Tình người thắm đượm trong "Mái ấm Hồng Ân"

Thứ Ba, 13/09/2011, 09:31
Về xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định hỏi thăm "Mái ấm Hồng Ân" nơi nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa - chúng tôi được mọi người chỉ dẫn tận tình. "Mái ấm Hồng Ân" là ngôi nhà hai tầng màu trắng khang trang ở ngoài cánh đồng của xóm 13, xã Thọ Nghiệp.

Từ ý tưởng của linh mục Ngô Văn Viễn, ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 2.380m2 với kinh phí khoảng 700 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Hội St.Jacques (Pháp) và lòng hảo tâm của nhiều người trong và ngoài nước.

Từ năm 2006, ngôi nhà chính thức trở thành trung tâm từ thiện nuôi dưỡng các cụ có hoàn cảnh khó khăn; 21 cụ từ nhiều miền quê: Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn… mỗi cụ một hoàn cảnh đã về đây. "Mái ấm Hồng Ân" hiện đang nuôi dưỡng 15 cụ.

Các cụ già neo đơn được nuôi dưỡng tại "Mái ấm Hồng Ân" đang đan lưới, tạo niềm vui tuổi già.

Người cao tuổi nhất là cụ Lê Thị Ngọc, năm nay 100 tuổi quê ở Hà Nội, từng sống trong khổ cực. Sinh tới 12 người con, cụ phải vất vả bươn trải đủ nghề để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Những tưởng được an hưởng hạnh phúc tuổi già bên đàn con cháu, nào ngờ, các con cụ đùn đẩy nhau nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già.

Uất ức về sự bất hiếu của các con, có lúc cụ nghĩ quẩn, làm liều, cuối cùng cụ bỏ đi ăn xin ở các ngõ ngách của Hà Nội rồi được người cháu họ tìm thấy đưa về đây từ năm 2007. Bà Phạm Thị Nhẫn 56 tuổi, bị tàn tật bẩm sinh quê xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Bà mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống với người cháu trai bị nghiện. Có chút tiền trợ cấp hằng tháng dành cho đối tượng già cả neo đơn, nhưng mỗi lần lĩnh về, không đưa cho cháu là bà bị đánh đập, hành hạ.

Thương bà khổ cực, người cháu dâu đã gửi bà vào "Mái ấm Hồng Ân"… Để giúp đỡ các cụ, tại đây có 3 người giúp việc tự nguyện. Bà Phạm Thị Hiếu từng gắn bó với các cụ ngay từ những ngày đầu tiên. Thông cảm với những số phận bất hạnh, bà Hiếu và hai người phục vụ luôn quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho các cụ từ bữa ăn, giấc ngủ đến lúc bị ốm đau qua đời.

Bà Nhẫn bị dị tật, cả đời chỉ nằm nghiêng một tư thế, bà Hiếu phải đút từng thìa cơm và chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân. Một ngày 3 bữa ăn chính, 2 bữa ăn phụ, tối đến lại mắc màn cho các cụ ngủ, biết bao vất vả, song những người phục vụ ở đây vẫn tranh thủ thời gian trồng rau, nuôi gà, thả cá, cải thiện bữa ăn cho các cụ. Tuổi già bóng xế, sợ các cụ buồn, bà Hiếu còn đi nhận lưới về để các cụ làm cho khuây khỏa.

"Mái ấm Hồng Ân" ở xã Thọ Nghiệp đã và đang góp sức cùng các cơ sở xã hội, từ thiện, chung tay cùng chính quyền và nhân dân địa phương bù đắp những mất mát cho những số phận kém may mắn, thể hiện tình người và lòng bác ái vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Hồng Hạnh - M. Thư
.
.
.