Trai nhảy vũ trường: Một nửa đàn ông là đàn bà

Thứ Sáu, 22/04/2005, 18:49

Nếu chỉ để nói về nhảy thì họ không có gì nổi bật để phải nhớ. Lần đầu tiên gặp họ, tôi đã rất khó khăn trong việc xưng hô, bởi từ khuôn mặt, mái tóc, giọng nói, dáng đi... đến cả cách ăn mặc, trang điểm đều không thể hiện là đàn ông, cũng chẳng có vẻ gì đàn bà.

21 giờ, bar H.L ồn ã bởi tiếng nhạc inh tai, nhức óc và quay cuồng trong ánh đèn màu. Trên sàn nhảy, cùng với hai vũ nữ mặc đồ siêu ngắn, dancer Đung trông thật nổi bật trong trang phục quần thun, áo bó, khuôn mặt trắng lốp vì trang điểm, và cả mái tóc mượt dài như con gái cứ rối bời theo làn điệu lắc lư.

Sau một thời gian chuyển vùng vào Sài Gòn hoạt động, tính đến nay được hai tháng mười bốn ngày, Đung lại xuất hiện ở Hà Nội. Với dáng người gầy, cao và nét mặt đậm đặc nữ tính, Đung đang hoà mình trong vũ điệu "Ơ 800" trong sự cổ cũ cuồng nhiệt của dân chơi.

Đưa tay với chai bia Heineken đã bật sẵn, Đung ngửa cổ làm một hơi rồi hỏi tôi nhưng lại tự khen mình "Anh thấy em vẫn phong độ chứ". Nói rồi, Đung chỉ tay về phía sàn: "Anh nhìn thấy thằng tóc dài đang nhảy kia chưa, nó là bồ ruột của em đấy!”.

"Bồ ruột" của Đung chính là Dinh, người mà dân chơi cũng liệt vào hạng "gay" của đất Sài Gòn. Khi tôi hỏi về cuộc sống hiện giờ, Đung lắc đầu: "Vẫn vậy thôi anh! Sáng ngủ. Chiều chơi. Đêm lên sàn lắc một tiếng, rồi ngồi đợi bồ lắc xong cùng đi ăn đêm và về nhà trọ xem đĩa, hoặc chơi bài cho đến lúc chán thì thôi". Chắc hẳn dư luận sẽ thắc mắc, tại sao nhảy về họ không ngủ ngay mà còn bày trò làm gì? Xin thưa rằng, đó chính là cái khổ của dancer mà ít người biết đến. Bởi khi nhảy, thần kinh của họ phải chịu ảnh hưởng rất lớn do ánh đèn vũ trường, do tần suất âm thanh... nên phải nhiều giờ sau, họ mới dần thoát khỏi cảnh lờ đờ như người say thuốc.

Dù bây giờ đã chuyển sang hoạt động ở một lĩnh vực khác, nhưng dân chơi không thể nào quên được Ảnh, người Hà Nội. Trước khi đến với sàn nhảy, Ảnh mới 20 tuổi và từng là người mẫu thời trang. Tuy nhảy không đẹp, nhưng bù lại Ảnh có được sự đam mê mà ít người theo kịp. Ảnh có "tình cảm" thân thiết với một thanh niên cùng tuổi. Sau giờ hoạt động ở vũ trường, Ảnh và thanh niên này thường đưa nhau tới khu vực... ít người biết đến để "tâm sự". Biết chuyện con mình đi làm dancer, bố Ảnh đã phải khóa chân Ảnh trong nhà. Và cũng phải đến lúc này, bí mật về một dancer nam nằm trong nhóm "gay" có tên Ảnh bắt đầu lan tỏa rộng rãi trong dư luận.

Không lâu sau ngày Ảnh ngừng tới vũ trường, một loạt dancer như: Giong, Kang, Mòng, Ửng, Binh, Quýnh... bắt đầu xuất hiện trên sàn nhảy của một số vũ trường ở Hà Nội. Nếu chỉ để nói về nhảy thì họ không có gì nổi bật để phải nhớ. Nhưng oái oăm là họ cùng có món "độc chiêu" mà chỉ cần tiếp xúc một lần, người ta sẽ không thể quên được. Lần đầu tiên gặp họ, tôi đã rất khó khăn trong việc xưng hô, bởi từ khuôn mặt, mái tóc, giọng nói, dáng đi... đến cả cách ăn mặc, trang điểm đều không thể hiện là đàn ông, cũng chẳng có vẻ gì đàn bà.

Như hiểu được điều khó nói của tôi, bọn họ liếc ngang một cách đầy tình tứ và cất lời nhỏ nhẹ nhưng tôi vẫn thấy sởn da gà: "Anh cứ gọi bọn em bằng tên cho tiện". Nhờ có một người quen chuyên nghiên cứu về đồng tính tư vấn, nên sau này, tôi phần nào hiểu hơn cách sống của họ. Qua đó mới thấy cuộc sống của họ cũng khá phức tạp. Nhất là trong cách ăn mặc, mua bán và sắp xếp vật dụng trong nhà, họ là người khó tính đến phát sợ.

