Tôi đi chở báo phát hành

Thứ Hai, 31/10/2016, 12:44
Có thể nói trong nghề làm báo, từ năm 1982 cho tới khi nghỉ hưu, không biết có bao nhiêu chuyện đời, chuyện nghề ở một tờ báo, lúc đầu chỉ với hơn hai chục người, máy móc thô sơ, khó khăn, thiếu thốn đủ bề… Tôi xin kể lại một chuyện vui để các bạn hiểu thêm phần nào công việc của Ban Thư ký tòa soạn (TKTS), nơi tôi đã làm việc suốt từ khi về Báo CAND đến khi nghỉ hưu.

Hồi đó, cả cơ quan chỉ có chiếc xe Xít-đờ -ca (xe môtô 3 bánh của Liên Xô cũ) dùng để chở báo, đưa đón cán bộ, phóng viên đi làm nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Phán (đã mất) phải kiêm 2 “chức”: Lái chiếc ôtô Uwat (của Liên Xô cũ) đưa lãnh đạo Báo đi họp, công tác và lái chiếc xe 3 bánh đi chở báo về và đưa về giao liên Bộ để phát hành…

Minh họa: Lương Xuân Tý.

Nhà in opset thực hiện in các số báo thời đó do H18 (thuộc Tổng cục Hậu cần CAND) nằm cạnh Học viện ANND, từ Tòa soạn vào nhà in khoảng 8 - 9km, mỗi tuần báo in ra là niềm vui lan ra cả cơ quan, ai cũng muốn cầm “đứa con tinh thần” của mình trên tay trước khi đóng gói phát hành.

Hôm đó, nhận được điện thoại từ nhà in gọi vào nhận báo, cả Tòa soạn nhốn nháo vì không có ai đi chở. Lý do đơn giản, tài xế lái xe đưa lãnh đạo đi công tác xa, anh Ngô Mạnh (đã mất) ở Ban Trị sự thi thoảng cầm lái chiếc xe 3 bánh cũng không có nhà, mọi người gọi tôi lái xe đi chở báo.

Thực tình, công việc ở Tòa soạn thì tôi là họa sỹ, biên chế tại Ban TKTS, thế nhưng, đã là công việc thì ai làm được việc gì thì lao vào làm… cho ra báo, thế thôi. Tuy nhiên, thời điểm đó tôi mới ốm nặng từ TP Hồ Chí Minh ra, vì bị sốt rét ác tính, nhiễm huyết sắc tố, 5 lần thay máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tay tôi còn yếu lắm, thị lực xuống, nên được Tổng Biên tập Trần Liêu yêu cầu nghỉ để bồi bổ, hồi phục sức khỏe.

Nhưng hôm ấy, chỉ có tôi có bằng lái xe 3 bánh ở nhà, nên việc đi chở báo là điều khỏi phải bàn ?! Thế là tôi nhận nhiệm vụ, đổ xăng, nổ máy phi vào nhà in…

Xếp báo lên thùng xe (bên bánh thuyền), tôi mới giật mình vì chồng báo cao quá, phải xin dây chằng buộc cho kỹ càng. Tôi biết, các vật dụng cho lên xe cơ giới là phải thật vững chắc, bởi khi vận chuyển, đường sá lúc đó là nỗi ám ảnh của xe cộ, rất dễ xảy ra mất an toàn. Đã vậy, đoạn phố Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng (từ Ngã Tư Sở về đến ngã tư Ô Chợ Dừa) đang mở rộng làm lại nên đất, đá, cống nước… ngổn ngang.

Lúc đi vào nhà in, tôi đã phải đánh vật với nó đến ướt đầm lưng áo, nay quay ra, xe có tải thì càng khó khăn hơn. Đang chạy xe, bỗng nhiên tôi phanh đứng cả người lên mà nó không có ý định nghe theo. Hóa ra, khi có tải, tôi mới biết, chiếc xe đã mất phanh do quán tính không thể dừng ngay được.

Phía trước là đoạn đường đang sửa, ôtô bò từng mét, xóc nghiêng ngả, ga rú lên, khói xì từng đám. Bí quá, tôi đánh lái lao vào đống đá xanh cạnh đường. Tuy nhiên, thời đó xe 3 bánh chưa có số lùi như bây giờ nên phải ghé thật khéo để xe dừng lại được mà vẫn còn bò ra đi tiếp, nếu dừng xe lại để sửa phanh thì chẳng khác nào vật cản cả dòng người, xe cộ đang chen lấn ngược xuôi. Nhưng cứ chạy thì làm sao đây, khi phải phanh xe nếu không, xe lao vào người, phương tiện tham gia giao thông?

