Trăn trở về một thắng cảnh

Thứ Bảy, 30/08/2008, 16:50
Dạo quanh Dinh Cậu, cảm giác tiếc nuối xen lẫn bức bối liên tục xâm chiếm khách nhàn du. Bởi lẽ đối lập với khung cảnh trời mây, non nước hữu tình là muôn vàn vết tích bầy nhầy, nhớp nhúa.

Từ Bến tàu khách Phú Quốc (phường Vĩnh Thanh, thị xã Rạch Giá), sau hơn 2 giờ chẻ nước lướt sóng, con tàu cao tốc đã đưa du khách đặt chân đến thiên đường xanh. Tàu vừa cập cảng An Thới, chúng tôi lập tức đón xe tìm đến Dinh Cậu. Buồn làm sao khi thắng cảnh nổi tiếng của Phú Quốc đón chào du khách bằng khung cảnh nhếch nhác thậm tệ.

Rất đẹp…

Tọa lạc tại khu phố 2, thị trấn Dương Đông, Dinh Cậu án ngữ trên một khối đá có độ cao khoảng 40m so với mặt biển. Cụ ông Trần Mai, cư dân sống lâu năm của vùng cho biết, dinh được xây dựng cách đây hàng trăm năm, gắn liền với những bước chân đầu tiên và đặt nền móng của người Việt tại huyện đảo.

Trên ghềnh đá nhô về phía khơi xa, giữa những cơn gió biển mằn mặn, cụ Mai giải thích, Dinh Cậu có liên quan đến tục thờ Bà Thủy và cậu Tai của cư dân địa phương. "Cậu là con trai út của Bà. Tai có nghĩa là tai nạn, tai họa, tai ương… Truyền thuyết kể rằng ngày nọ, phía doi biển bỗng nhô lên một mũi đá. Thấy điềm lạ, cho đó là hiện thân của Cậu nên ngư dân liền lập đền thờ. Cũng từ đó dân biển ra khơi không còn bị sóng to gió lớn làm hại. Tin Cậu có quyền uy cứu giúp tàu bè gặp nạn nên trước khi dong khơi, ai nấy đều ghé thắp nhang van vái Cậu độ mạng".

Nổi bật giữa những khối đá nhỏ nằm bao quanh với muôn hình vạn trạng, nhìn từ xa, Dinh Cậu như một hòn non bộ khổng lồ. Dưới chân miếu thờ Cậu có một cây đại thụ ôm chặt khối đá cứ thế vươn ngọn lên trời cao. Trên những cành nhánh xù xì, u nần nứt ra vô số cội rễ hoặc buông thõng hoặc bám sâu vào các kẽ đá vừa hoang dã vừa nhuốm màu huyền bí.

Theo chỉ tay của nhiều cư dân bản địa, chúng tôi vòng ra phía sau chiêm ngưỡng một khối đá có hình con rùa đang nhón bước về phía đất liền. Tương truyền con thạch quy này từng gắn bó với Cậu như hình với bóng. Khi Cậu về trời, con vật thương nhớ và hóa đá từ đó.

… Và không đẹp

Dạo quanh Dinh Cậu, cảm giác tiếc nuối xen lẫn bức bối liên tục xâm chiếm khách nhàn du. Bởi lẽ đối lập với khung cảnh trời mây, non nước hữu tình là muôn vàn vết tích bầy nhầy, nhớp nhúa.

Cảnh nhếch nhác dưới chân Dinh Cậu.

Dưới chân Dinh Cậu là khu vực bãi bờ rộng lớn lổn nhổn đủ thứ hầm bà lằng. Lẫn trong đống hổ lốn gồm xác cua ghẹ, vỏ trái cây, bao bịch nilon các loại, ruột cá trương sình, chúng tôi còn "gặp gỡ" vỏ bọc và bao cao su. "Lắm khi có cả kim tiêm nữa đó chú" - một phụ nữ lúc đi tập thể dục "méc".

Những khe đá huyền bí trên Dinh Cậu cũng được tô điểm bởi màn rác thải lổn nhổn. Thi thoảng có cơn gió tinh nghịch xoáy vào tung mớ hổ lốn lên không trung rồi để chúng bay tá lả trông rất kinh dị. Tôi đã mục kích cảnh một nữ du khách đã phải nôn tại chỗ vì bị một túi nilon bay tự do túm vào mặt. Mùi rác thải phân hủy hòa với mùi khói nhang vô cùng ngột ngạt.

Các khối đá bao quanh Dinh Cậu, đặc biệt là khối đá hình con thạch quy cũng khoe sắc trong cảnh phế liệu rập rờn, với điểm nhấn là mùi xú uế "tỏa hương" nồng nặc. Còn gì buồn hơn trước hình ảnh du khách đến viếng cụ (rùa) tay chụp ảnh, tay bịt mũi.

Bãi bờ bao quanh Dinh Cậu lúc nào cũng lổn nhổn đủ thứ hầm bà lằng.

Chỉ vào những dòng chữ xanh đỏ trên thân con thạch quy, anh Minh, thuyền viên của một tàu cá "sinh ra và lớn lên tại nơi này", bức xúc: "Tác phẩm của khách lưu danh đấy. Do nó được viết bằng sơn nên nắng mưa khó xóa nhòa". Anh Minh bình luận: "Nếu ai đến đây tham quan cũng có máu họa sĩ vầy chắc Dinh Cậu tanh bành quá!".

Trong nỗi cám cảnh đến tận cùng, chúng tôi lần xuống những bậc thang với ý định từ giã "Cậu" thì gặp một người đàn ông đang lom khom nhặt rác bên mép biển. Người lao công này giới thiệu anh tên Chỉnh, công nhân Công ty vệ sinh môi trường huyện. Hỏi mỗi ngày "thu hoạch" được bao nhiêu rác, anh tuôn một mạch: "Bét lắm cũng phải 5 cần xé". Thấy khách lắc đầu ái ngại, anh đế thêm: "Vậy là ít đó. Lúc cao điểm, rác đặc ken, gom cả chục cần xé cũng chẳng ăn thua. Trước đây và bây giờ cũng vậy, vất vả dọn nhưng chỉ qua đêm là rác lại dày đặc".

- Rác ở đâu mà lắm vậy ta?

- Do du khách với dân địa phương đồng tác giả đấy. Đêm đêm ở đây có tổ chức chợ đêm Dinh Cậu bày biện cả trăm hàng ăn xôm tụ. Bởi vậy khó tránh được tình trạng kẻ mua người bán ăn uống, kinh doanh rồi vứt thải bừa bãi.

Anh Minh ngày nào cũng nhặt rác nhưng không xuể.

Rời Dinh Cậu, hành trang trở về đất liền của chúng tôi trĩu nặng nỗi buồn và bức xúc của cụ Mai, anh Minh, anh Chỉnh… trước thảm cảnh niềm tự hào của "đảo ngọc" đã và đang bị xâm hại bởi hành vi vô ý thức của du khách và cư dân địa phương.

"Kêu gọi mãi không được. Vận động mãi chẳng xong. Chỉ có phạt nặng người ta mới có ý thức bảo vệ, giữ gìn hồn xưa thôi"

N.T.Dũng
.
.
.