Trang trại nuôi gấu đẻ độc đáo ở Việt Nam

Thứ Năm, 05/05/2005, 07:30

Từ nhiều năm nay, các bợm rượu Hà thành đã từng biết đến ông Nguyễn Công Đức với một "trại tù binh gấu" ở giữa lòng Hà Nội. Thế rồi một ngày, người dân phố Thái Hà bỗng thấy vắng bóng ông. Nhưng mới đây, cái tin, trại gấu ở Lương Sơn (Hòa Bình) của ông có đàn gấu đẻ như gấu rừng làm một số nhà khoa học trên thế giới sửng sốt.

Tấm biển nhỏ, khuất dưới lùm cây cuối xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) đề dòng chữ: “Trại nhân giống gấu ngựa”. Sơn trang là một mảnh đất rộng 10 ha, nằm gọn trong thung lũng, bốn bề núi cao dựng đứng. Lão trang chủ mà dân Hà thành quen gọi là Đức “gấu” khá to béo, bệ vệ, song ông lại chân chất, dễ gần.

Năm 1978, khi đi thăm người bạn chiến đấu năm xưa, qua vùng rừng Quảng Trị, ông Đức gặp một ông lão người Vân Kiều xích một con gấu to tướng vào gốc cây trước nhà. Ông già Vân Kiều bảo định mổ gấu làm mồi nhậu, nhưng thấy nó bụng mang dạ chửa, lại sắp trở dạ nên chờ nó đẻ để kiếm gấu con nuôi đã. Thấy khoái chí, ông Đức liền ngỏ lời muốn mua gấu con về nuôi. Cuối năm ấy, ông Đức khăn gói vào Quảng Trị. Ông mua cả hai gấu con. Tuy nhiên mang về đến Hà Nội thì chết mất một con, ông Đức làm lồng nhốt con còn lại ở giữa khu vườn trước nhà rộng mấy trăm mét vuông. Và vì một lý do khác, con gấu thứ 2 cũng không còn.

Năm 1985, trong chuyến đi chơi cùng bạn bè ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), thấy người ta mang một đàn gấu con từ Lào sang Việt Nam. Nhìn lũ gấu con lóc nhóc trong chiếc lồng gỗ mà máu nuôi gấu trong ông lại nổi lên. Dốc hết tiền trong túi và vay mượn bạn bè, ông mua luôn cả đàn rồi mang về Hà Nội nuôi cho vui. Đột nhiên mật gấu có giá. Thấy nghề nuôi gấu béo bở, ông cũng nhập cuộc. Có lúc, trại gấu của ông lên đến gần trăm con, bội thu cả tỉ đồng. Cũng chính vì ông đã đè cổ loài gấu để rút tinh chất của nó bán kiếm tiền nên bị dư luận một thời lên án kịch liệt.

Mười mấy năm trời hành hạ loài gấu, ông cũng thấy ân hận lắm. Ông muốn trả nợ thiên nhiên. Nhưng trả nợ bằng cách nào? Trong đầu ông đã nung nấu một quyết định chẳng giống ai: Nuôi gấu đẻ. Chuyện này ông chỉ bàn với vợ.

Dự án bị coi là “treo đầu dê, bán thịt chó”

Năm 1995, ông phải sang tận Côn Minh (Trung Quốc), rồi vào cửa khẩu Lao Bảo để sang Lào mới mua được 20 gấu con, một nửa là đực, một nửa là cái. Mảnh vườn 500m2 được ông tạo cảnh quan như khu rừng, có hòn giả sơn, suối chảy róc rách cho đàn gấu nô đùa. Tuy nhiên, cái vẻ ồn ã, bụi bặm, ô nhiễm của phố phường khiến đàn gấu của ông chỉ có ăn mà không có đẻ. 

Đầu năm 2000, trong chuyến đi chơi Hòa Bình, qua Lương Sơn, thấy mảnh đất còn giữ nguyên được chất hoang dã, ông vội tìm chủ nhân, và chưa đầy một tiếng đồng hồ, cuộc mua bán đã hoàn tất. Số tiền bán mật gấu tích cóp bao nhiêu năm nay đổ hết vào trang trại mà vẫn không đủ, thế là ông bán quách mảnh vườn rộng 500m2 ở Hà Nội để đầu tư đến cùng cho kế hoạch. Hiện tại, sơn trang đã ngốn của ông 4,7 tỉ mà mới tàm tạm.

