Tổ ấm cho những mảnh đời bất hạnh

Thứ Năm, 17/01/2008, 17:28
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1996, hơn mười năm qua, Trung tâm đã trở thành tổ ấm cho những mảnh đời bất hạnh...

Già mà không buồn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Xuân Thiều, Giám đốc Trung tâm chia sẻ câu chuyện vui về 3 chị em ruột là Trần Thị Thắm (14 tuổi), Trần Văn Ngọc (12 tuổi) và Trần Thị Lan (10 tuổi).

Ba chị em vào trung tâm được hơn 4 năm. Quê các em ở một xã nghèo thuộc huyện Vĩnh Tường. Bố mẹ đều mất khi Thắm mới 4 tuổi, hai em Thắm còn quá nhỏ. Không họ hàng, các em phải sống cùng bà nội già cả, mắt kém. Bốn bà cháu sống lay lắt qua ngày, không biết trông cậy vào ai.

Sáu tuổi, nhìn các bạn cắp sách đến trường, trong Thắm bùng lên khát khao được tung tăng cắp sách đến trường nhưng đó chỉ là ước mơ bởi nhà em nghèo quá. Gánh nặng lo toan cho gia đình dồn cả lên đôi vai nhỏ bé của Thắm. Em vừa phải chăm bà, vừa lo cho cả hai em.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thắm, Trung tâm đã nhận nuôi dưỡng cả ba chị em. Vào Trung tâm, ba chị em đều học chung một lớp. Chị bảo ban em học hành. Không phụ công mong đợi của các cô, các chú Trung tâm, năm nay, chị em Thắm đều đạt thành tích cao trong học tập. Thắm đã đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi của huyện Tam Dương. Câu chuyện về ba chị em Thắm vẫn được các cô bảo mẫu tại trung tâm kể cho các em nhỏ nghe để làm gương.

Trung tâm có 4 dãy nhà dành cho các cụ già không nơi nương tựa, các em nhỏ mồ côi, người thiểu năng trí tuệ và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Tất cả đều được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp.

Đến dãy nhà dành cho các cụ già cô đơn, chúng tôi gặp cụ Khuất Văn Kiệm năm nay đã 75 tuổi. Thật bất ngờ, mặc dù năm nay đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cụ vẫn minh mẫn và yêu đời.

Điều đặc biệt, cụ còn làm thơ. Nếu được đọc thơ, được nhìn thấy chữ của cụ Kiệm, nhiều người sẽ không tin vào mắt mình bởi chữ cụ viết đẹp và rất rõ ràng, lời thơ vui tươi: "Xuân về trên đất trung tâm, Ngàn hoa đua nở ngang tầm mắt ta…".

Ngay bên cạnh phòng cụ Kiệm là cụ Bao. Cụ Bao quê ở Vĩnh Tường, năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi. Vợ mất sớm, không có con. Trước khi vào Trung tâm, cụ sống nhờ hàng xóm, nay ở nhà này, mai ở nhờ nhà khác.

Cụ tâm sự với chúng tôi: "Năm nay, tôi sẽ ở lại Trung tâm ăn Tết. ở đây vui lắm. Cán bộ tận tình, chu đáo. Đau ốm có thuốc…". Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của những cụ ông, cụ bà tại trung tâm.

Coi là tổ ấm

Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đang nuôi dưỡng 146 người, trong đó người già cô đơn độc thân là 38 người, người tàn tật là 35 người, trẻ mồ côi là 62 người. Riêng trong năm 2007, Trung tâm đã tiếp nhận 92 người.

Đặc biệt, năm 2007 là năm đầu tiên Trung tâm áp dụng việc chuyển các cháu học hết bậc trung học phổ thông cơ sở không có khả năng nhưng nguyện vọng học cao hơn sang hệ bổ túc văn hoá nghề để khi các cháu ra trường vẫn có cơ hội thử sức thi vào đại học, đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ hơn.

Ngoài việc học văn hoá ở trường, Trung tâm còn tổ chức cho các cháu tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, dạy nghề nấu ăn, đan chiếu trúc, đính hạt cườm… 

Ông Lê Xuân Thiều - Giám đốc Trung tâm tâm sự: Trung tâm luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả những số phận không may mắn. Được gần gũi, chia sẻ những khó khăn, mất mát với các cụ, các em càng khiến cho các cán bộ Trung tâm thấu hiểu những khó khăn, gắn bó với mọi người.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ luôn là mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh. Hình ảnh những em nhỏ quây quần quanh các cụ già nghe kể chuyện khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi chia tay Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

Nguyễn Hương
.
.
.