Tình nguyện viên quốc tế: Đi ngàn dặm làm việc nghĩa

Thứ Ba, 20/02/2007, 09:07
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1989, thoạt đầu Tổ chức phẫu thuật nụ cười chỉ là một nhóm nhỏ các bác sĩ tình nguyện người Mỹ với số lượng bệnh nhân ít ỏi, 150 em nhỏ. Hiện nay OS Việt Nam đã phát triển thành một quỹ nhân đạo lớn mạnh, có nhiều hoạt động tích cực…

Đây đã là lần thứ 4, Tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam-OS Việt Nam) lại tiến hành những ca phẫu thuật miễn phí giúp đỡ trẻ em tại nước bạn Lào, song hành cùng hàng loạt chương trình vẫn đang được thực hiện tại Việt Nam.

Trong chuyến đi lần này, toàn bộ các chuyên gia phẫu thuật đều đến từ Viện Răng-Hàm-Mặt Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần thứ 2 OS Việt Nam quay lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Champasak, trung tâm của khu vực Hạ Lào, nơi các bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Attopeu, Savannakhet, Sekong và Salavan cũng có thể tập trung đến và được phẫu thuật miễn phí.

Theo như quy định của OS Việt Nam, tất cả các tình nguyện viên tham gia đoàn đều phải tự túc chi phí đi lại, coi như đó là sự ủng hộ tất nhiên của mỗi thành viên cho chương trình nhân đạo.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1989, thoạt đầu chỉ là một nhóm nhỏ các bác sĩ tình nguyện người Mỹ với số lượng bệnh nhân được phẫu thuật dừng ở con số 150 em nhỏ, hiện nay OS Việt Nam đã phát triển thành một quỹ nhân đạo đủ năng lực để điều hành nhiều hoạt động quốc tế, khám và chữa bệnh miễn phí cho các trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, hở vòm miệng bẩm sinh và các dị tật đặc biệt khác thuộc vùng hàm mặt.

Ông Collin MacFarlane tặng quà cho các cháu nhỏ được phẫu thuật.

Trong nhiều năm qua, OS Việt Nam đã hợp tác với nhiều cơ quan chức năng Việt Nam và Bộ Y tế để phẫu thuật tái tạo khuôn mặt cho hàng ngàn trẻ em tật nguyền Việt Nam trên 14 tỉnh thành, với khoảng 3.000-4.000 ca mỗi năm.

Vào tháng 6/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 15 tới ngày 24 đã đến thăm và trao kỷ niệm chương cho Tổ chức Operation Smile tại Capital Hill Club, Washington DC, vì những đóng góp của tổ chức này đối với các trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam.

Ngày làm việc đầu tiên của đoàn tại Bệnh viện Đa khoa Champasak là khám tổng quan và phân loại bệnh nhân. Ngay từ sớm, hàng trăm người đã vây kín khu sảnh tầng 2, bao gồm những em bé bị dị tật bẩm sinh, chủ yếu là sứt môi và hở hàm ếch, vài tháng tuổi có, vài tuổi cũng có, ở độ tuổi trưởng thành cũng có, với đủ các hình dạng dị tật...

Em nào còn nhỏ thì hồn nhiên chơi đùa, những em lớn hơn đã thoáng chút mặc cảm, cứ nghiêng mặt tránh khi có người nhìn mình. Chỉ có người nhà đi cùng các em là niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt, những ánh mắt cứ lấp lánh đợi chờ và hy vọng.

Tiến sĩ Buonthanh Phaytanavanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế của Bệnh viện Champasak, cho biết hầu hết họ đều là những người dân nghèo, thậm chí rất nghèo, chủ yếu đến từ những vùng sâu vùng xa, những bản làng người dân tộc thuộc khu Hạ Lào.

Đối với họ, khả năng tự chi phí một ca phẫu thuật cho con em mình là điều không thể, và những đợt phẫu thuật như thế này là cơ hội miễn phí có thể làm thay đổi cả tương lai của con cái họ.

Gần 200 người bệnh được khám tổng quan chỉ trong ngày đầu tiên đã vắt kiệt sức tôi với đủ loại công việc của một tình nguyện viên... Những người phụ nữ dân tộc, chân vẫn đi đất, không ký nổi tên mình mà phải điểm chỉ, trên vai toòng teeng mỗi một giỏ xôi be bé mà các chị y tá ở Bệnh viện Champasak cho biết đó là lương thực của cả 2 mẹ con trong suốt cả một ngày trời, hân hoan và xúc động khi biết con mình may mắn đạt đủ các điều kiện được phẫu thuật, cứ líu ríu chắp tay nói: "Kạp chai lai lai" (cảm ơn nhiều).

