Trại rắn Đồng Tâm và những chuyện ít biết

Thứ Tư, 22/12/2004, 07:11

15 năm trước, đơn vị này đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động. Trại nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu lớn nhất khu vực Đông Nam Á này đã cứu sống trên 10.000 trường hợp bị rắn độc cắn từ khi thành lập đến nay.

Nằm cách Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, 12km, Trại rắn Đồng Tâm không chỉ là một bảo tàng rắn độc phong phú mà còn là một bệnh viện đặc biệt và là khu tham quan, học tập độc đáo, hấp dẫn.

Thâm nhập lãnh địa của... rắn

Hơn 17 giờ chiều, tôi theo chân anh Phương, nhân viên Đội nuôi thú của Trại bước ra khu vực mà có người gọi là "lãnh địa của rắn". Đang đi, một con rắn bất thình lình rớt xuống, quấn vào cổ, lạnh ngắt và hả họng quặp vào vành tai, tôi thấy khó thở, toàn thân tím tái… Tôi cố giấu cảm giác lo sợ, huy động hết khả năng thị lực để quan sát khi đi ngang những lùm cây kiểng.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Lương, tại các tỉnh ĐBSCL, hiện phổ biến nhất là 2 loại rắn độc: hổ đất (tên khoa học: Naza Kaouthia) và lục đầu vồ, đuôi đỏ (Trimererus Peoporum). Trong số bệnh nhân đến đây, có đến 60 - 70% bị rắn lục cắn. Mỗi 1 gram nọc đông khô, có thể giết chết 166 người. Trung bình, con rắn 1 kg, mỗi lần lấy nọc (1 tháng lấy 1 lần) sẽ cho lượng nọc khoảng 0,138 ml, tương đương 0,044 gram sau khi đông khô. Về giá, nọc rắn hổ mèo, hổ mang là 400.000 đồng/gram. Còn hổ chúa, mái gầm, rắn lục thì 800.000 đồng/gram (3,75 gram = 1 chỉ).

"Bây giờ là tới giờ hoạt động của rắn rồi đó!". Thú thật, tôi muốn viện cớ "trời tối quá, chụp ảnh không đẹp" để hủy chuyện thực tế rùng rợn và hết sức nguy hiểm, khi nghe anh Phương, nhân viên Trại rắn Đồng Tâm, cho biết điều này.

Với mục đích cho tôi được nhìn toàn thân những con rắn hổ mang chúa dài trên 4 mét, đang nằm trong ụ đất nhân tạo, anh Phương bảo tôi chờ anh năm phút. Lát sau, anh quay lại với chiếc vợt có mấy con rắn lãi dài cả mét, còn ngúc ngoắc đuôi. Cửa chuồng được mở, mấy con rắn lãi được quăng vào. Ngay lập tức, con hổ mang chúa có tên khoa học dài ngoằn (Ophiophagus Hannah) thò đầu, lè lưỡi bò nhanh ra, quặp ngay con mồi. Đúng là, "rắn lớn nuốt rắn bé!".

Phương cho biết: "Con hổ chúa này, xứ Cà Mau gọi là hổ mây. Nó đã 4 tuổi, nặng trên chục kg rồi đó. Con này chẳng bao lâu nữa, đạt trọng lượng 18 - 20 kg là cái chắc!". Tôi chợt nhớ chuyện rắn tát đìa mà cảm giác rằng, những con rắn trong câu chuyện của bác Ba Phi có lẽ là thật chứ chẳng phải dóc tí nào!

Phương "gọi" hai ba con rắn cạnh bên để cho mồi, chúng cũng dài và có trọng lượng tương tự. Nhịp tim tôi đã bớt rộn ràng hơn khi thấy chúng chỉ lo say mồi mà ít ngó mình. Tôi giương máy ảnh lên chụp tranh thủ như chưa bao giờ được chụp. Có lẽ khó chịu với ánh đèn flash, một con hổ mây ngóc đầu, phùng mang, cổ dẹp đép.

"Nó ra đòn trong tư thế đó thì nọc độc phun ra rất nhiều. Khi đói, vào mùa lạnh hoặc giai đoạn mới lột,… là túi nọc của rắn đầy nhất. Lượng nọc nhả vào càng nhiều thì nạn nhân của chúng thấm đòn và chết càng nhanh. Một số con thì chẳng cần phải cắn mà xuất chiêu bằng cách phun nọc thẳng vào mắt đối phương. Đối phương sẽ bị mù mắt, quỵ xuống tại chỗ," Phương giải thích.