Trong số những dancer tôi quen, ngoại trừ Binh và Quýnh sống cặp cùng hai ông Tây ở Sài Gòn là có chỗ ở riêng, còn lại Giong - Kang, Mòng - Ửng cùng thuê nhà và sống cặp với nhau như những đôi vợ chồng thực thụ.

Không chỉ cầu kỳ trong cách ăn mặc, đầu tóc, kẻ vẽ phấn son, đánh móng chân, móng tay, họ thường sống chung trong một nhà trọ nhiều phòng cùng với hàng chục dancer nữ, mà người ngoài khó phân biệt được họ là con trai. Phóng - một dancer nữ đang nổi ở Hà Nội nói với tôi "Kể thì ít người tin nhưng họ luôn coi chúng em như người đồng giới. Điều ấy được thể hiện rõ nhất ở cách nói chuyện, đi đứng và cả... cãi nhau nữa. Để thử phản ứng giữa cái gọi là "đàn ông" và "đàn bà", có lúc bọn em cố tình để lộ "hàng" nhưng thấy họ hoàn toàn lãnh cảm.

Lời tự bạch của một "gay"

Hơn 10 năm sống bằng nghề nhảy, dancer Lừng, quê ở Sài Gòn, hiện đang hoạt động ở Hà Nội đã ghi vào nhật ký của mình nhiều chuyện bi, hài cười ra nước mắt. Lừng kể rằng, khi bắt đầu vào nghề nhảy, mẹ hỏi Lừng dancer là cái gì mà ở nhà cũng nhảy tưng tưng như đỉa phải vôi vậy. Rồi bà nhờ người đưa tới nơi "đêm nào cũng ầm ĩ ấy" để tận mắt chứng kiến. Thấy Lừng ăn mặc giống như người lặn, rồi lại lắc lư, uốn éo trên sàn như người say rượu, bà chẳng hiểu gì cả, song biết đó không phải là cách kiếm tiền bất chính nên cũng không ngăn cản nữa.

Lừng có khuôn mặt đàn ông, dáng người đẹp và đang là dancer ăn khách nhất hiện nay. Năm 2000, Lừng biết một người đàn ông tên Chanh ở Hà Nội từng được nhiều người biết nhờ sự giàu có và tính "gay". Bình quân một ngày, anh Chanh thu nhập từ 7- 8 triệu đồng. Trong một lần tới vũ trường xem Lừng nhảy, anh Chanh mê muội và sau đó tìm mọi cách tiếp cận Lừng. Thấy Lừng nghèo, không có xe máy, ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ, anh Chanh tự động đến nhà trọ đưa Lừng tới vũ trường, hết giờ nhảy lại đưa Lừng đi chơi đêm. Đầu tư nhiều mà không thực hiện được ý định làm "chồng" Lừng một lần, anh Chanh ôm mối hận tình và quyết định đòi Lừng... 1 triệu đồng tiền trả hộ thuê nhà. Mặc dù số tiền anh Chanh cho Lừng gấp rất nhiều lần số tiền ấy.

Một lần, Lừng được một người bạn mời đi nhảy cho một đám cưới của người nước ngoài ở Việt Nam, địa điểm tổ chức gần hồ Tây. Khi Lừng bước từ phòng trong ra hội trường để nhảy, thì ở ngoài hơn một nửa số người có mặt đã thoát y 100%. Bản thân Lừng cũng bị ép thoát y 100% để nhảy. Phải lý do mãi, Lừng mới được chiếu cố để chỉ thoát y 50%.  Một tiếng nhảy ở đám cưới này, Lừng được trả 200 USD.

Gần đây nhất, Lừng được một người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thích đến mê mẩn. Ông này sẵn sàng giúp đỡ tất cả những gì Lừng yêu cầu chỉ với một điều kiện "Lừng phải cùng ông ta làm chuyện "vợ chồng" theo kiểu của giới pêđê". Ngay cả bây giờ, Lừng vẫn được nhiều người đồng tính "yêu" và Lừng thừa nhận cũng thích họ.

Theo lời một dancer thuộc hàng "sao" thì tại thời điểm này, có khoảng 20 dancer nam hoạt động trong các vũ trường ở Sài Gòn và Hà Nội. Trong những lúc tự bạch, bản thân những dancer đồng tính cũng không hiểu mình là đàn ông hay đàn bà. Nhưng theo thừa nhận của phần đông người đồng tính mà tôi đã biết, thì chất nam tính trong họ vẫn nhiều hơn. Hiện tại ở nước ta, hiện tượng người đồng tính sống với nhau như vợ chồng đang bị dư luận lên án. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm nên rất cần sự quan tâm của các nhà chuyên môn để có một giải pháp tối ưu. Trong khi chờ đợi điều ấy, có lẽ việc khuyên nhủ, thuyết phục người đồng tính chấm dứt tình trạng sống cặp là điều cần thiết

Anh Anh - Bình Anh
.
.
.