Tìm đồng đội ở Đông Trường Sơn…

Thứ Bảy, 30/05/2009, 15:52
Sau bữa trưa “mì tôm sống”, các các thành viên trong đội qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V tiếp tục đào đất, mở rộng phạm vi tìm kiếm đến khoảng 15h vẫn chẳng có gì. Người đàn ông Cơtu chỉ mộ liệt sĩ Trần Văn Thành lúc này mới nói rằng, khi làm rẫy phát hiện ụ đất nên ông nghĩ đây là nấm mộ(!?).

Thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục XDLL giao, bắt đầu từ ngày 25/5, Ban qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V đã cử một tổ công tác cùng với các cán bộ, chiến sĩ Phòng 4, Vụ Tổ chức cán bộ, lên đường thực hiện cuộc tìm kiếm, qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V.

Trong cuộc hành trình vào chốn núi cao, rừng thẳm của đại ngàn Đông Trường Sơn tìm kiếm mộ liệt sĩ đợt đầu tiên này, PV Báo CAND đã cùng tham gia và ghi nhận về chuyến đi nặng nghĩa tình đồng chí, đồng đội…    

Tôi thật sự bất ngờ và cảm động khi gặp gỡ các thành viên trong đội qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang Khu V. Đó là những cựu chiến binh Tiểu đoàn 10 năm xưa, giờ đây đã trở thành những ông lão tuổi ngoài 60, thậm chí có người tuổi đã xấp xỉ "cổ lai hy".

Ông Nguyễn Ý Chí (64 tuổi), nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 10, đội trưởng đội qui tập, kể rằng: Sau khi chiến tranh kết thúc, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 10 còn sống, chia tay nhau trở lại quê nhà đoàn tụ cùng vợ con, gia đình. Dường như ai cũng có suy nghĩ, đồng đội ngã xuống trên chiến trường Khu V đã được các địa phương qui tập vào nghĩa trang liệt sĩ chôn cất, mồ yên, mả đẹp. Nào hay, gặp lại nhau trong ngày Tiểu đoàn 10 đón nhận phần thưởng cao quí: Anh hùng LLVTND, họ mới biết còn nhiều anh em đồng đội hy sinh vẫn đang nằm rải rác trên núi rừng, nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong đại ngàn Đông Trường Sơn. Thế là mọi người bàn bạc tìm cách đưa các anh về.

Thể theo nguyện vọng đó, Bộ trưởng Bộ Công an thành lập Ban qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 và đội qui tập đã ra đời. Ngôi nhà nhỏ của ông Chí nằm bên kênh thủy lợi Phú Ninh, thuộc thôn 5, xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam, đã đón các ông: Huỳnh Chín (69 tuổi), Phạm Minh (60 tuổi) từ Quảng Ngãi ra; ông Châu Văn Chương (64 tuổi) từ Hiệp Đức và ông Bạch Tấn Đạt từ Phước Sơn xuống… Và sáng 25/5, họ đã có mặt tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu V tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, chuẩn bị lên đường tìm đồng đội.

Ông Huỳnh Chín bày tỏ tâm sự: "Đất nước hòa bình hơn 34 năm rồi mà đồng đội hy sinh vẫn nằm lại với núi rừng. Nghĩ đến điều đó là tui không cầm được nước mắt. Tui tuy tuổi đã già nhưng cũng cố gắng cùng mọi người tìm kiếm đưa anh em liệt sĩ về nghĩa trang chôn cất, để người thân, bạn bè và con cháu thăm viếng, hương khói"…

Sau khi thắp hương đền thờ các liệt sĩ và dâng hoa tượng đài Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu V, Thượng tá Trần Ngọc Đức, Phó trưởng Phòng 4, Vụ Tổ chức cán bộ, phát lệnh lên đường thẳng lên xã Trà Giang về xã Trà Nú, nơi có thông tin liệt sĩ Nguyễn Cao Miên, trú ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, đang còn nằm lại ở cánh rừng Nà Cốc.

