Trẻ đánh giặc giỏi, già không nghỉ ngơi

Thứ Năm, 01/09/2005, 07:05

Anh Võ Duy Duệ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an Quảng Trị bảo tôi: "Em ra gặp bác Trần Lương Tịnh ở Trung Hải, Gio Linh đi. Thời chiến tranh bác ấy đánh giặc ngon lắm. Nhà bác ở ngay đầu cầu Hiền Lương". Tôi gọi điện cho ông Phan Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Gio Linh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Chung xác nhận: "Đó là một cán bộ nhiệt tình và có năng lực".

Năm 1962, đang là học sinh trường Nguyễn Hoàng, thị xã Quảng Trị, Trần Lương Tịnh được đưa ra Bắc. Sau một thời gian huấn luyện, năm 1964, ông trở lại chiến trường, tham gia đội biệt động khu Đông Gio Linh. Chiến đấu liên miên cho đến năm 1968, trong một trận tấn công vào khu Đông Gio Linh, ông bị thương vào đầu và gãy cánh tay trái nên được đưa ra Bắc dưỡng thương.

Năm 1969, ông trở lại chiến trường, phụ trách ba xã vùng tuyến, giúp đỡ đưa đón an toàn các lực lượng của ta từ miền Bắc vào dừng chân để chuẩn bị đi vào phía Nam. Có nhiều cuộc vượt tuyến giả dưới danh nghĩa người miền Bắc bất mãn tìm cách vào Nam được ông tổ chức rất công phu ngay tại khu vực cầu Hiền Lương, với thời gian chuẩn bị có khi đến hàng tháng trời, mà bây giờ kể lại khó ai hình dung nổi.

Nhưng phải đến năm 1970, khi được cấp trên điều sang làm chính trị viên Đội tuyên truyền - vũ trang An ninh Gio Linh - phụ trách khu vực Đường 9 thì năng lực hoạt động chính trị bán vũ trang của ông mới phát huy hết thế mạnh. Những năm 1968 - 1970, địch tổ chức dồn dân Gio Linh vào khu tập trung, chỉ trừ làng Hà Thượng (nay thuộc thị trấn Gio Linh). Hà Thượng lập tức trở thành địa bàn giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Địch rêu rao, xuyên tạc sự thật cho rằng Bắc Việt dùng pháo bắn vào dân thường. Tình hình trở nên vô cùng phức tạp, lòng dân hoang mang. Chủ trương của ta là phải ổn định tình hình, bảo vệ nhân dân và phá được luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Ông được giao nhiệm vụ cùng đồng đội giúp đỡ nhân dân bị nạn, tổ chức lực lượng biểu tình đòi địch bồi thường và đã giành được thắng lợi.

Cuối năm 1970, địa bàn Tân Tường (khu tập trung Tân Tường), ven Đường 9 vẫn được kẻ địch coi là khu vực an toàn, "Việt Cộng bất khả xâm phạm". Qua việc tổ chức cơ sở, thu thập tin tức cũng như vẽ sơ đồ địa bàn, đội trinh sát vũ trang của ông đã tổ chức đánh cho chúng một trận thất điên bát đảo. Nhờ trận đánh này, phong trào cách mạng tại cơ sở vững mạnh hơn, địch không còn huênh hoang như thời kỳ sau Mậu Thân mà bắt đầu co cụm lại, địa bàn "lỏng" ra, ta có điều kiện thâm nhập hoạt động sâu hơn, vận động quần chúng dễ dàng hơn, từ đó tạo điều kiện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên địa bàn huyện Cam Lộ đánh nhiều trận lớn.

