Tràn lan thẻ Internetphone lậu

Thứ Hai, 16/10/2006, 08:24

Ở Hải Phòng, ngoài chuyện phát hành thẻ với số lượng lớn và giá rẻ mạt, dân làm thẻ lậu còn chuyên nghiệp hơn bằng cách thu phí theo tháng với cái giá giật mình: 30.000đ/tháng, gọi điện thoại quốc tế thoải mái.

Tuyên bố mang thông điệp "đầu hàng" của 2 doanh nghiệp hàng đầu về Internetphone tại Việt Nam là FPT và NetNam bằng việc tạm ngưng in thẻ điện thoại Internet, rồi công bố ý định sẽ từ bỏ thị trường nếu tình hình không khả quan hơn... là một đòn giáng nặng nề vào những cố gắng của "liên minh" các nhà cung cấp dịch vụ Internetphone.

Những nỗ lực của "liên minh nội địa" bao gồm 6 doanh nghiệp FPT, VDC, OCI, SPT, NetNam và Viettel trong vòng 3 năm trời sau những tuyên bố dũng cảm tuyên chiến và đẩy lùi thẻ lậu vẫn chỉ giậm chân ở kết quả: 80% thị phần vẫn thuộc về thẻ lậu... Tại sao âm thầm và không chính thức, giới đầu nậu thẻ lậu vẫn có thể làm nghiêng ngả những công ty tầm cỡ như vậy?

Mạnh ai nấy làm

Tháng 8/2006, Công ty Cổ phần Internet Một kết nối (OCI, nhà cung cấp dịch vụ Internetphone với tên sản phẩm VietVoice) đã gửi lên Thanh tra Bộ Bưu chính viễn thông một bản danh sách các "ông trùm" và các "đầu nậu" lớn thẻ Internetphone "lậu" gồm 7 địa chỉ có quy mô lớn và 12 địa chỉ có quy mô vừa tại thành phố Hồ Chí Minh.

Âm thầm tung nhân viên để tự điều tra, OCI đã ghi lại và cung cấp cho cơ quan thanh tra chi tiết toàn bộ địa chỉ, số điện thoại, tên người liên hệ... để làm bằng chứng. Đây có thể coi là động thái quyết liệt nhất từ trước đến nay của các công ty cung cấp dịch vụ Internetphone trước thực trạng họ đã và đang bị dồn vào chân tường.

Quá trình điều tra của OCI tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy quy mô và mức độ vi phạm pháp luật của các ông trùm thẻ lậu tại thị trường Internetphone lớn nhất Việt Nam này đã tiến tới sự chuyên nghiệp với sự phân công phân cấp rõ ràng. Khác hẳn với cách làm chủ yếu sử dụng vào account "chùa" để kinh doanh tại "tam giác acc chùa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh", các ông trùm ở thành phố Hồ Chí Minh chứng tỏ đẳng cấp của mình bằng cách trực tiếp sử dụng tiền thật, thông qua chuyển ngân lậu thẳng tới các nhà cung cấp dịch vụ Internetphone tại nước ngoài. Nhận được danh sách chuỗi mật khẩu, các đầu nậu in lên thẻ cào rồi phân phối đến các đại lý cấp 2. Từ các đại lý cấp 2 này, thẻ lậu sẽ được phân phối tới các đại lý cấp 3 (các cửa hàng bán lẻ, đại lý Internet) rồi từ đó đến tận tay người tiêu dùng.

Bên cạnh hệ thống "ngầm" hoạt động rất bài bản trên, dịch vụ thẻ lậu tại thành phố Hồ Chí Minh còn có những "chợ thẻ" hoạt động không kém phần nhộn nhịp tại những phố máy tính Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân... Với kinh nghiệm buôn bán và phát hành thẻ lậu từ rất lâu trước khi thẻ chính thức xuất hiện, những khách hàng có nhu cầu liên lạc thường xuyên với thân nhân ở nước ngoài có thể đọc tên vanh vách cái loại thẻ đã từng ra đời ở chợ đầu mối này: Voizbuster, TopVoiz, Wondervoiz, Skype, Talkvoiz, net2phone, pc2phone, Mediaring, Mywebcalls, Ringvoiz, E-voiz, Evoizadvanced... Hệ thống bán hàng qua mạng trên những trang thương mại điện tử cũng nhộn nhịp không kém với những câu chào mời hấp dẫn "rao hàng đến tận nơi sau 15 phút", "dùng thử miễn phí"...

Khác với những hoạt động quy mô và chuyên nghiệp như trong Nam, tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, theo điều tra của phóng viên ANTG hơn 3 năm nay, hành vi sử dụng và mua bán thẻ Internetphone lậu chủ yếu gắn liền với thế giới dùng account chùa. Theo đánh giá của dân "ăn account chùa", 85% thẻ lậu tại miền Bắc xuất phát từ việc sử dụng tài khoản ăn cắp để mua.

