Mai vàng nghề chơi lắm công phu

Thứ Ba, 21/01/2020, 14:51
Nhờ đáp ứng thú chơi mai của người dân những năm gần đây việc “săn” gốc mai “khủng”, có dáng bon sai khiến nhiều nhà vườn tại TP Hồ Chí Minh đã đổi đời, trở thành tỷ phú Mai Vàng.


Thời tiết cuối năm chợt “đỏng đảnh” se lạnh khiến nhiều chủ vườn mai tại TP Hồ Chí Minh đang khấp khởi mừng, họ mong cứ lạnh cho tới tận Tết Canh Tý, để những “lão mai” với bộ rễ độc, lạ, lại nở đúng thời điểm. 

Nhờ đáp ứng thú chơi mai của người dân những năm gần đây việc “săn” gốc mai “khủng”, có dáng bon sai khiến nhiều nhà vườn tại thành phố đã đổi đời, trở thành tỷ phú Mai Vàng. Thế nhưng, gặp thời tiết không thuận, nắng đột ngột, mai nở sớm thì ước mơ “nở tiền” từ vườn mai cũng sẽ vụt tắt. Thế mới nói “nghề chơi cũng lắm công phu” là vậy!

Mai Đại Lộc đón Xuân Canh Tý

Dạo quanh một trong những địa chỉ được coi là làng mai của TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12-2019 tại khu nhà vườn Hiệp Bình Chánh -Thủ Đức cho thấy, chủ nhà vườn năm nay đã dày công đầu tư các gốc mai Đại Lộc để tung ra thị trường dịp Tết năm nay.

Mai Đại Lộc thực chất là giống mai “đột biến”. Khác với giống mai truyền thống là mai Cúc bung nụ sớm, cánh mai mỏng, mai Đại Lộc từ khi ra nụ tới khi nở hoa có thời gian khiến người mê mai phải hồi hộp, ngóng trông. Vì ít nhất là 2-3 ngày sau, nụ mai có hình xinh xinh như chiếc “móng gà” mới nở bung, khoe sắc. Cánh hoa có độ dày và có bề mặt mềm như nhung.

Ông Mã Văn Phương chăm cây mai 50 tuổi.

Năm nay, những gốc mai Đại Lộc (có giá thấp nhất là 2,5 triệu/gốc) được coi là có dáng đẹp phải đạt được nhiều yếu tố. Trước hết phải có cái “ thế” mà nhìn ở góc độ nào cũng có hoa. Hoa trên thân cây thì phải có nhiều loại: hoa đã rơi cánh, xếp lá đài; có nụ hoa đang chúm chím “hàm tiếu”; hoa búp đang dần hé nở và những nụ tròn mới nhú hạt cườm. Lá cây mai được coi là đẹp cũng phải là lá non nẩy lộc...

Ông Nguyễn Văn Út, 57 tuổi đang sở hữu vườn mai 3 tỷ tại khu nhà vườn mai phường An Phú Đông quận 12 cho biết, tại đây, những năm trước, số nhà có vườn mai rộng hàng ngàn mét vuông  khá nhiều. Nhưng hiện tại, nhiều vườn mai được nhổ bỏ, san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền đến gần hết. 

Ông Út tự nhận mình là một trong những người của làng mai An Phú Đông còn vương vấn, níu kéo nghề trồng mai. Ông vừa tranh thủ về tận Vũng Liêm -Vĩnh Long sang lại 41 gốc mai của một vựa kiểng với giá từ 2 triệu tới 6 triệu/gốc. Ông chắc chắn rằng, 3 năm sau có thể bán từ hơn 10 triệu/cây. Trong đó có một gốc mai to “chà bá lửa” có đường kính thân hơn 40 cm và sau 2 năm chăm sóc, phải 50 triệu đồng trở lên ông mới bán cây mai này.

Tuỳ theo cây, nếu như cây có đường kính thân đo được 21cm, cao 66 cm, tán đo được 70cm, giá bán ra sẽ khoảng 2,5 triệu đồng/cây. Hay tán rộng 80cm, chiều cao 1mét, hoành thân là 20cm thì giá khoảng 3 triệu/cây… Song theo ông Út, nói thì dễ nhưng kiếm tiền từ cây mai thật khó. Làm tiền tỷ từ mai càng không đơn giản. 

Nếu có một gốc mai cổ thụ giá 200 triệu thì tiền mua thuốc và công chăm sóc cũng mất hơn 50 triệu. Không biết làm kỹ thuật, sơ ý chăm thuốc không đúng thì cây vài trăm triệu cũng thành củi. 

Trong khu vực An Phú Đông nổi tiếng nhất là vườn mai của ông Sáu Khanh. Vốn đầu tư lên tới 6 tỷ. Tại vườn ông Sáu Khanh có nhiều gốc mai bự. Có cây cỡ 500 triệu/cây. Có uy tín làm nghề lâu năm, cũng như mọi cái Tết, dịp này, trong nhà ông Sáu Khanh luôn để sẵn xe cẩu, xe tải đáp ứng cho nhu cầu của khách chở hàng về ngay. Từ 25 Tết tới mùng 10 Tết là thời gian làm ăn cấp tập của dân trồng mai. 