Kết thúc ngày khám, 134 bệnh nhân đã được gút lại trong danh sách phẫu thuật. Theo sự sắp xếp của đoàn, trong những ngày phẫu thuật, tôi được phân về phòng hậu phẫu với nhiệm vụ trợ giúp 1 bác sĩ và 2 y tá, cùng với các y tá của Bệnh viện Champasak chăm sóc các bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

TS Lâm Hoài Phương kiểm tra vết mổ sau khi tháo băng.

Sáng sớm ngày phẫu thuật đầu tiên, sau khi cùng các tình nguyện viên khác hoàn tất công việc chuẩn bị hậu cần cho kíp mổ, tôi được trao một bộ quần áo phẫu thuật, khẩu trang, mũ trùm đầu, dép sạch... và bước vào khu vực cách ly. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết thế nào là phòng thay quần áo của bác sĩ phẫu thuật, bộ bàn chải và xà bông tẩy trùng, bồn rửa tay điều chỉnh vòi nước bằng... đầu gối (tránh tiếp xúc với tay để đảm bảo vô trùng).

Cũng là lần đầu tiên tôi được xem một chu trình gây mê hoàn chỉnh và tận mắt chứng kiến quá trình phẫu thuật. Ngay sau khi bệnh nhân đầu tiên được chuyển sang phòng hậu phẫu, guồng máy bận rộn của các bác sĩ, y tá và tình nguyện viên bắt đầu khởi động!

Nhiệm vụ của tôi lúc này là giúp bác sĩ treo bình truyền của bệnh nhân lên cột, điều chỉnh mức truyền dịch theo thể trạng và mức độ gây mê, nếu bệnh nhân lớn tuổi thì lấy dây cột chân và tay vào thành giường để tránh khi tỉnh dậy bệnh nhân sẽ giãy giụa vì đau... Khi bệnh nhân đã tỉnh thì giữ bệnh nhân để bác sĩ và y tá hút dịch trong khoang miệng, chọn ống hút theo kích cỡ bác sĩ yêu cầu...

Sau khi bệnh nhân đã tỉnh thuốc mê hoàn toàn, công việc của tình nguyện viên giúp y tá đưa bệnh nhân ra khỏi phòng hậu phẫu, chuyển xuống bàn giao cho các y tá và người nhà bệnh nhân chăm sóc. Nếu bệnh nhân còn nhỏ, các bác sĩ và y tá phải bế trên tay, nếu bệnh nhân lớn thì đẩy bằng băng ca hoặc xe đẩy.

Công việc này không đơn giản, vì chỉ cần một chút sơ sểnh, bệnh nhân sẽ vùng vẫy khiến cho dây truyền dịch bị rơi, hoặc đưa tay lên cào khiến cho vết mổ bung ra... Đưa bệnh nhân đến phòng chăm sóc, chúng tôi còn phải hướng dẫn các bà mẹ cách bế con như thế nào để đứa bé không bị ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.

Liên tục 3 ngày liên tiếp, trung bình mỗi ngày đội ngũ bác sĩ phẫu thuật cho hơn 40 bệnh nhân, và cũng là chừng đấy ngày từ sáng đến chiều tối tôi chạy như con thoi trong phòng hậu phẫu, từ phòng hậu phẫu sang phòng bệnh nhân...

Cứ đến chừng 5h chiều là người mệt lả, chân cứng lại không bước nổi vì mỏi, vai mỏi nhừ vì lúc nào cũng gồng lên giữ chân tay bệnh nhân, đầu căng cứng vì tiếng khóc và mùi thuốc sát trùng... nhưng đó cũng chừng ấy ngày trước khi trút nốt sức lực cuối cùng lê về khách sạn, tôi lại được đảo qua một vòng xem lại lần cuối những bệnh nhân nhỏ tuổi đã được phẫu thuật, nằm ngủ thiêm thiếp trong vòng tay và nụ cười rạng rỡ của cha mẹ.

Những tấm lòng vàng

Khó có ai ngờ, ở độ tuổi 78, PGS.TS Lâm Ngọc Ấn vẫn còn dư sức bươn bả cùng lớp trẻ từ sáng sớm đến tận chiều tối ở bệnh viện. Gần như tất thảy mọi bác sĩ trong đoàn đều trìu mến gọi ông bằng tiếng "thầy" bởi PGS.TS Lâm Ngọc Ấn đã từng đảm nhận công tác giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh, từng đảm nhiệm chức Viện phó Viện Răng-Hàm-Mặt TP Hồ Chí Minh và hầu hết những bác sĩ chính trong đoàn phẫu thuật lần này đều đã từng một thời là học trò của ông.

Điều thú vị là TS Lâm Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó trưởng bộ môn phẫu thuật hàm-mặt Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn bác sĩ phẫu thuật tình nguyện trong chuyến đi này lại chính là con gái của thầy Ấn. Chị Vũ Thị Vân Anh, phụ trách chương trình, đánh giá rất cao sự giúp đỡ nhiệt tình và tận tâm, sự gắn bó ngay từ những ngày đầu của các thế hệ trong gia đình thầy Lâm Ngọc Ấn đối với các hoạt động nhân đạo của OS Việt Nam.

