Tình người nơi tâm bão

Thứ Hai, 18/09/2017, 08:17
Chỉ sau vài tiếng đồng hồ bão số 10 đổ bộ, người dân tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh thất thần chứng kiến những thiệt hại khủng khiếp do bão gây ra. 

Với sức gió cấp 13-14, bão đã làm hàng chục nghìn ngôi nhà tốc mái và đổ sập. Khắp các tuyến đường, cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Quảng Bình, Hà Tĩnh những địa phương luôn phải chống chọi với hạn hán, bão lũ, năm vừa qua người dân nơi đây lại mới trải qua thảm họa môi trường biển, nay bão vào làm kiệt sức người, sức của người dân nơi đây.

Bão đi qua, xót xa ở lại

Cầm trên tay con số ẩn chứa thương tâm từ UBND tỉnh Quảng Bình, chúng tôi giật mình đi về các làng quê nghèo vùng cát. Đây là huyện Quảng Trạch, kia là Bố Trạch, Đồng Hới… đi đâu cũng gặp cảnh người dân oằn mình khắc phục bão. 

Người dân cần mẫn lựa chọn lại từng viên gạch, viên ngói để che chắn lại ngôi nhà của mình phòng các trận mưa đổ xuống bất cứ lúc nào. Chứng kiến hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, bị đổ sập mà lòng ngổn ngang thương cảm. 

Quảng Bình nghèo, dân nghèo rồi biết lấy gì để giúp nhau. Những mái nhà tốc hoác kia, sau đêm nay nếu trời đổ mưa thì bà con biết trú ở đâu? Chúng tôi về các xã ven biển Quảng Bình, nơi những nhà dân đã phải oằn mình chống chọi với sức gió giật cấp 12-14 khủng khiếp của bão. 

Trưởng thôn xóm 4 xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, ông Lê Xuân Hiến đưa chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Anh, ngôi nhà đã bị gió bão thổi cho nghiêng ngả. 

Chị Anh vuốt nước mắt thở than: Chồng mất cách đây 10 năm, khi gió bão chuẩn bị vào, ba mẹ con chị chạy đi tránh bão. Khi bão tan, chị về nhà thì hầu hết ngói trên nhà đã bị bão thổi bay. Tài sản lớn nhất trong nhà là cái tivi, giường chiếu bị gió thổi thốc bay tứ tung trong nhà, ngoài sân. 

Sáng 16-9, được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Bố Trạch, chị Anh mới nép dọn lại nhà, sửa soạn, chèo chống qua cơn bĩ cực. Nhìn cảnh cháu Lê Bảo Ngọc (con chị Anh học lớp 7) đưa từng cuốn vở ra phơi vì bão thổi ướt nhèm chúng tôi thấy xót xa, thương cảm. Phóng viên Báo CAND đã giúp cháu mua lại vở học.

Xã biển Cảnh Dương, địa phương này là nơi tự hào về khai thác nguồn lợi thủy hải sản của tỉnh Quảng Bình. Bão chỉ vào vài tiếng đồng hồ, nhưng đã thổi bay làm hơn 80% nhà dân nơi đây bị tốc mái, đổ sập, hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị sóng biển đánh dạt lên bờ gây hư hỏng. 

Cháu Lê Bảo Ngọc đang cùng mẹ đem sách vở ra phơi vì căn nhà bị bão thổi tốc mái.

Ngư dân Nguyễn Đình Việt lấy tay quẹt nước mắt thở dài “với ngư dân, yêu quý tàu thuyền như tính mạng của mình, giờ nhìn những con tàu bị sóng bão đáng chìm, đánh hỏng mà lòng như xát muối, vay nợ cũ đóng tàu chưa kịp trả xong, giờ biết xoay xở ra răng để mua sắm tàu mới”.

Nhiều năm qua, người dân Quảng Bình luôn tự hào về thị trấn Việt Trung, nơi có hàng ngàn hécta cao su. Cây cao su đã giúp hàng ngàn gia đình nơi đây vượt qua khốn khó vươn lên làm giàu. Nhưng giờ đây, bão số 10 quét qua đã chặt ngang tất cả cây cao su của người dân hàng ngày vun xới. Nhiều người dân thẫn thờ đi giữa rẫy cao su với dòng nước mắt chảy dài.

