Trẻ xóm chài hết "đói chữ"

Thứ Ba, 10/04/2007, 20:14

Nhóm "Tình nguyện Thanh Hóa" ra đời từ một chuyến đi khảo sát thực tế của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. Phát hiện trẻ em ở xóm chài trên sông Nhà Lê chưa biết con số, cái chữ, bằng tình thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, nhóm cùng với chùa Chanh đã thắp lên niềm tin cho trẻ em nơi đây.

Phía sau cổng chùa Chanh tĩnh lặng, ngày ngày vẫn vang lên tiếng học bài, học hát của 33 đứa trẻ thuộc các xóm chài nghèo trên sông Nhà Lê, sông Cầu Hạc (TP Thanh Hóa).

Bằng tình thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, các bạn sinh viên trong nhóm "Tình nguyện Thanh Hóa" cùng với Ban Trị sự chùa Chanh (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) đã thắp lên niềm tin đến với cái chữ cho nhiều trẻ em thiệt thòi, không may mắn. Và cũng tại ngôi chùa này, tiếp nối lớp học tình thương, một phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cũng sắp sửa được ra đời.

Chúng tôi đến chùa Chanh vào một buổi chiều thứ 5, buổi chiều duy nhất trong tuần lớp học tình thương được nghỉ. Sư thầy Thích Đàm Phương - Ban Trị sự chùa Chanh - cho chúng tôi biết: Mọi chuyện bắt đầu từ một chuyến đi khảo sát thực tế của các bạn sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tại những nơi đồng bào sinh sống trên sông quanh khu vực TP Thanh Hóa.

Sau gần một tháng tìm hiểu tình hình, các bạn sinh viên đã phát hiện có nhiều trẻ em ở khu vực này đã đủ và thừa tuổi mà chưa một lần được đến trường.

Từ ý tưởng cần phải xóa mù chữ và tạo điều kiện để các em có thể được học tập như bao đứa trẻ bình thường khác, nhóm "Tình nguyện Thanh Hóa" gồm 10 bạn sinh viên đến từ các khoa khác nhau của Trường Đại học Hồng Đức, đã ra đời.

Sau rất nhiều lần gõ cửa các cơ quan và nhà dân trong phường Nam Ngạn - phường tập trung nhiều gia đình sống trên sông - mà vẫn chưa tìm được phương án khả thi, nhóm tình nguyện đã quyết định tìm đến chùa Chanh. Sau khi nghe các bạn trong nhóm tình nguyện trình bày ý tưởng và tâm nguyện của mình, không cần phải cân nhắc nhiều, Ban Trị sự chùa Chanh đã bắt tay cùng với các bạn dọn dẹp nhà kho của chùa để làm phòng học.

Và ngày 7/5/2006, lớp học tình thương đã được khai giảng tại chùa Chanh trước sự vui mừng của các gia đình sống trên sông và đồng bào Công giáo trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ngoài việc sắp xếp cho các em một lớp học, Ban Trị sự chùa Chanh còn vận động Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa ủng hộ kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập để hàng tháng tặng các cháu tham gia lớp học.

Bước vào hoạt động chính thức, cứ đều đặn mỗi ngày hai buổi (trừ chiều thứ 5), 10 bạn sinh viên trong nhóm tình nguyện lại thay phiên nhau đến lớp tình thương dạy học cho các em. Lớp học có 33 thành viên, em lớn nhất 15 tuổi, em bé nhất cũng đã 6 tuổi. Đa số các em đều chưa một lần được đến trường.

Những buổi học đầu tiên, cầm tay các em viết từng nét chữ, từng con số, từng nét vẽ tranh thật khó khăn. Bàn tay của lũ trẻ nơi sông nước chỉ quen giăng lưới, bắt cá, câu tôm nay mới được cầm bút lần đầu cứ ngượng ngịu, cứ cứng đơ, nom thật tội nghiệp.

Rồi một tháng, hai tháng và 10 tháng trôi qua, được sự dạy dỗ, hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị sinh viên, đến nay cả 33 thành viên trong lớp học tình thương đều đã đọc thông, viết thạo, làm các phép toán đơn giản như cộng trừ, nhân, chia một, hai con số.

Hầu như các bạn sinh viên tham gia lớp học tình thương phải đi làm thêm để lấy tiền cùng với nhà chùa duy trì lớp học. Bạn Phạm Thị Nga, Trưởng nhóm "Tình nguyện Thanh Hóa" tâm sự: "Lúc đầu, thấy lũ trẻ chậm tiếp thu, anh chị em trong nhóm cũng nản lòng. Nhưng càng dạy dỗ, hướng dẫn các em càng ham học và tiến bộ. Tuy đa số các em vẫn phải đi bộ từ nhà đến lớp với quãng đường 1-3km nhưng từ ngày lớp học đi vào hoạt động đến nay, các em rất ít khi nghỉ học. Hôm nay, nhìn những bài viết chính tả, những bức tranh ngày càng đẹp, những bài toán đã làm đúng đáp số, ai cũng thấy vui và hạnh phúc...".

Sư thầy Thích Đàm Phương - Ban Trị sự chùa Chanh - tâm sự: "Chỉ còn không lâu nữa là lớp học tình thương phải chuyển sang địa điểm khác. Ban Trị sự nhà chùa và các thành viên trong nhóm tình nguyện đang tích cực tìm kiếm địa điểm mới. Nhưng nhà chùa sẽ vẫn tiếp tục qua lại thăm nom và ủng hộ tiền giấy bút, sách vở đều đặn hàng tháng cho các cháu".

Sư thầy Thích Đàm Phương còn cho chúng tôi biết thêm: "Nếu không thể tiếp tục duy trì lớp học tại chùa, nhà chùa cũng sẽ không để phòng phải bỏ trống. Phải tiếp tục làm việc thiện để giúp ích cho đời…".

Sư thầy cho chúng tôi xem bản kế hoạch đã được thảo sẵn để trình lên các cơ quan như Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc mở phòng khám bệnh từ thiện cho người nghèo. Theo bản dự thảo này, khi nào lớp học tình thương tìm được địa điểm mới, phòng học sẽ trở thành phòng khám bệnh từ thiện.

Ban Trị sự chùa Chanh cũng đã lên kế hoạch kết hợp với một số bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, thậm chí là giám đốc bệnh viện có chuyên môn nhưng đã nghỉ hưu để khám chữa bệnh định kỳ tại chùa cho người già và trẻ em nghèo, các gia đình chính sách, thuộc diện khó khăn và đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình.

Bước tiếp theo là sản xuất các loại thuốc Nam, các phương thuốc gia truyền để phục vụ cho việc chữa trị từ thiện. Kinh phí ban đầu sẽ được trích từ quỹ của nhà chùa và sự ủng hộ của các phật tử gần xa. "Công việc sắp tới sẽ nhiều hơn, sẽ vất vả hơn nhưng từng ngày, từng giờ chúng tôi mong tờ trình sẽ nhanh chóng được phê duyệt để phòng khám có thể đi vào hoạt động giúp người nghèo" - sư thầy Thích Đàm Phương tâm sự

Huyền Thanh
.
.
.