Từ Biển Hồ, trăn trở cho châu thổ Cửu Long

“Trái tim” cần dòng máu chảy (!)

Thứ Sáu, 30/06/2017, 09:23
Ví von rất sống động, dễ hiểu về tầm quan trọng của nguồn nước từ Biển Hồ và “dòng mẹ” Mê Kông, TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ viết thế này: “Lưu vực sông Mê Kông là một thực thể sống, hồ Tonle Sap là trái tim và các dòng sông là mạch. Nó không cần trái tim lớn hơn mà cần một trái tim biết đập.


Nó không cần thêm máu mà cần dòng máu chảy”. Từ nhận định này, TS Ni truyền thông điệp rằng, bất kỳ sự phát triển nào ở lưu vực Mê Kông đều nên quan tâm tới sự thay đổi nguồn nước (về số lượng, chất lượng, sự biến đổi, sự kết nối) hơn là chỉ quan tâm đến số lượng…

Và dù nguyên nhân gì khiến nguồn nước thay đổi thì các quốc gia trong Hạ lưu vực Mê Kông đều chịu chung tác động: Thiệt hại (đời sống, tiền, đa dạng sinh học, môi trường) không chỉ với thế hệ nay mà còn với nhiều thế hệ tương lai

Để hậu quả, rủi ro được kéo giảm

PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng vùng ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức. “Thức biến đổi khí hậu có thể thích ứng được; gia tăng dân số và di dân ngăn chặn được; khai thác tài nguyên quá mức bằng cách nào đó có thể kiểm soát được; thay đổi sử dụng đất có thể điều chỉnh được.

Tuy nhiên, đối với vấn đề hình thành đập thủy điện thượng nguồn (và các dự án lấy/chuyển nước) gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay”, ông Tuấn băn khăn.

Hoạt động khai thác du lịch trên Biển Hồ đôi lúc làm người ta quên đi những bận tậm liên quan đến cá và nước tại đây.

“Do nằm ở đoạn cuối dòng mẹ Mê Kông, Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, hay nói cách khác là bị tổn thất kinh tế tổng thể, dễ thấy nhất chính là thiệt hại lớn về thủy sản và cá nước ngọt (tác động đến người dân, nhất là dân nghèo); mất trầm tích và những chất dinh dưỡng đi kèm cùng với những tác động tiêu cực về kinh tế, ảnh hưởng đến sự bồi đắp đồng bằng, ngư nghiệp (thủy sản nước ngọt và hải sản) và nông nghiệp”.

Nhà báo Adam Hunt Christoper – Giám đốc Mạng lưới báo chí Trái đất, còn chỉ ra các mối đe dọa với an ninh nguồn nước Mê Kông tại ĐBSCL biểu hiện qua chất lượng nước không đảm bảo để duy trì sinh kế người dân, an ninh lương thực và bảo tồn đa dạng sinh học; suy giảm dòng chảy tại hạ lưu do các đập thủy điện dẫn đến gia tăng ô nhiễm và nhiễm mặn. “ĐBSCL là nạn nhân ở hạ lưu do toan tính sai lầm ở thượng lưu”, Adam Hunt Christoper nói.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng ĐBSCL cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của các nước trong lưu vực sông Mê Kông. Các Bộ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC), cùng các nhà khoa học phải phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn.

Nhắc lại một số dự án lấy/chuyển nước đình đám tại Thái Lan, chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng Thư ký VNMC cho biết, theo Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững lưu vực sông Mê Kông 1995, việc lấy/chuyển nước tại các dòng nhánh sang các khu vực khác trong cùng lưu vực Mê Kông phải được thông báo cho Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC). Trong khi cách nay 1 năm, Ban Thư ký MRC nói họ chưa nhận được thông báo nào về các dự án lấy/chuyển nước của Thái Lan.

Hơn nữa, do điểm lấy nước đặt rất gần hợp lưu giữa các dòng nhánh với dòng chính, nếu đoạn sông nhánh đó được mở rộng và đào sâu đáng kể, thì dù danh nghĩa là lấy/chuyển nước dòng nhánh, thực tế là lấy/chuyển nước dòng chính. Và nếu việc lấy/ chuyển nước đó lại được tiến hành trong mùa khô, theo Hiệp định Mê Kông 1995, Thái Lan không những phải thông báo mà còn phải tiến hành tham vấn trước với các quốc gia thành viên MRC để đạt được sự đồng thuận. Điều này cũng tương tự đối với Camppuchia khi thực hiện dự án Vaico, nếu việc chuyển nước lại liên quan đến phần hạ lưu (lưu vực sông Vàm Cỏ ở Việt Nam) được thực hiện trong mùa khô.

Các chuyên gia cho rằng, với tư cách là một quốc gia chịu rủi ro tiềm tàng từ các dự án này, Việt Nam cần có cách đặt vấn đề phù hợp.

Đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, cùng phát triển

Phân tích thêm về nhiều tác động tiêu cực nếu khoảng trên 20 sông nhánh lớn nhỏ bên bờ hữu sông Mê Kông thuộc Thái Lan đều có các cống/trạm bơm lấy/chuyển nước vào trữ trong các hồ chứa, cùng với các dự án tương tự ở Campuchia làm lượng nước lũ về ĐBSCL giảm bớt; cộng hưởng với tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vận hành các đập thủy điện trên thượng lưu, chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thu thập và cập nhật thêm thông tin về các dự án cả lấy/chuyển nước và thủy điện. Trên cơ sở đó, các thông tin cần được phân tích, xử lý để có các đối sách kịp thời, bảo vệ quyền lợi ĐBSCL.

Các cơ quan hữu quan trong các thể chế hợp tác Mê Kông khu vực, nhất là MRC và VNMC cần chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các quy định của Hiệp định Mê Kông trong việc thông báo, tham vấn đối với các dự án lấy/chuyển nước. Mặt khác, các tổ chức này cũng cần tạo điều kiện để người dân và các tổ chức xã hội dân sự có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan.

Cần tăng cường/củng cố các thể chế hợp tác Mê Kông hiện tại, phối kết hợp với các tổ chức/cơ chế hợp tác hữu quan khác như Sáng kiến Hạ lưu vực Mê Công (LMI), các diễn đàn khu vực như ASEAN và/hoặc nghiên cứu thành lập các thể chế liên kết khác để thúc đẩy hợp tác trong khu vực, tạo sức mạnh rông hợp.

Trở về từ Biển Hồ, đặt câu hỏi “làm gì?”, chúng tôi còn được các chuyên gia nhắc đến Nguyên tắc cẩn trọng (được LHQ công nhận năm 1982 trong Hiến chương thế giới về tự nhiên), đã được đưa vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế: “Khi một hành động hoặc một chính sách bị nghi ngờ có rủi ro gây hại cho công chúng hoặc cho môi trường, và thiếu sự đồng thuận khoa học rằng hành động hoặc chính sách đó là không gây hại, thì trách nhiệm chứng minh rằng hành động đó không có hại là thuộc về phía đưa ra hành động hoặc chính sách”.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng Việt Nam, cụ thể là người dân ĐBSCL hoàn toàn có quyền đến khi nào có cơ sở khoa học vững chắc để đảm bảo tác động không nghiêm trọng hoặc có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu.

Sông Mê Kông hàng ngàn năm qua là chiếc cầu nối 6 quốc gia, chia sẻ một lưu vực rộng lớn với tài nguyên trù phú, những nền văn hóa đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng lớn cho sự thịnh vượng chung của người dân.

Bước sang thế kỷ XXI, sông Mê Kông còn được kỳ vọng trở thành một trong những xung lực lớn cho các quốc gia trong lưu vực hợp tác và khai thác để cùng phát triển. Tuy nhiên, bài học phát triển cho thấy việc hài hòa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bền vững môi trường luôn gặp rất nhiều thách thức.

Trong đó, hai vấn đề nổi bật mà quốc gia nằm ở cuối dòng Mê Kông như Việt Nam cần lưu ý: Sự thiếu hụt chia sẻ thông tin, sự hiểu biết và chiếu cố lợi ích lẫn nhau giữa các nước trong lưu vực, nhất là Hạ lưu vực sông Mê Kông.

Tiếp đó là thiếu hụt tiếng nói và quan điểm tham vấn từ cộng đồng địa phương, là những cộng đồng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các đập thủy điện, các dự án lấy/chuyển nước và biến đổi khí hậu.

Thực tế phổ biến này đã và đang ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và tính khả thi, thậm chí làm phá sản nhiều chính sách ứng phó và thích ứng do chính phủ triển khai nếu chúng ta thiếu gắn kết kịp thời, chính xác trước những diễn biến an ninh nguồn nước.

Mê Kông là một trong những dòng sông vĩ đại nhất thế giới, có đặc điểm thủy năng nổi bật là vai trò điều lượng dòng nước bởi “trái tim” Biển Hồ  với nguồn tài nguyên thiết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa của hàng triệu người.

Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định có liên quan đến nước trên dòng chính Mê Kông và và những phân lưu, đặc biệt là “trái tim” Biển Hồ. Vì vậy, để dòng máu của “trái tim” ấy chảy, nhiều chuyên gia đề nghị các quyết định có liên quan đến Mê kông phải được các bên nghiên cứu nghiêm túc, có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng.

Và hành động đúng vẫn phải xuất phát từ trái tim biết yêu thương và luôn biết nghĩ đến hạnh phúc nhiều người...

Thái Bình
.
.
.