Xuân trên vùng đất mới Hòa Bắc

Thứ Sáu, 24/01/2020, 14:21
Sắp vào xuân, trên con đường dọc sông Cu Đê ngược lên làng đồng bào dân tộc Cơ tu ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), điểm xuyết trong màu xanh ngút ngàn là những chùm hoa vàng tươi của rừng keo lá tràm. Hai bên đường đi, hoa dại chen nhau khoe sắc trong nắng mới như dự báo Tết Nguyên đán đã cận kề.


Gác lại việc riêng, già làng cùng trai tráng của hai thôn Tà Lang, Giàn Bí cùng đến sửa sang, chăm chút lại ngôi nhà Gươl để chuẩn bị cho lễ hội mừng năm mới và chào đón các vị khách phương xa về thăm bản làng...

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, tặng quà Tết cho người Cơ tu ở Hòa Bắc năm 2019.

Rời đô thị Đà Nẵng theo đường ven biển về Nam Ô, rồi chạy theo con đường nhỏ dọc sông Cu Đê và đường ĐT 601 chừng 30 cây số là đến hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc. Đến đây, dường như tất cả những xô bồ phố thị bỏ lại sau lưng, không gian trước mắt mở ra khoáng đạt, với những người dân chất phác chân tình. 

Mời khách nhấp ly rượu gạo, anh Trần Văn Vân ở thôn Tà Lang kể lại cho chúng tôi nghe về quá trình di cư của dân làng từ xã Tư huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) về xã Hòa Bắc hơn 40 năm trước. 

Vượt qua bao khó khăn, thử thách và phải thêm một lần dời làng nữa, người Cơ tu thôn Tà Lang mới gầy dựng được nhà cửa, ruộng nương, xây dựng cuộc sống no đủ bên cạnh cộng đồng người Cơ tu của thôn Giàn Bí. Còn già làng Bùi Văn Siêng ở thôn Giàn Bí, cũng cởi mở kể về những đổi thay, khởi sắc trong đời sống của đồng bào Cơ tu. 

Chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, cho hay, xã có diện tích rộng hơn 343km2, với hơn 2/3 diện tích là rừng núi. Phía Tây của xã kéo dài đến tận dãy Bạch Mã, giáp xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế; phía Nam kéo dài đến Bà Nà-Núi Chúa giáp huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Hiện xã có 7 thôn, với 1.375 hộ, hơn 4.100 nhân khẩu. Trong đó, Tà Lang và Giàn Bí là hai thôn xa nhất của xã, nơi đây tập trung đồng bào dân tộc Cơ tu với 226 hộ, 750 nhân khẩu. 

Đời sống thay đổi, bản làng đã có diện mạo mới nên tư duy và nhận thức về làm kinh tế của đồng bào Cơ tu cũng thay đổi rất nhiều, theo chiều hướng tích cực. Bà con đã biết chủ động làm kinh tế, đảm bảo cuộc sống gia đình và vươn lên thoát nghèo. Việc tìm kiếm con đường giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu luôn là trăn trở của chính quyền địa phương, trong đó có những cán bộ trẻ được tăng cường về cơ sở. 

Chị Hà tâm sự rằng, chị thường xuyên xuống các thôn bản để tìm hiểu, nắm bắt đời sống và tâm tư, nguyện vọng của người dân để đề xuất cấp trên có chính sách hỗ trợ phù hợp, như hỗ trợ kinh phí ban đầu để sản xuất kinh doanh, bảo lãnh vay vốn ưu đãi để làm kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... 

“Văn hóa, bản sắc của người Cơ tu địa phương cũng là tài nguyên, là nguồn vốn quý. Nếu được khai thác đúng hướng, đây sẽ là một nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chúng tôi bắt đầu khuyến khích người dân bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, bắt đầu từ những việc dễ nhất như khuyến khích các em học sinh nội trú mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Thứ hai hằng tuần, tất cả các học sinh người Cơ tu và giáo viên người Kinh ở trường nội trú đều mặc trang phục thổ cẩm”, chị Hà chia sẻ.

Các chàng trai, cô gái Cơ tu Hòa Bắc hát múa mừng lễ hội.