Có mặt bằng rồi, ông Đức trình đề tài “nuôi gấu đẻ” với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Nhận được đề tài, các cán bộ Sở về tận trang trại của ông họp bàn. Một lãnh đạo phát biểu: “Chúng tôi không tin tưởng lắm, nhưng nếu bác làm được thì đúng là chuyện động trời”. Các lãnh đạo Sở nói thẳng với ông rằng, cấp giấy phép nuôi gấu đẻ cho ông cũng lo lắm, chỉ sợ đây là trò “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhưng thấy việc này rất mới, rất lạ nên không thể không quan tâm. Hiện tại, ông là người duy nhất ở Việt Nam có giấy phép nuôi gấu đẻ.

Đàn gấu được trở về với thiên nhiên cứ nô đùa suốt ngày. Cái bản năng dần trở lại và chạy rần rật trong từng mạch máu lũ gấu. Xưa kia, ông Đức “gấu” là một tay chơi khét tiếng đất Hà thành, cả đời trai trẻ tung hoành khắp Nam - Bắc chỉ để thỏa chí giang hồ, vậy mà giờ đây lại biết lo đến bạc tóc cho đàn gấu. Nuôi đàn gấu "báo cô" này tốn kém từng ngày, từng giờ. Mỗi ngày, một chú gấu xơi hết 1 cân thịt, xương ninh nhừ với cà rốt, gạo nếp, tráng miệng một hộp sữa Cô gái Hà Lan, nửa lít mật ong cùng rổ măng, chuối... Tính trung bình, mỗi chú chén hết khoảng 600 đến 800 ngàn đồng/tháng. 20 chú gấu giống "báo cô" này ngốn hết 12 đến 16 triệu đồng/tháng.

Gấu nuôi đẻ sòn sòn, chuyện lạ Việt Nam!

Để tạo cảnh quan cho hợp với môi trường sống của loài gấu, ông Đức đã cải tạo vách núi thành những hàm ếch. Phía trong hàm ếch gồm hàng chục chiếc hang nhỏ, tối om, đàn gấu có thể ẩn mình vào đó. Cạnh nơi nhốt đàn gấu còn có bể nước cho chúng nô đùa. Bên ngoài miệng hang, cây cối mọc rậm rạp, tắc kè, nhím chạy lăng xăng ngoài vườn, trong các hốc cây. Dưới hồ, cá sấu bơi lội bì bõm. Khung cảnh chẳng khác gì một khu rừng hoang dã. Công việc hằng ngày của “chuyên gia” nghiên cứu gấu đẻ Nguyễn Công Đức là lùa gấu cái và gấu đực đến với nhau. Có khi ông còn trèo lên vách núi rồi giương ống nhòm lên ngó, mà chẳng thấy chúng “yêu” nhau gì cả.--PageBreak--

Một đêm đầu năm 2003, khi mọi người đang ngủ thì nghe có tiếng ngoeo ngoeo, khịt khịt. Mọi người tưởng gấu quật mèo để ăn thịt. Ông cầm đèn pin ra soi thì thấy chú gấu con đang ngo ngoe. Ông sung sướng đến nỗi nước mắt rân rấn. Ngay hôm sau, vợ con ông tìm lên. Cả nhà bàn tán, tranh luận và thống nhất: Không công bố. Biết đâu, người ta lại bảo ông mang gấu con về thả rồi bảo đấy là do gấu mẹ đẻ? Từ khi có chú gấu con này, từ sáng đến tối ông vùi đầu vào theo dõi mẹ con chúng để nghiên cứu, ghi chép.

Niềm vui chưa được bao lâu thì bỗng vụt tắt. Khi chú gấu con được hai tuổi, nghĩ rằng thả gấu con với gấu bố để hai bố con gấu đùa nhau, như vậy, gấu con sẽ khỏe mạnh hơn, nào ngờ gấu bố tát gấu con chết thẳng cẳng rồi ăn thịt. Sau cái chết của gấu con, gấu mẹ nhịn ăn luôn mấy ngày, cứ nằm phủ phục một chỗ, còn ông Đức thì buồn đến nỗi mất ngủ cả tháng, cơm cũng chẳng muốn ăn. Sau vụ này ông rút ra một bài học rằng, gấu bố chẳng có trách nhiệm gì với con, còn với gấu mẹ, tình mẫu tử “nặng” lắm. 