Tiếp tục theo Phương, tôi bước ngang khu vực rắn thả rong chỉ toàn cỏ, bụi rậm. Nói là giờ hoạt động nhưng tôi chẳng thấy động tĩnh gì hết. Đến khi được giới thiệu, tôi hiểu thêm đặc tính của loài bò sát này, chúng luôn di chuyển rất nhẹ nhàng. Sự mãnh liệt của nó trỗi dậy chỉ khi tự vệ hoặc thanh toán con mồi.

Điều này thể hiện rõ nhất khi chúng tôi đến tham quan khu vực rắn sống ở mật độ cao nhất thế giới - hàng trăm con/m2. "Chúng là rắn lãi, rắn nước, rắn lục thường… Mấy loại này không thuộc nhóm rắn độc nên chỉ nuôi để làm mồi cho bọn kia!". Tuy nuôi là để làm mồi nhưng nơi chúng sinh sống cũng thật hữu tình, có hòn non giả, có hang trú ẩn, có cây cao, thảm cỏ và quanh đó là nước mát. "Rắn cũng như bao loài động vật khác. Sống hoang dã nhưng cũng chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt, thay đổi của môi trường, thời tiết. Chúng thường bị bệnh nấm, bị sên, bị viêm phế quản… Khi phát hiện chúng bệnh, mình phải tiêm chủng ngay!" - một nhân viên cho biết.

Thăm "bệnh viện đặc biệt"!

Khoa Điều trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm được nhiều người gọi vui là bệnh viện đặc biệt vì đội ngũ y, bác sĩ nơi đây chỉ vỏn vẹn có 3 người và đều là những anh bộ đội Cụ Hồ. Điều đặc biệt thứ hai là nơi đây chỉ chuyên trị bệnh nhân bị rắn độc cắn mà các thầy lang đã… chạy, hay các bệnh viện khác đã… bó tay.

Bệnh viện chỉ có 15 giường nhưng lượng bệnh nhân đến đây cấp cứu đạt con số kỷ lục, 400 - 500 ca/năm. Riêng năm 2004, đến thời điểm đầu tháng 12, đã có 419 ca. Có một kỳ tích đáng tự hào, đó là, theo lời Đại tá Nguyễn Danh Sinh, Giám đốc trại: "Từ năm 2000 đến nay, dù bị rắn độc gì cắn đi nữa, nhưng hễ đến kịp nơi đây, thì chẳng có trường hợp nào bị tử vong!".

Theo chân Thiếu tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương đến khu vực các bệnh nhân đang được điều trị, chúng tôi thật sự cảm động khi được biết, hầu hết họ đều là nông dân nghèo, vì lo bát cơm, manh áo cho cả gia đình mà phải tần tảo, thức khuya, dậy sớm nên gặp chuyện chẳng may.--PageBreak--

Nông dân Đỗ Khắc Quyền, 52 tuổi, nhà ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang kể, chiều tối 9/11, khi ông đang đi thăm ruộng lúa thì thấy đau nhói ở chân phải. Nhìn xuống thì chỉ kịp thấy và biết rằng đó là rắn, chứ chẳng biết là rắn gì. Thấy đau nhức và máu chảy nhiều, ông Quyền la lên, người nhà hay tin, liền gọi xe ôm,… Ông nhớ lại: "Lúc này, mắt tui như bị mù rồi, chẳng nhìn thấy được gì. Còn cái lưỡi thì tự nhiên cứng đơ, tim đập dồn dập, ngực nặng trịch rất khó thở…". Người nhà ông Quyền kể thêm: "Nguy kịch như vậy mà ông thầy lang chỉ cho uống thuốc bột gì đó. Chắc ổng khó có khả năng trị được nên tụi tui chạy tiếp đến đây. Ổng lúc đó chẳng còn biết gì nữa, phải thở bình ô xy đến sáng hôm sau mới tỉnh".

Bác sĩ Lương cho biết, tuy ông Quyền không bắt được con rắn nhưng qua dấu răng, cùng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, các anh xác định được ông đã bị rắn hổ đất cắn. Do vết thương khá nặng, chân ông bị hoại tử, phải nằm lại điều trị thêm khoảng 1 tháng nữa. Ông xúc động: "Còn sống là may mắn lắm rồi. Trước đây, gần nhà tôi cũng đã có nhiều người bị rắn cắn, chẳng kịp chạy…".

