"Toát mồ hôi" chuyến vào bản vận động đối tượng truy nã ra đầu thú

Thứ Hai, 31/10/2016, 11:03
Mờ sáng một ngày chớm đông, tôi và Đại tá Nguyễn Thái, Trưởng ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ Báo CAND (hiện đã nghỉ hưu) cùng nhà báo Thu Uyên có mặt ở cao nguyên Mộc Châu đã theo chân Tổ công tác đặc biệt 135 đến từng gia đình các đối tượng có lệnh truy nã liên quan đến tội mua bán, vận chuyển ma túy để vận động họ ra đầu thú. Chuyến đi này không chỉ gian nan, vất vả phải cuốc bộ vào bản, mà còn chứa đựng sự hiểm nguy...

Nhìn từ xa, những bản làng của người Mông nằm lúp xúp xen kẽ trên những quả đồi giữa rừng mận, rừng đào bắt đầu hé những búp hoa nhỏ xinh. Thế nhưng, ẩn sâu trong vẻ bình yên ấy lại là một hiện thực nhức nhối về nạn buôn bán ma túy. Lóng Luông cùng với Vân Hồ là 2 xã từ lâu là điểm nóng về ma túy của  Sơn La.

Chúng tôi đi cùng với Tổ công tác 135, dẫn đầu là Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (thời điểm đó là Đại tá) nên cũng có phần nào yên tâm hơn khi tay không vào bản. Tổ công tác 135 được thành lập với sự phối hợp của lực lượng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) và các lực lượng Công an tỉnh Sơn La.

Đoàn công tác chụp ảnh với đối tượng truy nã ra đầu thú và bà con dân bản tại bản Co Tang.

Họ được giao thực hiện một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, tham gia chiến dịch ra quân truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã mua bán trái phép chất ma túy ở điểm được coi là rốn ma túy Lóng Luông, Vân Hồ, trong đó có việc tích cực vận động số đối tượng này ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật theo Thông tư liên ngành số 71 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao.

Kế hoạch được rốt ráo triển khai trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và trực tiếp chỉ đạo tại địa bàn của đồng chí Cục trưởng C52 và Giám đốc Công an tỉnh Sơn La.

Đường vào bản Co Tang, nơi có nhà Sồng A Giàng (đối tượng mang hai lệnh truy nã đặc biệt của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an và Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, về tội mua bán trái phép chất ma túy) ngoằn ngoèo, khúc khuỷu đầy đá sỏi trơn trượt.

Thấy chúng tôi đeo ba lô lỉnh kỉnh vừa máy tính, vừa máy ảnh, khoác chiếc áo to xù chống cái lạnh buốt của cao nguyên Mộc Châu, Thượng tá Dương Đình Lập, lúc đó là cán bộ Cục C52, tăng cường về "cắm bản" vừa đi, vừa hướng dẫn chúng tôi cách tránh chỗ trơn cho khỏi ngã.

Anh cho biết, dân bản đã truyền tin có Công an vào nhà Giàng, họ đã tập trung đứng hết ở đầu bản. Trên đường vào bản, chúng tôi đếm sơ sơ cũng có mấy nhà xây cổng kiểu Tây, hiện đại như dưới xuôi, trong sân có ôtô đậu sẵn. Dọc đường đi hầu như chỉ gặp toàn đàn bà, con gái và trẻ con, nhiều người giắt túi chiếc điện thoại di động đắt tiền.

Thấp thoáng trên núi, chúng tôi thấy có bóng người đang cầm súng như kiểu súng săn tự chế. Không loại trừ việc chúng tôi có thể đang trong tầm ngắm của những ống nhòm di động từ trên đỉnh núi. Hỏi gì mấy chị phụ nữ cũng lắc đầu bảo "chi pâu"  - không biết. Các trinh sát kể chuyện, nhìn vẻ ngoài bản có bình yên thế, nhưng nếu không có sự bền chí, tinh thông nghiệp vụ, vượt qua gian khổ thì Tổ công tác đặc biệt đã không bảo toàn được lực lượng cho đến ngày hôm nay.

Khi đoàn đến, cả gia đình Sồng A Giàng đều có mặt ở nhà, thân tình đón tiếp đoàn chúng tôi. Tuyệt nhiên không thấy cảnh “cắm lá xanh” đầu nhà để cấm người lạ vào nhà. Ngồi nép vào một góc, gương mặt của Sồng A Giàng có phần hốc hác sau hơn 3 năm trốn chui, lủi trong rừng.

Tác giả (thứ 3 từ trái qua) thăm nơi ở của Tổ công tác đặc biệt 135.

Qua câu chuyện Giàng kể cho thấy, cuộc trốn chạy của Giàng đã từng được sự hậu thuẫn đắc lực của một số người thân trong gia đình và cả một số bà con trong bản. Đêm đến, chỉ cần nghe tiếng chó sủa, tiếng động lạ là Giàng bật dậy chạy thục mạng. Nhưng bây giờ thì đã nhẹ lòng hơn rồi.