Chị khẳng định, để OS Việt Nam có thể đưa được sự ủng hộ của các nhà tài trợ tới từng trẻ em thiệt thòi ở từng địa phương tại miền Nam thuận lợi và rộng khắp như hiện nay, công lao của Viện Răng-Hàm-Mặt thành phố Hồ Chí Minh nói chung và của gia đình thầy Lâm Ngọc Ấn nói riêng là vô cùng lớn.

Theo như lời bác sĩ Đặng Duy Hiếu, trước khi hợp tác với tổ chức OS Việt Nam, Viện Răng-Hàm-Mặt thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tự đứng ra tổ chức những chuyến đi phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em ở các tỉnh phía Nam từ rất lâu rồi. Tuy quy mô không lớn, nhưng với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và tấm lòng chia sẻ của các bác sĩ trong Viện, đây đã trở thành một hoạt động mang tính truyền thống.     

Tôi và ông Colin MacFarlane hẹn gặp nhau dùng bữa tối trên sân thượng khách sạn Pakse sau khi cùng tiễn đoàn tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ trở về Việt Nam. Là người đứng đầu quỹ The Glencoe Foundation và chương trình Operation Cleft, người đàn ông Australia đã quá lục tuần này cho biết trong năm vừa qua, quỹ của ông đã tài trợ cho khá nhiều chương trình nhân đạo ở Việt Nam và Lào, với số tiền lên tới 350.000 USD.

Riêng chương trình phẫu thuật tại Lào lần này, số tiền tài trợ từ chương trình Operation Cleft là 15.000 USD. Chương trình Operation Cleft ra đời vào tháng 11/2005, tập trung hướng tới các hoạt động phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch cho những người kém may mắn ở Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam.

Song song với chương trình Operation Cleft gắn bó cùng OS Việt Nam từ gần 2 năm nay, quỹ Glencoe Foundation còn tài trợ khá nhiều cho các chương trình dành cho sinh viên đại học của OS Việt Nam.

Không khí trong bữa tối đang vui vẻ bỗng chùng hẳn xuống khi ông Colin bật chiếc máy tính xách tay ra và cho tôi xem tấm ảnh một bệnh nhân, và ông giải thích vì trường hợp này mà ông đã phải ở lại Pakse thêm 1 ngày để giải quyết cho xong công việc.

Đó là tấm ảnh một người phụ nữ bị biến dạng miệng kéo ngang đến tận má, hai bên da bị kéo lên cao hở cả lợi và hai hàm răng lởm chởm. Đây là một ca khá nặng, đòi hỏi quá trình phẫu thuật kéo dài và một chế độ chăm sóc sau khi mổ khá kỹ lưỡng và nghiêm ngặt.

Chính vì vậy, sau khi hội ý, các bác sĩ trong đoàn phẫu thuật quyết định để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và sự thành công của ca phẫu thuật, bệnh nhân này sẽ được đưa sang Viện Răng-Hàm-Mặt thành phố Hồ Chí Minh. Và thế là ông Colin đã ở lại để hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ và chi phí, còn Tiến sĩ Buonthanh Phaytanavanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế của Bệnh viện Champasak, sẽ đích thân đưa bệnh nhân này sang Việt Nam bằng đường bộ.

Những ngày sát cánh cùng đội ngũ bác sĩ, y tá tình nguyện cũng là những ngày những cử chỉ, những lời nói, những cách hành xử của họ luôn đọng lại trong tôi những ấn tượng vô cùng tốt đẹp. Đó là hình ảnh bác sĩ Trần Công Chánh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh bận rộn mệt nhọc đến thế nào, dù triền miên trong những ca phẫu thuật cho đến cuối ngày, vẫn luôn lịch lãm, ân cần và dịu dàng trong từng lời nói với bệnh nhân và đồng nghiệp.

Đó là hình ảnh y tá Lê Nguyên Vũ khi chứng kiến cảnh người mẹ một nách 2 con nhỏ cứ khóc ngằn ngặt vì đói, sau khi đứng ngẩn người ra một lúc đã tất tả chạy vào phòng lấy ra 2 hộp sữa dúi vội vào tay người mẹ. Đó là hình ảnh bác sĩ Lê Trung Nghĩa nổi tiếng với sự cẩn trọng trong những ca phẫu thuật, thà đứng cầm dao đến tối chứ nhất quyết không "tăng tốc" trong bất kỳ ca mổ nào. Đó là câu "cảm ơn bác sĩ" luôn được họ trân trọng tặng nhau khi bàn giao bệnh nhân sau mỗi ca mổ... Tất cả những điều tốt đẹp ấy đã được thể hiện trọn vẹn trong một chuyến đi đầy ắp nghĩa tình....

Việt Đông
.
.
.