Trẻ vào đời sớm, nhiễm tật xấu sớm

Thứ Ba, 31/07/2007, 16:28
Tại một tiệm Internet, một cô bé, trước ngực là chiếc túi lấp ló cả xấp vé số mắt dán vào màn hình, tay bấm bàn phím thoăn thoắt chơi trò Audition. Còn Nam và Liêm thì chơi ít nhất mỗi ngày 3 tiếng, hôm nào "hăng" còn ngồi "đấu" cả 6, 7 tiếng đồng hồ, hôm sau nghỉ bán... báo luôn.

Bỏ học vào thành phố đi bán báo, đánh giày... những đứa trẻ chưa đủ lớn này đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ. Không có ai bảo ban, kèm cặp, không ít em đã nhiễm những thói hư tật xấu...

Bỏ học đi làm

"Em vô đây được 3 năm rồi. Sáng đi bán báo, chiều đi đánh giày. Mỗi ngày kiếm được từ 50.000đ - 100.000đ. Nhưng mà tiêu xài tốn kém lắm, chả dành dụm được bao nhiêu" - cậu bé Trịnh Xuân Nam (quê xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vừa ôm xấp báo to quá khổ so với thân hình 12 tuổi của mình vừa nói với tôi.

Theo lời kể của Nam, em đã vào đây từ năm 9 tuổi khi vừa học hết lớp 3 trường làng. Cùng đi với Nam còn có anh trai (học hết lớp 8) và cả chục đứa trẻ khác. Tất cả ở chung nhà thuê tại hẻm Tân Tiến, đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) với những người đã vào trước đó. Giá thuê 5.000 đồng/ngày cho người lớn và 4.000đ cho trẻ em.

Hàng ngày, Nam phải dậy từ 12h đêm chầu chực ở đại lý để lấy báo bán cho ngày hôm sau và khu vực bán báo của Nam ở quận 5. Hỏi sao em không bán ở quận 1, quận 3 cho gần thì Nam cười: "Mấy quận đó có người bán hết rồi. Răng mà chen chân vô được!". Chỉ đến trưa là Nam đã bán hết khoảng 100 tờ.

Chiều, Nam lại xách hộp đồ nghề đánh giày dạo các quán cà phê trên quận 5 tìm khách. "Bọn em lấy báo của mấy người cùng làng đã vô đây từ trước, bây giờ làm chủ. Muốn lấy bao nhiêu cũng được, chưa có tiền thì nợ, bán về rồi trả. Hôm nào bán không hết thì có thể trả lại."- cậu bé Trịnh Xuân Liêm (14 tuổi, anh em họ với Nam) đứng gần đó góp chuyện.

Liêm thì mới vào được hai năm và cũng chỉ mới học hết lớp 4 rồi bỏ ngang. Ở nhà, Liêm còn một em trai nữa và cũng đang đòi bỏ học để vào Sài Gòn đánh giày, bán báo như anh…

Nam, Liêm chỉ là hai trong số rất nhiều em nhỏ bán báo, đánh giày, bán vé số… quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa mà tôi gặp ở Sài Gòn hàng ngày. Theo chính các em thì đã qua rồi cái thời người Quảng Xương vào Sài Gòn… ăn xin. Bây giờ mọi người lũ lượt rủ nhau vào nhưng là để bán báo, đánh giày, bán vé số…

Người vào trước, làm ăn được lại trở ra rủ anh em, họ hàng, người làng vào theo. Người già, người trẻ đều có, trong đó nhiều nhất là các em nhỏ từ 8 đến 16 tuổi. Các em đều bỏ học giữa chừng, phần lớn chưa học hết cấp 1, thậm chí có em chưa từng đến lớp ngày nào.

Cũng có em làm theo thời vụ, nghỉ hè thì vào làm, hết hè thì lại về quê đi học. Nhưng không ít trong số đó, chỉ qua một mùa hè là bỏ học luôn, vào làm cả năm. Hỏi chuyện các em mới vỡ nhẽ, những cuộc "Nam tiến" này không hẳn vì gia đình quá khó khăn, mà các em đi như phong trào vì "thấy mọi người ở làng đều đi hết".

… Và nhiễm thói hư

Một trong những trò mà những đứa trẻ bán báo, đánh giày… đang rất mê mẩn là trò chơi điện tử như Audision, Võ Lâm Truyền Kỳ…

Nhiều lần vào tiệm Internet ở Nhà văn hoá Thanh niên, tôi đều bắt gặp một cô bé, trước ngực vẫn đeo chiếc túi lấp ló cả xấp vé số mắt dán chặt vào màn hình, tay bấm bàn phím thoăn thoắt chơi trò Audision.

Hôm nào phòng máy hết chỗ, cô bé cũng đợi bằng được đến lượt mình chơi mới về. Những lúc chơi điện tử là lúc trốn bố mẹ (đang đi bán ở các khu vực khác), còn tiền chơi là "em dành dùm được" - Mai (tên cô bé) nói với tôi.

Còn Nam và Liêm thừa nhận rằng mỗi ngày chơi ít nhất là 3 tiếng, hôm nào "hăng" còn ngồi "đấu" cả 6, 7 tiếng đồng hồ. Có hôm chơi về khuya, mệt quá ngủ luôn ngày hôm sau, không đi làm được.

Chỉ làm một phép tính đơn giản, mỗi ngày những cô cậu này cũng phải bỏ ra từ 15 đến 20.000 đồng cho trò giải trí, bằng 1/3 tổng số tiền vất vả cả ngày kiếm được. Một con số không hề nhỏ chút nào!

Cũng dễ thấy nữa là không ít những cô cậu nhóc này đang học và học rất nhanh nhiều thói ăn chơi, đua đòi nơi phố thị. Cũng nhuộm tóc xanh đỏ, cũng quần áo te tua… và còn thường xuyên thay đổi cho hợp mốt. Chính những thú chơi đó đã tiêu tốn của các em không ít tiền.

Điều đáng nói là đa phần các em sống xa gia đình nên không hề chịu bất kỳ sự quản lý, nhắc nhở nào. "Anh em làm sao cấm được em chơi điện tử vì anh ấy còn chơi ác hơn" - Nam thản nhiên trả lời tôi khi được hỏi: "Anh em không cấm em à?". Cậu bé còn nói thêm rằng bố mẹ lại càng không quản nổi vì "ở tít ngoài Thanh Hoá".

Không ai dám chắc rằng những thói xấu mà các em tiêm nhiễm phải khi vật lộn mưu sinh ở thành phố chỉ là chơi điện tử, đua đòi nhuộm tóc xanh đỏ… Chính vì vậy, sự quan tâm của những bậc làm cha làm mẹ đối với các em là rất cần thiết. Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn

Minh Tâm
.
.
.