Được các cán bộ Công an, đặc biệt là Trưởng Công an xã Sồng A Thào và người cậu là Giàng A Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Luông vận động, giải thích cho cả nhà Giàng hiểu về tội lỗi của mình, hiểu về chính sách khoan hồng, nên chính người em trai là Sồng A Phềnh đã tình nguyện làm cầu nối, “phát tin” để kêu gọi Giàng về đầu thú.

Trong suốt câu chuyện với Sồng A Giàng, nhiều người nhà và bà con hàng xóm ngồi im lặng, chăm chú lắng nghe. Được biết, có 31 đối tượng truy nã tại Lóng Luông thì bản Co Tang này đã có tới 10. Trước đó, nhiều đối tượng rất ngoan cố thì nay họ dần hiểu ra thiện chí của cán bộ Công an làm nhiệm vụ. Không ai nói ra nhưng chúng tôi lờ mờ đoán được họ đang nghe ngóng động tĩnh để đối phó nếu "có biến" với Giàng.

Trong lòng tôi không khỏi lo lắng với các ý nghĩ, không may có chuyện chống đối của những đối tượng quá khích tại nhà Giàng thì gay to, bởi vào nhà Giàng chỉ có một con đường độc đạo; cả đoàn công tác hình như ai cũng đi tay không, chả mang súng ống gì cả... thì dường như Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh và Tổ công tác lại có vẻ rất điềm tĩnh, uống trà, nói chuyện, hỏi han Giàng rất chân tình.

Sau này chúng tôi mới biết, việc vào tận nhà đối tượng vận động đầu thú là rất nguy hiểm nhưng kế hoạch ứng phó nếu có tình huống xấu, đột xuất xảy ra đều đã được các đơn vị nghiệp vụ tính toán kỹ.

Có điều, ở cuộc vận động này, các anh đã thể hiện tính nhân văn, đặt lòng tin vào chính quyền, nhân dân và cả lời hứa của đối tượng Giàng là sẽ không trốn nữa, mà sẽ làm cầu nối, tiếp tục vận động các đối tượng truy nã khác ra đầu thú theo. Các trinh sát đã lấy nhân tâm thu phục lòng người nên mọi chuyện ở nhà Giàng diễn ra đều êm xuôi.

Chuyến đi này, phóng viên chúng tôi đã có dịp trực tiếp trò chuyện với đối tượng truy nã , nghe họ trải lòng về thân phận cuộc đời, những lỗi lầm, mong muốn được hưởng chính sách khoan hồng, có cơ hội làm lại cuộc đời với niềm tin vào tương lai khi đã ra đầu thú.

Và điều mà những phóng viên như chúng tôi trước kia chưa từng nghĩ là sẽ ngồi đối mặt với đối tượng buôn bán ma túy nguy hiểm trong chính ngôi nhà của họ và được họ cùng người nhà đón tiếp thân thiện, lại còn khai thác được nhiều tư liệu về những người vận động đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú, cũng như hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đối tượng truy nã để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn trong xã hội.

Thậm chí, cả đối tượng truy nã cũng tự nguyện cho chúng tôi chụp ảnh họ và gia đình cùng đoàn công tác ngay hiên nhà, bên những cây đào đang khoe sắc chuẩn bị đón xuân về.

Cũng trong chuyến đi thực tế này, chúng tôi có dịp trải nghiệm cái lạnh của cao nguyên, nằm co ro trên những chiếc giường tầng được lắp ghép dành cho 20 cán bộ, chiến sĩ của Tổ công tác 135 tại trụ sở mượn tạm của Trạm Kiểm lâm xã Lóng Luông. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ở một địa bàn hết sức đặc thù và phức tạp, các đối tượng có lệnh truy nã đều là người Mông, các anh đã chọn phương án khó, tiếp cận đồng bào một cách tự nhiên nhất, lấy vận động, thuyết phục, chứ không trấn áp, truy bắt, dù phương án ấy rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Chúng tôi - những phóng viên đã có những ngày “ba cùng” với Công an “cắm bản”, phần nào hiểu về những trăn trở, những khó khăn và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh nhân dân vào cuộc để đem lại bình yên cho vùng cao nguyên Mộc Châu.

Sau chuyến thực tế này, loạt bài viết của tác giả Anh Hiếu -Thu Uyên về câu chuyện lấy nhân tâm thu phục lòng người của những người lính "tầm nã" đã được giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc". Chuyến đi, với tôi là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình.

Điều mà những phóng viên như chúng tôi trước kia chưa từng nghĩ  sẽ ngồi đối mặt với đối tượng buôn bán ma túy nguy hiểm và được họ cùng người nhà đón tiếp thân thiện.
Anh Hiếu
.
.
.