Vụ "tùng xẻo" tiền cứu trợ ở Hà Tĩnh:

Tỉnh không biết vì huyện... "quên" báo cáo!

Thứ Ba, 22/08/2006, 13:48

“Tôi không biết”, đây là điệp khúc của các vị đứng đầu tỉnh, huyện khi được hỏi về vụ “tùng xẻo” tiền cứu trợ lũ quét ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vụ việc nghiêm trọng, được kết luận sai phạm rõ ràng vậy mà từ chính quyền cấp huyện đến cấp tỉnh đều “không biết"?!

Trận lũ xảy ra, hàng loạt công trình cầu đường tại Hương Sơn bị thiệt hại nặng nề. Lấy cớ khắc phục những công trình này, chính quyền huyện Hương Sơn đã "ném" tiền tỷ từ nguồn cứu trợ vào những khoản chi vô lối và khi hoàn thành, người ta cũng không biết thực trạng chi sửa ra sao, chất lượng đến đâu.

Qua kiểm tra nguồn vốn phân bổ 4,2 tỷ đồng cho 8 công trình hạng nhỏ cho thấy, các công trình sau khi đã được coi là "hoàn thành", BQL các dự án công trình của huyện lại không làm thủ tục thẩm định quyết toán. Thậm chí, việc bớt xén tiền cứu trợ rồi núp bóng tu sửa đường sá, sau đó lấy cớ do mưa to, người ta lại quy cho công trình hỏng do... thiên tai tiếp tục tàn phá!

Những khoản chi tùy tiện

Xác minh tại BQL công trình (Ban A) cho thấy, ngày 12/10/2002, UBND huyện Hương Sơn ra Quyết định số 784 phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ với số tiền 1 tỷ đồng để xây dựng đường trung tâm thương mại Phố Châu và một cây cầu khác. Số tiền này được Ban A và Phòng Kế hoạch - Tài chính do ông Phan Cao Oánh chịu trách nhiệm, quyết toán vốn ngân sách năm 2002. Thế nhưng, thực tế mới chỉ chuyển thanh toán số tiền có 400 triệu đồng cho 2 công trình là đường, mương nước, còn lại 600 triệu đồng đã được ông Oánh "phù phép"!

Sau khi CQĐT kiểm tra, ông Oánh viện đủ cớ để giải trình cho số tiền "mất tích" này là chi phí "tiếp khách"! Cụ thể, chi phí tiếp khách khi liên lạc với Ban A mất 76 triệu đồng; "chi phí thiết kế" đê Tân Long mất 50 triệu đồng, còn lại 474 triệu đồng... đang ở đâu đó! Ngày 6/11/2003, UBND huyện Hương Sơn ra quyết định thu hồi số tiền này nhưng sau khi Công an Hà Tĩnh lập biên bản làm việc về những nội dung sai phạm này thì Ban A mới thực hiện chuyển trả một cách chậm chạp!

Trận lũ quét đã làm sạt lở nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh. Mọi chi phí khắc phục đều thuộc ngân sách Nhà nước cấp trong dự án làm đường Hồ Chí Minh. Thế nhưng, không hiểu UBND huyện Hương Sơn "phù phép" thế nào mà lại đưa vào hồ sơ: lấy tiền cứu trợ lũ quét để sửa đường Hồ Chí Minh. BQL dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, nguồn tiền do Bộ GTVT cấp hoàn toàn không có liên quan gì đến tiền cứu trợ lũ quét!

Nhận thấy có dấu hiệu tham ô, biển thủ tiền cứu trợ lũ quét, Công an Hà Tĩnh kiểm tra, sau một thời gian, hồ sơ đã được làm hợp lệ bằng những khoản "chi đẹp" cho 25 hộ dân ở xã Sơn Trung với số tiền hết 130 triệu đồng. 870 triệu đồng còn lại, Phòng Kế hoạch - Tài chính lại không thể giải trình chi vào đâu.

Cho dù sau khi vụ việc bị phát giác, số tiền dần dần được thu hồi nhưng rõ ràng, việc làm này cho thấy, những người có trách nhiệm ở đây đã có hành vi tham ô số tiền 870 triệu đồng với danh nghĩa "khắc phục hậu quả sạt lở đường"! Với sai phạm này, vụ việc lẽ ra phải được khởi tố, điều tra.

Với những sai phạm nói trên, PC15 Công an Hà Tĩnh kết luận, việc quản lý, phân bổ, cấp phát và quyết toán nguồn ngân sách kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2002 của UBND huyện Hương Sơn (chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Khắc Thứ, nguyên Chủ tịch UBND huyện; ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính).

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của ông Oánh, các khoản quyết toán ngân sách cấp phát không theo số liệu thực tế chi, trả nên tại một số đơn vị như Ban A, Ban giải phóng mặt bằng, Phòng Tổ chức, Lao động Thương binh và Xã hội còn tồn đọng rất nhiều kinh phí không được sử dụng. Trong khi tiền còn tồn đọng thì trong quyết toán ngân sách lại chi tuỳ tiện, vô lối. Đồng thời, các khoản chi chính sách xã hội, trợ cấp ngân sách xã cũng rất lộn xộn.

Tỉnh không biết vì huyện... "quên" báo cáo!

PC15 xác định rõ trách nhiệm về những sai phạm trên trong văn bản ký từ ngày 7/6/2004 nhưng đến nay vẫn không thấy tổ chức, cá nhân nào bị xử lý, thậm chí cũng không có kiểm điểm gì? Vấn đề này khiến người dân  rất bức xúc.

Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là khi chúng tôi gặp ông Trần Đình Đàn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh để hỏi lý do vì sao vụ việc bị "chìm xuồng" thì ông Trần Đình Đàn tỏ ra ngạc nhiên nói: "Có thật không, nghiêm trọng thế này à, chúng tôi không biết"! Ông Đàn cũng hứa sẽ cho kiểm tra lại xem thực hư ra sao nhưng rốt cuộc đến nay tình hình vẫn không có gì biến chuyển.

Còn Đại tá Trần Văn Lợi, Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ đạo Phòng PC15 điều tra, kết luận thì cho biết, khi vụ việc đang điều tra, ông có chỉ đạo làm rõ, sau đó có gửi văn bản đến một số cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau đó ông bận đi học tại Hà Nội nên ông không nắm được các đơn vị có thẩm quyền đã xử lý thế nào.

Trong khi đó, tại UBND huyện Hương Sơn, ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Huyện ủy thì vẫn quả quyết không biết vì hồi đó ông chưa làm Bí thư!

Vụ việc nghiêm trọng, được kết luận sai phạm rõ ràng. Vậy lý do gì mà từ chính quyền cấp huyện đến cấp tỉnh đều... "tôi không biết"!?

Cần nói thêm, ngay sau khi thảm họa lũ quét xảy ra, Đoàn công tác XHTT của Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã có mặt tại Hương Sơn. Nhận tiền XHTT từ Báo CAND, ông Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nói: "Chúng tôi hứa chuyển trọn vẹn số tiền quý báo cũng như tất cả tổ chức, cá nhân trên mọi miền đất nước đến tay người dân". Lời hứa ấy chúng tôi còn nhớ rất rõ, vậy mà...

Đăng Trường - Xuân Hồng
.
.
.