Phó trưởng công an xã Tiêu Sơn (Huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) được công nhận liệt sỹ sau 12 năm hy sinh:

Tổ quốc ghi nhận chiến công anh

Thứ Năm, 08/09/2011, 10:35
Trước khi anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT  tại địa phương, đảng viên, liệt sỹ Nguyễn Trọng Lập đã có một thời gian dài công tác trong Quân đội, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam-Lào. Sau đó, do mất 61% sức khỏe nên Thượng úy Lập được về nghỉ mất sức và tham gia công tác tại Công an xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Vào một đêm cuối năm 1999, khi đang làm nhiệm vụ, đồng chí Lập đã bị đối tượng côn đồ dùng súng bắn thẳng vào người. Dù được đồng đội và nhân dân đưa tới bệnh viện ngay, nhưng do vết thương quá nặng nên đồng chí Lập đã tử vong. 12 năm sau, đồng chí Lập đã được công nhận liệt sỹ.

Mới đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đoan Hùng đã trang trọng tổ chức buổi lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Nguyễn Trọng Lập, Phó trưởng Công an xã Tiêu Sơn với sự tham dự của đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đoan Hùng cùng các ban, ngành, đoàn thể của huyện, Công an 28 xã, thị trấn trong huyện và nhân dân xã Tiêu Sơn.

Sau 12 năm kể từ ngày đồng chí Lập hy sinh, nhưng mỗi khi nhắc tới chồng, chị Vũ Thị Việt (vợ đồng chí Lập) lại khóc mãi. Đồng chí Lập hy sinh để lại người vợ góa và ba đứa con thơ dại. Kinh tế gia đình khó khăn, một mình chị Việt phải rất nỗ lực để nuôi các con ăn, học.

Tuy nhiên sau nhiều năm vượt khó, mẹ con chị Việt cũng từng bước ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng là đến nay, cả ba người con của đồng chí Lập đều đã trưởng thành, trong đó có hai người con gái nối nghiệp cha. Người con đầu là cháu Nguyễn Trung Kiên, 28 tuổi, đảng viên, Bí thư Chi đoàn thôn 13, xã Tiêu Sơn. Cháu thứ hai là Nguyễn Thị Hồng, 24 tuổi, đảng viên, công tác tại Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Khánh Hòa. Cháu út là Nguyễn Thị Thu Thảo, 22 tuổi, công tác tại Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Khánh Hòa.

Trở lại quá trình công tác của đồng chí Lập, năm 1986, khi đang công tác tại Phòng Chính trị, Sư đoàn 348, Quân khu 4, do sức khỏe suy giảm nên Thượng úy Nguyễn Trọng Lập được xuất ngũ về nghỉ hưởng chế độ bệnh binh hạng 2.

Dẫu sức khỏe suy giảm nhưng với tinh thần của đảng viên, tinh thần người chiến sỹ nên đồng chí Lập vẫn nhiệt tình tham gia các mặt công tác của địa phương. Năm 1988, đồng chí Lập được giao nhiệm vụ làm Công an viên, rồi được cử làm Phó trưởng Công an xã Tiêu Sơn.

Vào khoảng 21h ngày 25/12/1999, khi đồng chí Lập vừa buông màn cho vợ con đi ngủ thì có người đến đập cửa bảo: “ở nhà anh Giáp có một đối tượng cầm súng đứng cổng, anh xuống giải quyết ngay”.

Nghe tin báo, đồng chí Lập vội ra đi mà chẳng kịp nói với vợ con lời nào. 30 phút sau kể từ khi đồng chí Lập ra khỏi nhà thì có tiếng súng nổ. Linh tính báo có điều chẳng lành, chị Việt mở cửa lao về hướng vừa có tiếng súng thì thấy mọi người chạy đến báo: “Anh Lập bị bắn rồi”. Chị Lập cùng đồng đội của đồng chí và người dân khu vực vội đưa anh Lập lên Bệnh viện Đoan Hùng cấp cứu, rồi theo xe xuống Bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Nhưng xe vừa tới TP Việt Trì thì anh Lập đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay vợ…

Cùng chúng tôi tới thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Trọng Lập, Thượng tá Đào Văn Thiện, Phó trưởng Công an huyện Đoan Hùng cho biết, trong quá trình công tác, đồng chí Lập có nhiều thành tích trong việc giữ vững tình hình ANTT khu vực, góp phần quan trọng vào việc giữ bình yên xóm, làng.

Đồng chí Lập đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau lễ truy điệu, hài cốt của liệt sỹ Lập được di từ Nghĩa trang nhân dân về Nghĩa trang liệt sỹ địa phương. Sau 12 năm chờ đợi, cuối cùng liệt sỹ Nguyễn Trọng Lập đã được công nhận chính danh. Đây không chỉ là sự ghi nhận chiến công của anh mà còn làm cho người thân trong gia đình anh hạnh phúc và tự hào

Nguyễn Hưng
.
.
.