Gia đình ông Sáu Khanh mướn 3.500m² đất với giá 250 triệu/năm của hàng xóm để kín hết cây mai. Nhưng như ông nói, vẫn là để lấy công làm lời, tự mình ông đảm nhiệm việc xịt thuốc, tưới phân. Vì nếu thuê người sẽ tốn kém, tính ra không còn lời bao nhiêu.

Vất vả với nghề...nhưng vui

Bà Nguyễn Thị Bảy (69 tuổi, ngụ tại Hóc Môn) đã có 25 năm theo nghề mai có vườn mai cả ngàn gốc với nhiều cây mai khủng có giá tới hàng chục triệu tới hàng trăm triệu/cây nhận định: 

“Chăm mai bận như con mọn. 1 năm 365 ngày không thiếu ngày nào phải cực thân bên cây mai. Tôi vẫn nói đùa, ngày nào cũng phải ngó tới “nàng Mai” của mình. Tưới nước, bón phân, trị sâu bệnh. Nhưng Tết thấy cây mai mình bán cho họ chưng trong nhà nở vàng rực rỡ mình cũng mừng cho gia chủ, mong cho họ có một năm mới sung túc đủ đầy”.

Thế nhưng chăm cỡ mấy mà thời tiết không thuận theo người trồng thì cũng thua. Năm Kỷ Hợi, vườn mai nhà bà Bảy có tới 2/3 số lượng gốc mai trồng trong vườn bị nở rộ trước Tết vì thời tiết nắng lên bất thường làm hoa nở rộ. Riêng dịp Xuân Canh Tý năm 2020 bà Bảy nhận định: “Nếu thời tiết cứ lạnh như hiện tại kéo dài tới Tết thì nhà vườn mai sẽ ổn”.

Ông Nguyễn Văn Út - phường An Phú Đông quận 12 trao đổi về nghề trồng mai xưa và nay.

Vườn nhà bà Bảy có thuê 4 người và vài người cháu nữa mới trông xuể. Tiền thuê nhân công cho 4 người là 250.000 đồng/người/ngày. Như vậy, bà Bảy phải chi 1 triệu tiền lương thuê người chăm sóc mai/ngày nên như bà Bảy nói, làm mai bây giờ là làm để lấy vui! Song nếu dừng không làm thì dân buồn vì chơi mai Tết xong họ lại muốn gửi lại cây. Mình không làm nữa, họ sẽ vứt đi một cây mai đã từng làm bạn với mình có khi hàng nhiều năm. Thế thì xót xa lắm!”.

Ông Mã Văn Phương (56 tuổi), chủ vườn mai Phương diện tích 4.000m² với 1.500 chậu mai lớn nhỏ ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức có thâm niên trồng mai được 30 năm, kể: Khi tôi 20 tuổi nghe cha mẹ nói chuyện với bà con lối xóm bán cành mai có tiền sắm sửa Tết, mua được nhiều thứ, như: thịt heo, quần áo mới… Nghe thấy ham nên cùng cha mẹ lật đất để trồng mai, nhưng lúc đó không có vốn, chỉ trồng theo quán tính nhà nông, không biết chăm sóc. Tuy vậy, nhưng hoa mai ra rất nhiều, bởi lúc đó phù sa nhiều đất tốt trồng khoảng từ 3 đến 5 năm là cắt cành đem đi chợ bán Tết.

Khi đến chợ mở mai ra bán nhiều người quây lại mua, thấy rất vui, có bao nhiêu mai cũng bán hết. Nhưng sau thấy bán mai bình (cắt cành mai bỏ vào bình) không nhiều tiền bằng bán mai gốc  nên ông chia làm hai khu, bên trồng mai nhánh và bên trồng mai gốc. Nhưng do không có kỹ thuật nên thất bại liền 4 năm. Vậy là ông vừa làm vừa đi học kỹ thuật ghép mai, đến năm 2005 thì rành về ghép mai.

Sự nỗ lực của vợ chồng ông đã được đền đáp, ông có nhiều gốc mai lớn đưa vào chậu bán với giá 50 triệu - 70 triệu/cây… Ông bán và cho thuê mai khá nhiều, đời sống gia đình dần được nâng lên. Hiện ông đã có 400 – 500 khách mua, gửi chăm sóc và thuê mai dịp Tết. Tổng thu nhập mỗi năm khoảng 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời 1,5 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ông Phương nhận định, trong 30 năm làm việc cật lực theo nghề trồng mai, nhưng có thu nhập ổn định mới khoảng 15 năm nay. Và ông nghiệm ra rằng: “Làm cái gì cũng phải nỗ lực, nếu bỏ cuộc có nghĩa là thất bại, với lại mình đam mê nghề trồng mai, đây lại là nghề truyền thống của gia đình, và giữ được cái nét văn hoá vùng miền. Lấy đó làm niềm vui”.

Hiện ông có 3 cây mai có tuổi đời khoảng 50 năm với giá bán 600 triệu đồng/cây. Nhưng ông nói, trưng là chủ yếu, khoe làng khoe xóm thế thôi còn tìm được người mua để đạt giấc mơ tỷ phú từ nghề trồng mai là chuyện không đơn giản. Theo đó, dẫu có cực khổ, buôn bán thất thường nhưng nhiều nhà vườn trồng mai tại khu vực TP Hồ Chí Minh vẫn giữ lấy nghề, coi như là giữ lại chút nghề cây kiểng thanh tao giữa cơn lốc thị thành.

Huyền Nga - Nguyễn Cảnh
.
.
.