Tháng 4/2003, một tin vui khôn tả đến với ông, đó là hai con gấu cái lại sắp “khai hoa nở nhụy”. Ông sung sướng đến quên ăn, quên ngủ, cả ngày lăn vào rừng đào măng, hái quả. Được chăm sóc cẩn thận, hai gấu mẹ lại tiếp tục “mẹ tròn, con vuông”. Lần này thì được tới 3 gấu con. Gấu mẹ đẻ lần trước sinh hai gấu con liền. Tuy nhiên, ông vẫn giấu tịt chuyện này.

Cuối năm 2004, thêm ba gấu mẹ lại đẻ liên tiếp 5 gấu con, trong đó có hai chú gấu mẹ sinh lứa hai đều đẻ 2 con liền. Giờ đây, mấy gấu mẹ lại tiếp tục có tín hiệu vui, cuối năm nay, thể nào cũng lại có gấu con chào đời. Có lẽ đây là một kỳ tích có một không hai không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ông Đức kể rằng, tháng trước, khi ông công bố trại gấu của mình có thể nuôi gấu đẻ, đoàn người từ khắp nơi đổ về xem xét, nghiên cứu.

Qua mạng Internet, biết có một người ở Việt Nam nuôi được gấu đẻ, một nhà khoa học người Pháp đã bay sang chỉ để quay phim, chụp ảnh mẹ con chú gấu ở trong hang suốt mấy ngày ròng. Dường như không tin đây là chuyện có thật nên nhà khoa học đó đã dò hỏi xem ông tiêm loại thuốc kích thích kỳ lạ gì mà gấu đẻ được nhiều thế?

Lại có một ông người Mỹ, nghe tin ông Đức nuôi được gấu đẻ đã lập tức bay sang Việt Nam và mang theo valy chứa 1,5 triệu USD (khoảng 24 tỉ đồng) để đặt cọc mua lại cả trang trại lẫn đàn gấu đẻ. Tuy nhiên, ông Đức chỉ lắc đầu. Trước khi về Mỹ, ông ta cứ nắm tay ông Đức, gật đầu lia lịa và thốt lên: “Đúng là chuyện lạ, chỉ có ở Việt Nam!”.

Không lạ sao được khi mà từ xưa đến nay, rất nhiều người đã thí nghiệm nuôi gấu đẻ, song đều thất bại, thậm chí, cả các nhà khoa học vào cuộc cũng chả ăn thua. Ví như, năm 1995, Nhà nước đã đầu tư tiền tỉ để mua 4 gấu mẹ ở Myanmar về nuôi. Một con gấu mẹ có đẻ được gấu con, song đẻ rồi thì gấu mẹ lại chết. Từ bấy đến nay, đàn gấu được Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì chăm sóc đặc biệt mà chẳng chịu sinh đẻ gì.

Từ khi ông Nguyễn Công Đức công bố thông tin có thể nuôi gấu đẻ thì giới khoa học Việt Nam thực sự kinh ngạc. Tiến sĩ Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi Quốc gia, vội vàng lên tìm hiểu, ông mừng như vớ được vàng. Ông cho biết, lúc nhìn thấy những chú gấu con mũm mĩm trong lòng mẹ, leo trèo trong hang, ông đã không kìm được xúc động và có quyền hy vọng về một giải pháp, lối thoát cho hàng ngàn con gấu đang bị nhốt trong các lồng sắt để lấy mật trên khắp đất nước.

Tham vọng của ông Đức là biến cái trang trại này thành nơi nhân giống loài gấu, đó cũng là cách trả nợ cho loài gấu một phần tội lỗi vì chính cái nghiệp mình gây ra. Những đêm mùa hè, ông lọ mọ vác chăn lên mỏm đá, chui vào hang để ngủ chung với dơi. Ông ngủ ở đó để còn trông gấu. Ông bảo, có ăn, có ngủ với gấu thì mới hiểu được tập tính của gấu. Người như ông Đức thật lạ, thật hiếm

Phạm Ngọc Dương
.
.
.