ chậm để kích nổ và kỷ vật còn lại của chị.

Nhưng trăn trở lại thuộc về đồng đội của chị. Những người không tiếc tuổi xuân, bước ra khỏi cuộc chiến đang đối mặt với muôn vàn khó khăn đời thường vì di chứng chiến tranh, sức khỏe suy kiệt.

Ông Mai Văn Khải, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong Hà Nam cho biết: Hiện toàn tỉnh có tới 6.000 cựu thanh niên xung phong. Khi đó, không một ai ngần ngại trước hiểm nguy bão lửa. Ấy vậy mà tới nay, trong số đó vẫn còn tới hơn 1.000 người chưa được hưởng bất kỳ chế độ chính sách nào.

Nhiều cựu thanh niên xung phong khi trở lại địa phương không còn khả năng xây dựng gia đình, nay ốm đau không có chỗ nương tựa như chị Phạm Thị Hảo (57 tuổi), ở Đồng Du, huyện Bình Lục; anh Nguyễn Văn Sự (65 tuổi), ở Trác Văn, huyện Duy Tiên; chị Nguyễn Thị Nga (63 tuổi), ở Thanh Hương, huyện Thanh Liêm...

Nhiều trường hợp đang giành giật lấy sự sống vì bệnh tật như anh Sự ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên. Thực tế, sự quan tâm của chính quyền và giúp đỡ của đồng đội đã giúp nhiều gia đình cựu thanh niên xung phong vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống. Nhưng còn đó hàng ngàn cựu thanh niên xung phong đang gặp khó.

Sau nhiều năm tháng nỗ lực giải quyết chế độ chính sách, mới đây hơn 1.000 cựu thanh niên xung phong Hà Nam đã được hưởng trợ cấp một lần với mức 1,5 triệu đồng/người; hiện chỉ có 17 cựu thanh niên xung phong có trợ cấp hàng tháng, với mức 200.000đ/tháng (đối với nông thôn) và 260.000đ/tháng (đối với thành thị).

Năm nào cũng thế, những cựu thanh niên xung phong Hà Nam luôn tụ hội để ôn lại truyền thống, không quên quyên góp từ 30 đến cả trăm triệu đồng xây nhà tình nghĩa, ủng hộ những đồng đội gặp cảnh éo le. Nhưng niềm day dứt còn đọng lại trong khóe mắt của những người một thời xông pha trong tuyến lửa, những người làm chính sách trước bao hoàn cảnh thanh niên xung phong cần giúp đỡ

Thanh Phong
.
.
.