Trạm xá không biên giới

Thứ Sáu, 09/04/2010, 12:04
Nằm lọt giữa núi rừng phía Tây Quảng Nam heo hút, trạm xá quân dân y Axan (Đồn Biên phòng 649, Tây Giang, Quảng Nam) luôn chăm lo sức khỏe, chở che cho đồng bào Cơtu mỗi lúc ốm đau, bệnh tật. Không những thế, các y bác sĩ nơi đây còn băng rừng, lội suối hàng giờ để khám chữa bệnh, xua đuổi con ma rừng cho những "hồn Việt" ở phía Tây dãy Trường Sơn bạt ngàn - những người Việt trên đất Lào.

Xua đuổi ma rừng

Nằm cách trung tâm TP Tam Kỳ hơn 200km, cách trung tâm huyện Tây Giang 3 giờ chạy xe đường rừng, trạm xá quân dân y Axan do các chiến sĩ Đồn Biên phòng 649 phụ trách nằm lọt thỏm giữa núi rừng heo hút. Ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, nơi đây quanh năm sương mù bao phủ, tối đến gió lạnh lại ùa về.

Từ khi trạm xá thành lập, cái bụng của người dân Cơtu tại các xã Tr'Hy, Ch'ơm, Axan, G'ry như được khỏe ra. Không còn cảnh phải quỳ lạy ma rừng những lúc đau ốm hay đốt đuốc cõng người xuống huyện trong đêm tối. Giờ đây, hễ trong người có biểu hiện khác thường, không ai bảo ai, tất cả đều tự nhủ: xuống để cán bộ khám bệnh cho!

Nhiều em nhỏ Cơtu ngoài giờ đi học phải làm những công việc nặng nhọc.

Trạm xá quân dân y Axan nép mình bên chân núi cạnh con đường dẫn vào xã Axan luôn tấp nập người lui tới. Xuất hiện bên những bệnh nhân trong sắc phục thổ cẩm truyền thống là những chiến sĩ Đồn Biên phòng khoác lên mình chiếc áo y bác sĩ. Niềm vui của các chiến sĩ nơi đây chính là việc bà con Cơtu chủ động tìm đến khám và lấy thuốc chữa bệnh ngày một đông. Mỗi tháng, trạm xá quân dân y Axan tiếp nhận 300 - 400 ca đến khám và điều trị, điều đó cho thấy ở chốn núi rừng miền biên ải này con ma rừng ngày một lùi xa vì sự tin tưởng của người Cơtu đối với các chiến sĩ biên phòng.

"Những ngày mới thành lập, chúng tôi phải đến từng gia đình để vận động. Họ nhìn thuốc tây, những dụng cụ y tế với con mắt sợ hãi, cứ nhất nhất "trung thành" với lá rừng và cúng bái", Thượng sĩ, y sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí tâm sự. "Lắm lúc chúng tôi cũng chán nản và buông xuôi vì thái độ bất hợp tác của bà con. Nhưng khi nhìn người già khó khăn chống đỡ với những cơn ho kéo dài, những em nhỏ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã mãi mãi ra đi khiến ai ai cũng tự nhủ rằng một phần trách nhiệm của mình vẫn chưa hoàn thành", bác sĩ Ngọc tâm sự.

Giờ  đây thì điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh tật không còn là nỗi sợ hãi của bà con Cơtu nữa. Từ chỗ xa lánh, sợ hãi thuốc tây, giờ đây họ nâng niu, giữ gìn chúng như những hạt thóc trong nhà, hay như những giọt nước đọng còn lại trên nương rẫy. Hoà vào những câu chuyện trong đêm lửa hội vây quanh nhà Gươi truyền thống, hay quây quần bên chén rượu Tà - Din giờ đây không thể không nhắc đến những "phương thuốc thần kỳ" xuất phát từ trạm xá quân dân y Axan.

Tình người không biên giới

Chỉ tay lên đỉnh Tà Xiên nằm ở độ cao 1.800m, Thượng tá Vương Đăng Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 651 nói: Bên kia là nước bạn Lào, nhìn vậy thôi, tuy gần mà xa, tuy xa mà gần lắm! Hỏi mới biết, xa vì đường núi non trùng điệp, hiểm trở. Mùa mưa xuống, những con suối róc rách ngày hè bỗng trở nên hung dữ và sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ. Nhưng gần hơn bởi tình người thắm đượm ở hai bên dãy Trường Sơn.

Nằm cách trung tâm xã Axan hơn 5 giờ đi bộ, nhưng khu Tà Vàng thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh SêKôn, Lào lại cách trung tâm huyện Kà Lừm cả 3 ngày đi bộ. Gần 200 hộ dân nơi đây là người Cơtu, vì thế mọi sinh hoạt đều diễn ra ở bên này dãy Trường Sơn. Họ được các cán bộ chiến sĩ Biên phòng, những người con dân bản xem như những thành viên trong đại gia đình Cơtu truyền thống.

Vượt hơn 15km đường rừng, Ma Ni Vông đang được cán bộ y bác sĩ tại trạm xá chữa bệnh.

Theo Đại úy Võ Văn Tri, Phó Đồn trưởng Quân sự, Đồn Biên phòng 649, cuộc sống của gần 1.000 khẩu người Cơtu tại khu Tà Vàng gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện giao thông chưa được đầu tư đến tận nơi. Mặc dù thuộc địa phận nước bạn Lào nhưng họ được xem như những thành viên của đại gia đình người Việt. Cứ mỗi tháng một lần, các y bác sĩ tại trạm xá quân dân y Axan lại băng rừng để đến khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nơi đây.

"Cũng giống như người Cơtu mình, họ (những người ở khu Tà Vàng - PV) cũng nghèo khổ lắm, đường đi lại không có, tội lắm", y sĩ Pơloong Anhiên, Trạm phó, tâm sự. Là một người con Cơtu, Anhiên là một "thông ngôn" hoàn hảo cho một thế hệ trẻ đang ú ớ với tiếng Việt. Không những vậy, anh còn đi đầu trong việc tạo sự tin tưởng, vận động bà con xoá bỏ chữa bệnh bằng hủ tục để đến với khoa học.

Những đám cưới "vượt biên" vẫn xuất hiện đều đều trong cộng đồng người Cơtu nơi đây. Năm tháng qua đi, tình máu mủ ruột rà vẫn chảy đều trong mỗi người. Ở bên kia núi rừng, từng đoàn người ngày qua ngày vẫn tìm về trạm xá quân dân y Axan để được khám chữa bệnh, như được bước thêm nhiều bước nữa để tiến tới cuộc sống văn minh ở miền xuôi

Phan Chung
.
.
.