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Hòa Bắc dành rất nhiều sự quan tâm cũng như có các chính sách hướng tới việc khôi phục, duy trì và nâng tầm giá trị văn hóa của đồng bào Cơ tu tại địa phương. 

Cụ thể, xã đã vận động các nguồn tài trợ và kinh phí từ ngân sách để thuê chuyên gia tư vấn và khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc, mây tre đan; phục dựng nhà Gươl, các điệu nhảy truyền thống, giúp từng bước khôi phục những nét đẹp văn hóa của người Cơ tu đang bị mai một. 

Bước đầu, đã có 20 phụ nữ Cơ tu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí được đào tạo thành thạo nghề dệt may thổ cẩm và làm ra sản phẩm để cung cấp cho các điểm du lịch, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập. Nhiều người Cơ tu cũng quay lại với nghề làm bánh, làm các món ăn đặc sản giới thiệu với đến Hòa Bắc tham quan. 

Với nguồn vốn 300 triệu đồng được chính quyền địa phương “cho mượn”, anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí đã xây dựng một “home stay” đầu tiên của người Cơ tu. “Home stay” này vừa hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 10-2019 và có thể lưu trú được 20 người, là bước đi mạnh dạn của người Cơ tu ở Hòa Bắc trong bước đầu “làm ăn lớn”. 

Kỳ vọng của chị Hà và lãnh đạo Hòa Bắc không dừng lại ở đó mà mong muốn, quyết tâm hình thành được làng du lịch cộng đồng tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí cùng một số điểm du lịch trên địa bàn Hòa Bắc...

Thêm một điều rất đáng ghi nhận là trong cộng đồng người Cơ Tu xã Hòa Bắc đã không còn những tập quán lạc hậu. Bà con chấp hành tốt pháp luật, chung tay, chung sức cùng lực lượng Công an cơ sở giữ gìn thôn, xã bình yên. 

“Nếu như một số bản, làng người Cơ tu ở Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế còn tồn tại hủ tục thách cưới, buộc chàng trai khi muốn cưới vợ vợ thì phải mang đến cho gia đình vợ nhiều sính lễ có giá trị như chêng ché, trâu, bò, heo, trang sức bằng mã não, thổ cẩm và tổ chức tiệc cưới thịnh soạn... Chính vì sự tốn kém này mà khi về sống với nhau, người đàn ông Cơ tu có quan niệm là vợ phải làm mọi công việc của gia đình để “trả nợ hồi môn”, còn người đàn ông thì không phải làm việc gì và có thể suốt ngày rượu chè. 

Còn đối với người Cơ tu ở Hòa Bắc, vợ chồng kết hôn với nhau là tự nguyện và tiến bộ, không có việc thách cưới, đòi của hồi môn. Và khi sống với nhau, vợ chồng đều bình đẳng, đều có trách nhiệm lao động, chăm lo gia đình”, Thượng úy Nguyễn Văn Sen, cán bộ Công an xã Hòa Bắc cho biết. 

Thực hiện đề án đưa Công an chính quy về xã, Công an TP Đà Nẵng đã điều động 10 CBCS về Hòa Bắc thay cho lực lượng bán chuyên trách. Trong số đó, Thượng úy Nguyễn Văn Sen là người dân tộc Cơ tu, từng học tập và lớn lên ngay tại Hòa Bắc, rất hiểu con người và vùng đất này. 

Những CBCS còn lại, bao gồm Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã đều là người từ nơi khác đến và hầu hết đã có gia đình. Mặc dù phải công tác cách nhà từ 30 đến 40 cây số, khi về Hòa Bắc, chuyện chăm sóc cha mẹ và con cái, chuyện đưa đón con đi học đều phải trông cậy vào vợ và người thân, nhưng với tinh thần sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, lực lượng Công an và nhân dân cần đến, CBCS Công an chính quy về Hòa Bắc đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, để lại dấu ấn trong công việc và tình cảm sâu sắc đối với người dân địa phương, trong đó có cộng đồng người dân tộc Cơ tu. 

Các anh đã cùng lực lượng cán bộ trẻ của xã - những người năng động, sáng tạo, có tư duy nhạy bén, góp sức cùng người dân miền núi này làm nên những mùa xuân yên bình, no ấm…

Thân Lai
.
.
.