Tay phải vừa ga vừa bẻ lái phối hợp tay trái vê côn mỏi nhừ, không nhanh tay là xe chết máy, phải xuống khởi động lại, mỗi lần đạp nổ tưởng rách cả dép. Rất may, một chiếc xe công nông đầu ngang chở đầy gạch nổ phành phạch chạy từ phía đường Thái Hà lao ra chạy phía trước xe tôi (thời đó chưa cấm xe công nông), người lái xe tỏ ra rất tử tế, anh ta vẫy tay ra hiệu cho tôi đi trước, nhưng tôi ra hiệu cho anh ta cứ đi đi, tôi theo sau.

Thế là, cứ có vật cản là tôi đứng lên phanh và cho chiếc đầu thuyền xe đâm vào chiếc thùng chở gạch của xe anh ta để dừng lại, bị “huých” mấy phát, anh ta dừng hẳn xe, chạy lại bảo tôi vượt lên đi trước, tôi “khiêm tốn” xin nhường anh ta đi trước vì xe của chú khỏe (?!)… Thế nhưng, về đến Ô Chợ Dừa, anh ta rẽ phải chạy về phố Khâm Thiên, thế là tôi “mất phanh” thật sự.

Chỉ còn hơn 1km nữa là về đến Tòa soạn (phố Hồ Giám bây giờ), đành phải chạy số 1 là số thấp nhất để bảo đảm an toàn, tốc độ chậm hơn cả xe đạp. Khi về đến cơ quan, anh em chạy ra cổng đón mừng, hộ tôi đẩy chiếc xe nặng lặc lè vào sân. Lúc này mọi người mới cảm nhận được hơi nóng từ máy xe phả ra cùng mùi khét bốc lên vì xe chạy ép số.

Mấy chị ở Ban Trị sự, các phóng viên có mặt ở cơ quan thi nhau bê báo vào phòng phát hành để đóng gói, kịp chuyển ngay cho giao liên để chuyển về các đơn vị địa phương. Tôi hiểu, chỉ cần chậm một ngày, là các đơn vị, địa phương đang “khát” báo có khi muộn cả tuần, thậm chí cả tháng mới được đọc báo. 

Báo đen báo đỏ

Sau một thời gian dài lưu hành nội bộ, tháng 10-1988, Báo Công an nhân dân được phép phát hành ra thị trường. Số báo công khai đầu tiên được chọn phát hành vào ngày 4-10-1988. Măng sét Công an nhân dân in màu đỏ cờ, tươi sáng, mạnh mẽ. Tại thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Hoàng Kiên - Phó Tổng biên tập được phân công trực tiếp chỉ đạo việc in và phát hành.

Tờ mờ sáng 4-10, hơn 20 ngàn tờ báo CAND số 1 chỉ sau 30 phút được phát hết. Tiếng trẻ rao báo vang khắp phố.

8h cùng ngày, anh em CQĐD cùng đồng chí Phó Tổng biên tập Hoàng Kiên đang tổng kết rút kinh nghiệm phát hành số đầu tiên thì chú Hai Tiền (đồng chí Lê Tiền, sau này là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, AHLLVTND) bước vào. Chú Hai nói ngay: “Các đồng chí không theo dõi thời sự à, Tổng Bí thư Trường Chinh mất, hôm nay là Quốc tang, báo CAND sao lại in măng sét đỏ chói thế này?...”.

Chúng tôi giật mình nhận ra sai sót. Tuy nhiên, báo đã phát hành hết khó mà thu hồi được. Chúng tôi lập tức báo với đồng chí Tổng Biên tập khắc phục bằng cách in thêm một ngàn tờ báo với măng sét màu đen.

Thời điểm đó báo còn sắp chữ chì, in máy đặt tay , cọc cạch cả đêm mới được mấy trăm tờ sáng sớm hôm sau chuyển cho lãnh đạo Bộ. Và in tiếp đưa ra thị trường. Các chú bán báo dạo thắc mắc cùng là số 1 báo CAND sao tờ có măng sét màu đỏ, tờ có măng sét màu đen.

Đó là một bài học cho ngày đầu phát hành công khai.

K.T.

Lương Xuân Tý
.
.
.