Lê Thanh Tuấn, 27 tuổi, ngụ xã Tân Phong, Cai Lậy, Tiền Giang, bị rắn cắn vào nửa đêm 30/11 vừa rồi, kể: "Bữa đó, đang đi cặp mé mương để thăm câu thì tự nhiên tui thấy đau nhức ở đầu gối nên mới kêu anh Nguyễn Văn Phước đi cùng, rọi đèn. Một vết thương nhỏ nhưng máu chảy nhiều, tui tưởng bị cây đâm không hà". Qua ánh đèn soi, Phước phát hiện con rắn bằng ngón chân cái, giống như con rắn hổ hành nên anh bắt đem về. "Thế là tui cũng bị nó chơi cho 2 vết ở tay trái". Anh Phước kể thêm: "Tuấn cứng họng rồi chỉ mấy phút sau là đến lượt tui. Tui tưởng cả hai thằng đều bỏ mạng…".

Theo bác sĩ Lương, tốc độ nhiễm nọc độc của rắn khi đã vào cơ thể rất nhanh, nếu không có biện pháp chữa trị khoa học thì nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, bà con miền Tây vẫn còn nặng thói quen khi bị rắn cắn là chạy đến các ông thầy lang, dù mấy ông thầy này chẳng hề có tay nghề. Trường hợp hai anh Tuấn và Phước vừa kể, ông thầy lang gần đó cứ khăng khăng nói là do con rắn hổ long cắn. Thực ra, đó chỉ là mấy con rắn mới vừa lột xác, còn vướng lại một số da cũ trên mình nên nhiều người nói nó có long. Loại rắn độc vừa lột thì túi nọc rất đầy nên người bị chúng cắn luôn trúng độc rất nhanh, nếu không cấp cứu kịp thời thì chắc chắn sẽ tử vong. Bác sĩ Lương kể có nhiều trường hợp khi đến đây, các anh phải lo giải độc do "thuốc" mà thầy lang cho uống rồi mới lo phần rắn cắn!

Trong cái nghiệp trị rắn cắn của mình, bác sĩ Lương và các đồng nghiệp còn lại đã đối mặt với hàng ngàn trường hợp hết sức hiểm nghèo, tưởng rằng không qua khỏi. Anh kể, mới đây có bé trai 18 tháng tuổi, quê ở Tân Phước, Tiền Giang bị rắn độc cắn tại mu bàn tay, đưa đến đây đã trào đườm. Một bé gái 22 tháng tuổi quê Đồng Nai được Bệnh viện Nhi đồng I chuyển xuống, trong tình trạng xuất huyết toàn thân. Một trường hợp bé gái 7 tuổi do bệnh viện Trần Văn An (Bến Tre) chuyển sang. Người thân của bé khi xuất viện vẫn không thể tin vào trường hợp con em mình nguy kịch đến mức mạch, huyết áp tuột xuống còn 0, thế mà được cứu sống.

Có nhiều trường hợp bị rắn cắn hết sức hy hữu. Ở Tân Phong, Cai Lậy, có hai bố con đều bị rắn cắn khi đang đi chơi. Có nạn nhân bị rắn cắn trên đầu và nhiều chỗ hiểm khác… Bác sĩ Lương kể, hầu hết nạn nhân nhập viện vào ban đêm. Vì vậy, như những đơn vị quân đội khác, các anh luôn trực chiến 24/24. "Đến nỗi, bạn bè người thân mời mọc tiệc tùng, chúng tôi cũng khó có thể thu xếp để dự… Tính mạng của người dân được chúng tôi đặt lên hàng đầu!" - Đại tá Sinh bổ sung.

Khi biết về bề dày của Trại rắn Đồng Tâm, có lẽ ai cũng hết sức khâm phục, trân trọng. Đại tá Sinh kể, lúc mới thành lập (1977), trên diện tích đất 5000 m2 được giao, chỉ toàn là xậy đế. Lực lượng mỏng, đã vậy, tài sản chỉ có 17 con trăn, rắn và một số cây thuốc, hoạt động chẳng theo một mô hình nào.

Nhờ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và đặc biệt là lòng say mê nghề nghiệp, cả đơn vị đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Hiện diện tích trại được nới rộng lên gần 20 ha. Ngoài vườn rắn độc phong phú, trại Đồng Tâm hiện còn có hàng trăm loài cây, con dược liệu quý hiếm, sản xuất chế biến nhiều mặt hàng thuốc đông dược, phục vụ sức khỏe nhân dân

Trường Bình
.
.
.