Tin ở sức mạnh của công lý

Thứ Năm, 30/12/2004, 07:29

Ngày 28/2/2005, Tòa án quận Brooklyn, bang New York (Hoa Kỳ) sẽ chính thức đưa vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ra tranh tụng tại Tòa. Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, trong đó cung c

Có thể nói vụ kiện dân sự của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại tòa án Mỹ là một vụ kiện dân sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đấu tranh pháp lý của các nước trên thế giới. Vụ kiện bắt đầu bằng việc, ngày 30/1/2004, ba nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam gửi kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất chất độc hóa học để rải xuống Việt Nam (từ năm 1961-1972) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của những người đã từng tham gia cuộc chiến...

Nghiêm trọng hơn, những chất độc do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã gây ảnh hưởng tới con cái họ và những di chứng sang thế hệ thứ 3. Sau khi đơn của ba nạn nhân được gửi đi, ở trong nước đã có một làn sóng mạnh mẽ ủng hộ vụ kiện bằng việc thu thập chữ ký và nhiều hoạt động thiết thực như ủng hộ quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

Tại Hội nghị, điều mà các đại biểu và báo chí quan tâm là tính chất của vụ kiện. Theo luật sư Lê Đức Tiết - ủy viên TW Hội Luật gia Việt Nam, các bị đơn trong vụ kiện này là 37 công ty sản xuất các hóa chất của Mỹ. Họ đã bán chất diệt cỏ, khai quang cho quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chính vì thế, khi đơn của các nạn nhân Việt Nam được gửi tới Tòa, Chính phủ và quân đội Mỹ rất lo lắng bị buộc phạm tội ác chiến tranh, bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. 37 công ty sản xuất hóa chất của Mỹ đã liên kết để chống đối những luận cứ mà các nạn nhân đã nêu ra trong đơn đệ trình lên tòa án. Tuy nhiên, đối với các nạn nhân đã gửi đơn kiện và Hội Nạn nhân chất độc da cam, vụ kiện này vẫn được xác định như một cuộc chiến lâu dài và bền bỉ, trong đó cơ sở để họ tin vào chiến thắng là sức mạnh của công lý và sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Về phía luật pháp quốc tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng đã tranh thủ được sự giúp đỡ của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hội Luật gia dân chủ Mỹ, Pháp tiến hành giúp đỡ cho các nạn nhân thủ tục, trình tự để tiến hành một vụ kiện.

Cho tới thời điểm này, tiến trình vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam đã gần kết thúc giai đoạn I. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho biết: "Ngày 8/3/2004, thẩm phán Weinstein đã  triệu tập luật sư bên nguyên và bên bị đến văn phòng. Theo tiến trình,  quyết định cuối cùng của Tòa án là luật sư nguyên đơn gửi kiến nghị, trả lời kiến nghị của bị đơn vào ngày 18/1/2005. Luật sư hai bên sẽ bắt đầu tranh tụng trước Tòa vào hồi 11h ngày 28/2/2005". Xung quanh vấn đề tranh tụng, hai bên luật sư sẽ tập trung vào các vấn đề: Thời hiệu của vụ kiện; mối quan hệ nhân quả của chất da cam trong chiến tranh với hậu quả, các bệnh tật của nguyên đơn; về án lệ, pháp luật Mỹ, pháp luật quốc tế áp dụng cho vụ kiện; thẩm quyền xét xử của Tòa án…

Được biết, từ nay cho đến ngày 18/1/2005, khi Tòa án Mỹ có quyết định chính thức cho nguyên đơn và bị đơn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn đang cùng với TW Hội Người cao tuổi Việt Nam và các tổ chức xã hội tiếp tục tổ chức những hoạt động hưởng ứng cho Tuần lễ "Chúng ta không vô cảm", nhằm lấy chữ ký và tiền ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam (từ ngày 2/1 đến 6/1/2005). Mong rằng với sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận trong nước và quốc tế, vụ kiện của các nạn chất độc da cam sẽ chiến thắng nhờ vào sức mạnh của công lý

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thư gửi người cao tuổi của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và Báo Hà Nội mới thực hiện chương trình với tựa đề: "Chúng ta không vô cảm" với các hoạt động lấy chữ ký ủng hộ "Vì công lý" của trên 6 triệu hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam. Kêu gọi mỗi hội viên tự nguyện ủng hộ 1.000 đồng kèm theo mỗi chữ ký để đóng góp cho quỹ nạn nhân chất độc da cam.

 

Tổ chức triển lãm ảnh "Chúng ta không vô cảm" từ ngày 2 đến ngày 6/1/2005 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Bán đấu giá các tác phẩm thủ công mỹ nghệ quý để gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam.

 

Cao điểm của hoạt động này là chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật "Chúng ta không vô cảm" được thực hiện qua cầu truyền hình trực tiếp trên VTV1 diễn ra từ 20h - 22h ngày 6/1/2005 tại Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh. Mong nhận được sự đóng góp, hỗ trợ quý báu của quý bạn đọc với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Mai Phương
.
.
.