Năm 1972, ta chủ trương đưa dân ra vùng giải phóng thuộc Bắc Gio Linh, nhưng địch lại ép dồn dân vào ấp chiến lược, khu trù mật ở phía Nam, có những hộ dân bị chúng ép vào tận vùng đồng bằng sình lầy Nam Bộ. Ông đã tổ chức vận động nhân dân chống lại chính sách di dân của chúng, hàng trăm hộ dân đã nghe theo cách mạng kiên quyết không vào ấp chiến lược. Tuy nhiên, kẻ thù có nhiều dã tâm nên nhiều hộ dân đã không chống nổi. Trong tình huống này, ông Tịnh nhận định, nếu ta không đưa được người vào theo thì sẽ rất bất lợi cho việc xây dựng phong trào tại cơ sở. Vì vậy, ông quyết tâm lên kế hoạch và đưa được 12 người là những đảng viên và quần chúng ưu tú, cải trang làm dân thường, bám dân giữ vững phong trào cách mạng. Với việc làm táo bạo này, thời điểm đó cũng có nhiều người không đồng tình vì cho rằng ông quá mạo hiểm nhưng Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó là đồng chí Viễn Chi rất khen ngợi: "Đó là mũi tốt nhất, đã dự tính được khả năng cũng như tình hình…". Và ông đã được đồng chí Thứ trưởng gửi tặng một khẩu súng K59 và một tấm bản đồ quân sự.

Chiều chiều ra bến  Hiền Lương...

Ông kể với tôi hồi chiến tranh có người bạn thân bên bờ Bắc háo hức nói với ông rằng: "Hết chiến tranh tui với ông về quê làm nhà bên sông Hiền Lương. Tui bên Bắc, ông bên Nam. Chiều chiều ra sông câu cá, uống rượu". Nhưng rồi người bạn của ông mãi mãi không về. Nhớ lời hẹn cũ, ông xin miếng đất sát bờ sông, cất ngôi nhà nhỏ.

Bây giờ, ngôi nhà nhỏ ngày xưa đã thay bằng một ngôi nhà mới khang trang hơn. Trong ngôi nhà ven sông ấy, ông kể cho tôi nghe câu chuyện rồi chỉ vào bà Lê Thị Thạnh, vợ ông: "Vì bà ấy, tui dám từ chối tất cả". Ông nói vậy là bởi cái đận người vợ trước của ông ốm thập tử nhất sinh, có một phụ nữ thương ông nên chung tay chăm sóc, giúp đỡ. Đến khi người vợ trước của ông qua đời, bà Thạnh đã ở lại cùng ông sẻ chia, gánh vác quãng đời còn lại. Âu cũng là hợp với lẽ đời, hợp với ý trời. Nhưng thời đó, không phải ai cũng có thể hiểu hết nghĩa tình sâu nặng của ông bà. Nên cái bản thành tích Anh hùng của ông vì thế mà đành gác lại. Ông bảo: "Khi tham gia công tác thì chỉ mong được cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ đâu mong mình được anh hùng".

Bây giờ, mấy người con của ông đã phương trưởng, trong đó đứa con trai đang theo học Đại học Cảnh sát sắp ra trường. Sau giải phóng Gio Linh (tháng 3/1972), ông về làm Phó Công an Gio Linh rồi làm Phó Công an huyện Bến Hải cho đến ngày nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi mà ông vẫn say mê với công tác ở địa phương. Ông là Bí thư Chi bộ thôn Xuân Hoà, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khuyến học xã Trung Hải, Ủy viên Ban chấp hành Cựu Công an huyện Gio Linh… "Tham gia cũng là đóng góp chút sức lực còn lại cho quê hương". Ông nói với chúng tôi như vậy.

Ông còn cùng vợ nuôi được gần một ha tôm sú, mỗi năm thu lãi vài chục triệu đồng. Cuộc sống của người cựu Công an bận rộn mà vui. Sáng sáng, chiều chiều ông Tịnh cùng vợ ra sông, con sông Hiền Lương bẻ khúc ngoặt ngay đầu hồi nhà ông. Ông nói: "Để chăm sóc tôm và ngắm sông". Tôi hiểu bây giờ hai thứ đó có ý nghĩa với ông lắm

Khánh Hà
.
.
.