Khác với việc mua hàng phải thông qua thủ tục shipping và đến Bưu điện để nhận hàng rất nguy hiểm, mua thẻ điện thoại để sử dụng vô cùng an toàn, thậm chí là siêu lợi nhuận nếu đem ra kinh doanh. Từ những tài khoản "sống" không có trong blacklist bán đầy rẫy với giá rẻ mạt trên mạng, thậm chí được đem "tặng" một cách thoải mái, thủ tục mua thẻ điện thoại chỉ mất có 5 phút và luôn với mệnh giá lớn nhất!

Tại các tỉnh phía Bắc, đỉnh điểm một thời "loạn" thẻ lậu phải kể đến vào cuối 94 đầu 95 khi tài khoản của Mediaring và Skype được bán đầy rẫy trên mạng theo kiểu "phá giá". Hàng ngàn tài khoản Internetphone lậu mua bằng "acc chùa" được bán với giá tháo khoán: 25 Euro giá 30.000đ đến 50.000đ, 50 Euro giá 60.000đ đến 100.000đ...

Sau khi các hãng này thực hiện chính sách khoá chặt đối với IP (địa chỉ Internet) từ Việt Nam, yêu cầu kích hoạt tài khoản bằng số điện thoại cố định, huỷ tài khoản khi người thực hiện cuộc gọi có IP tại Việt Nam, cơn bão "kinh doanh thẻ lậu bằng tiền người khác" mới dịu lại khi những "tay mơ" không đủ kỹ thuật để giao dịch và duy trì thẻ "sống".

Chỉ có những "cao thủ" vẫn duy trì được cách kiếm sống thông qua việc đi tìm những trang Internetphone mới mở có kích hoạt dịch vụ trả sau, "bảo vệ khách hàng" thông qua dịch vụ mua thẻ qua moneybooker (đảm bảo tài khoản đã thanh toán không bị từ chối), dùng sock IP "xịn" (sau khi thực hiện giao dịch thanh toán, IP sẽ "chết" vĩnh viễn, không thể kiểm tra được)...

Nhưng thị trường thẻ Internetphone lậu "nóng" nhất tại "tam giác acc chùa" phải kể đến Hải Phòng. Với số lượng người xuất ngoại khá lớn, Hải Phòng là mảnh đất màu mỡ cho dân "ăn acc chùa" thoả sức "thâm canh tăng vụ".

Nói đến chuyện làm thẻ lậu bằng "acc chùa", những "hàng khủng" ở Hà Nội cũng phải lắc đầu lè lưỡi vì mức độ "tàn phá acc" và quy mô kinh doanh ở Hải Phòng. Ngoài chuyện phát hành thẻ với số lượng lớn và giá rẻ mạt, dân làm thẻ lậu còn chuyên nghiệp hơn bằng cách thu phí theo tháng với cái giá giật mình: 30.000đ/tháng, gọi điện thoại quốc tế thoải mái. Cái giá này đủ để đánh bạt tất cả các loại thẻ "xịn" lẫn thẻ "lậu" của các công ty lẫn ông trùm từ Nam chí Bắc.

Khác với nhận định của những hacker thuộc hàng "đại thụ" cho rằng số lượng thẻ lậu được mua bằng "acc chùa" chiếm tới 85% số lượng thẻ lậu tại miền Bắc. Qua điều tra, công ty OCI nhận định con số đó chỉ chiếm khoảng 30% trên phạm vi toàn quốc. Kể cả trong trường hợp nhận định đó tạm coi là chính xác, con số xấp xỉ 12 triệu phút/tháng của thẻ Internetphone lậu được mua bằng "acc chùa" cũng có thể làm giật mình bất cứ nhà dịch vụ nào.--PageBreak--

(Theo thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông, thị trường Internetphone quốc tế hiện nay đạt dung lượng 40 triệu phút/tháng, trong đó 36 triệu phút/tháng được kiểm soát bằng các nhà cung cấp bất hợp pháp), (30% con số này tạm coi là thuộc về thẻ lậu được mua bằng "acc chùa"- PV). Bức tranh ảm đạm đó không khỏi làm ngao ngán bất kỳ những công ty Internetphone nào, cho dù họ có nhiều tham vọng và dự định đến đâu.

Thằn lằn biến sắc

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu thẻ "xịn" ra đời, các công ty Internetphone của Việt Nam đã vô hình trung "tôn vinh" và nhường ngôi hoàn toàn cho thẻ lậu với cái giá dịch vụ cao trên trời: 1400đ/phút (thẻ lậu lúc đó trung bình là 500đ/phút, nếu gọi đi Mỹ còn rẻ hơn).

Trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay với bài toán giảm cước, với ưu thế không thể bị cạnh tranh bởi mức giá quá hợp lý, các ông trùm thẻ lậu ngay lập tức nâng cao khả năng phục vụ: thẻ được giao tận tay người tiêu dùng, thậm chí dùng xong thẻ mới phải trả tiền để chứng minh đảm bảo đủ phút và chất lượng. Bên cạnh đó, các ông trùm nâng cao tỷ lệ hoa hồng cho các đại lý bán lẻ, từ 20% lên tới 35-40%. Thậm chí người tiêu dùng mua thẻ tại các đại lý lớn sẽ được giảm thẳng vào giá mua từ 5-15% so với giá trị thực của thẻ.

Từ cuối năm 2004, người tiêu dùng đã bị "sốc" khi cầm trên tay chiếc thẻ lậu Evoiz được in hiện đại trên cốt bìa cứng phủ nhựa, chỗ chứa mã pin (mật khẩu) được tráng bạc hiện đại, mã pin được in trên nền lớp nylon không bị rách khi cào lớp phủ bảo mật. Một cuộc lột xác hoàn toàn về hình thức được diễn ra, những mẩu giấy ghi vội số series và mã pin, những tấm bìa in nhoè nhoẹt bằng máy in phun đã biến mất.

Trong khi đó, rất nhiều chiếc thẻ của các công ty lớn khi vừa ra mắt đã gặp ngay những trục trặc vô cùng mất cảm tình với người tiêu dùng: khi cào lớp tráng bạc, mã pin cũng bị mất vì được in trên nền bìa thường, rất dễ bị ẩm. Gặp trường hợp đó, đa số khách hàng được hỏi đều khá ngạc nhiên vì những lỗi rất đáng tiếc của các công ty khi tung ra sản phẩm đã không lưu tâm đến những yếu tố rất quan trọng tác động đến tâm lý khách hàng. Bản thân phóng viên ANTG trong một thời gian dài đã lần lượt dùng thử tất cả các loại thẻ của các công ty Internetphone trong nước, và hầu hết loại thẻ nào cũng gặp tình trạng tương tự trong đợt đầu phát hành.

Không những thế, để đối phó với những đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng nhằm phạt vi phạm những cửa hàng đặt biểu tượng của thẻ lậu trên destop của màn hình, đội ngũ "kỹ thuật viên" của các ông trùm nhanh chóng hướng dẫn các chủ hàng net cách giấu thư mục trong máy chủ rồi share cho khách mỗi khi có nhu cầu.

Các chủ hàng net cũng được cập nhật kỹ các địa chỉ trang web để load phần mềm về mỗi khi có thay đổi để hướng dẫn cho khách. Chính vì vậy, dù cho các hàng net luôn nghiêm chỉnh đặt icon của các công ty Internetphone trong nước trên destop, cho dù thanh tra văn hoá có kiểm tra kỹ càng đến mấy, thẻ lậu vẫn âm thầm bành trướng, lấn át mọi nỗ lực của các công ty trong nước.

Một thủ thuật khéo léo nữa được các ông trùm áp dụng đối với những dịch vụ thẻ lậu không có bộ thời gian đếm ngược song hành mà chỉ hiển thị lượng thời gian còn lại của thẻ là: giảm bớt thời gian thực của thẻ gọi! Đối với những tấm thẻ có mệnh giá lớn, thông thường khách hàng ít khi thực hiện những cuộc gọi dài 3-4 tiếng hết sạch mệnh giá của thẻ mà ngắt ra làm nhiều lần gọi.

Chính vì vậy, thời lượng của thẻ sẽ được khéo léo "bắn" bớt sang một tài khoản khác có mệnh giá nhỏ hơn, và số lượng thời gian bị "bắn" sang bao giờ cũng chỉ giới hạn trên dưới 20 phút. Khách hàng sẽ rất ít khi để ý đến điều này khi dùng trong nhiều ngày, và các ông trùm thì an tâm "rút lõi".

"Thông thường, lời lãi kiểu này không đủ để ra tấm ra món, nhưng cũng đủ chi phí để tăng tỉ lệ phần trăm "cắt" cho các chủ hàng net để họ giới thiệu khách sử dụng thẻ của mình", một "long tong" giao hàng kiêm kỹ thuật viên trong nghề tiết lộ. Cũng theo lời sinh viên công nghệ thông tin đi "làm thêm nghề tay trái" này, với tình trạng các server Internetphone lậu luôn quá tải trong những giờ cao điểm khiến các cuộc gọi thi thoảng bị rớt, trò "rút lõi" này chưa bao giờ bị "nổ" cả!

Việt Đông
.
.
.