Khác gì Việt Trung, ngược lên Phú Định, huyện Bố Trạch, chúng tôi cũng bắt gặp người dân đang nuốt nước mắt đau lòng vì hàng trăm hécta cao su đến mùa thu hoạch bị bão cắt ngang. Những đồi cao su bạt ngàn bỗng chốc còn lại chỉ là những thân cây gãy đổ, trốc rễ, xếp chồng lên nhau. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây bỗng chốc bị bão “cướp” đi chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Rời Quảng Bình, chúng tôi ra Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi tâm bão quét qua, cảnh tượng thương tâm khi bắt gặp nhiều làng mạc xác xơ do bão. Những con đường làng hai ngày sau bão vẫn ngổn ngang cây xanh, mái tôn, tấm lợp prô xi măng vỡ vụn. Người dân đang gồng mình để sửa chữa, che chắn lại mái nhà phòng mưa trút xuống. Nhiều nhà dân nơi đây quả thật đứng trong nhà giờ cũng như ngoài trời, vì mái nhà đã bị bão thổi mang đi. 

Chị Trần Thị Giang, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh thở than: Căn nhà của chị bị bão vào thổi bay hết mái, giờ chỉ còn những bức tường, từ bão đến nay gia đình chị vẫn phải đi tá túc nhà hàng xóm. 

Khi chúng tôi hỏi hướng khắc phục, chị Giang dấu vẻ cơ cực nói lảng sang chuyện khác. Rời nhà chị, song hình ảnh người dân quê lam lũ, dấu nỗi khó khăn như sợ lan nỗi buồn của mình sang người đối diện đã ám ảnh chúng tôi trên nẻo đường bước tiếp…

Sưởi ấm tình người sau bão dữ

Ngay sau khi gió bão vừa chấm dứt, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã có mặt tại các vùng tâm bão quét qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đã có mặt tại những nơi người dân bị thiệt hại nặng nề nhất do bão gây ra. 

Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ trong đêm tối đến nhiều nhà dân, nhiều làng quê để động viên nhân dân, để chỉ đạo địa phương khắc phục hậu quả cơn bão đã gây xúc động mạnh trong lòng bà con. 

“Không để người dân nào bị đói, khát do bão” sau lời chỉ đạo, Thủ tướng đã quyết định chỉ đạo ngành nông nghiệp xuất kho hơn 4 nghìn tấn gạo để đưa về Quảng Bình, Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ, Công an, Quân đội, Biên phòng những ngày qua chưa về nhà, họ ở lại các làng xóm để giúp dân lợp lại mái nhà, sửa lại mái trường cho các em thơ kịp tới lớp vào đầu tuần. Tại nhiều khu vực dân cư, nhà bị gió thổi tốc mái được những hộ dân có nhà kiên cố mời đến ở, có những ngôi nhà sinh hoạt cùng lúc ba bốn hộ gia đình. Tình làng nghĩa xóm được thắp lửa khi khó khăn, hoạn nạn là đây. 

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” câu thành ngữ của người Việt đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp ở làng quê sau tâm bão.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang huy động cả hệ thống chính trị tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Trước mắt, các địa phương hỗ trợ những người mất nhà cửa có nơi ăn chốn ở, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị chết, bị thương do bão. 

Các địa phương đang huy động lực lượng thu dọn cây đổ, khôi phục đường sá, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác kiểm tra, khắc phục thiệt hại và ứng cứu, trợ giúp của chính quyền các cấp và các tổ chức cá nhân. 

Các lực lượng chức năng đang phối hợp chặt chẽ khôi phục, sửa chữa các bệnh viện, trạm y tế xã để đảm bảo cấp cứu người bị thương, chăm sóc người bệnh và kịp thời vệ sinh tiêu độc, khử trùng sau mưa bão. Các trường học đang nỗ lực để học sinh sớm trở lại trường. 

Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, tất cả các trường học trên địa bàn bị bão gây hậu quả, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đến trường, tuyệt đối không để các em đến lớp khi trường, lớp còn có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng học sinh…

Gần 5.000 thanh niên Hà Tĩnh tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10

Ngày 17-9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động gần 5.000 đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 10.

Trong đó, gần 2.000 đoàn viên thanh niên khối đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã trực tiếp đến vùng bị thiệt hại nặng của các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh giúp đỡ nhân dân sửa chữa các trường học, trạm y tế, thông đường giao thông bị ách tắc, vệ sinh môi trường biển.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ của các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh với hàng ngàn đoàn viên thanh niên đã ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; giúp các hộ neo đơn, chính sách, hộ nghèo sửa hệ thống điện sinh hoạt, lợp lại mái nhà, sửa nhà ở bị hư hỏng, trồng lại cây xanh, giúp đỡ các mô hình kinh tế thanh niên ổn định sản xuất, kinh doanh…

Trước đó, sáng 16-9, ngay khi bão vừa tan, các cấp bộ đoàn thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động 1.850 đoàn viên thanh niên thuộc 86 đội thanh niên tình nguyện của các địa phương, đơn vị cùng nhân dân ra quân làm vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, tiếp tục chuẩn bị các phương án phòng, chống, đối phó các tình huống có thể xảy ra do hiện tượng mưa to sau bão.     

PV

Dương Sông Lam
.
.
.