Ông Chí cho biết, anh Miên hy sinh vào năm 1968, trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Khu ủy V. Lúc đó, anh Miên chưa tròn 23 tuổi. Trong chuyến đi khảo sát theo chỉ đạo của Ban liên lạc Tiểu đoàn 10, ông Chí đã được một người dân tộc Cor chỉ chỗ chôn cất anh Miên…

Đường vào Trà Nú, chiếc xe U-oát thuộc loại thiện chiến đường rừng của Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho đội qui tập có phương tiện đi lại, vậy mà cũng chỉ đi được một đoạn ngắn. Vì còn lại là đường mòn đầy đá cục, đá hòn, băng qua 3 đỉnh núi cao chót vót nhiều khe, suối sâu. Không còn cách nào khác, mọi người xuống xe cuốc bộ dưới trời nắng nóng như thiêu đốt. Phải mất hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi mới đến được đầu nguồn dòng suối Nưa, thì vừa lúc già Lâm, ông già người Cor biết mộ anh Miên cũng tìm tới.

Theo chỉ dẫn của già Lâm, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 10 trong đội qui tập dùng bay (dụng cụ thợ nề xây nhà) gạt nhẹ lớp đất trên khu đất dưới gốc cây mít rừng được xác định là mộ anh Miên và chỉ trong chốc lát hài cốt bị rễ mít bám quanh, lộ dần ra. Mọi người có mặt đều lặng đi trong đau xót. Anh Miên hy sinh đến nay đã 41 năm tròn, anh đã phải nằm lại chốn núi rừng heo hút này. Hôm nay, tìm được mộ anh thì ba, mẹ của anh cũng không còn nữa, người thân cũng thất lạc, ly tán phương nào… Đội trưởng Nguyễn Ý Chí gói hài cốt liệt sĩ Nguyễn Cao Miên vào tấm vải điều, rồi cẩn thận cho vào balô. Và ông cõng chiếc ba lô có hài cốt đồng đội trên lưng dẫn đường cho chúng tôi quay ra…

Tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Cao Miên dưới một gốc mít rừng.

Sang hôm sau, 26/5, đội qui tập tiếp tục lên đường đi Trà Dơn, vùng đất thuộc địa phận huyện Nam Trà My, nằm trong hệ thống Đông Trường Sơn dưới chân núi mẹ Ngok Linh. Mọi người trong đoàn phải leo núi, cắt rừng để rút ngắn đoạn đường đến Ngoóc Doong, Trà Dơn, nơi có thông tin liệt sĩ Trần Văn Thành, quê ở Vũ Công, Kiến Xương, Thái Bình hy sinh trong trận đánh biệt kích, thám báo địch, nằm lại tại đây.

Con đường mòn dẫn từ làng lên đỉnh núi như thể lên mái nhà rông của đồng bào Jarai ở Tây Nguyên, chỉ vừa lọt một người đi, hai bên cây rừng, lau sậy mọc rậm rịt. Nói là đi, nhưng với con đường này thì mọi người trong đoàn "bò" lên là đúng hơn, chân người "bò" trước ở trên đầu người phía sau. Từng người bám vào lau sậy mà nhích lên. Chúng tôi "bò" như thế trong hơn 30 phút mới lên tới được đỉnh. Người nào cũng bị sên vắt bám vào cắn, máu chảy ròng ròng trên chân, tay, cổ… Ai nấy mồ hôi ướt đầm như tắm, nhưng đâu thể nghỉ lâu được. Phía trước đường tuy dễ đi nhưng vẫn còn dốc cao và phải tiếp tục đi bộ mất thêm gần 3 giờ đồng hồ nữa.

Tới làng Ngoóc Doong ở lưng chừng núi, tôi và các cựu chiến binh lại tụt dốc đứng cao khoảng ngôi nhà 7-8 tầng xuống một con suối. Thú thật, "bò" lên đỉnh núi còn dễ hơn tụt dốc, vi khi "bò" mặt áp vào vách núi, không nhìn được bên dưới, còn tụt dốc đường trơn rất nguy hiểm, bên dưới là vực thẳm hun hút. Trong khi các cựu chiến binh trong đội qui tập tuổi cao, sức yếu lại mang vác cuốc, xẻng trên vai. Cũng may, sau chuyến đi Trà Nú trở về, thấy ông Chín và ông Đạt không đủ sức leo núi đi Trà Dơn nên Thượng tá Trần Ngọc Đức đã khuyên họ ở lại Khu di tích lịch sử An ninh Khu V…

Cuối cùng đoàn tìm kiếm cũng đến được rẫy của một người Cơtu bên dòng suối, nơi ông này khẳng định có một ngôi mộ. Thế nhưng, mọi người cùng nhau đào đất tìm kiếm mãi cho đến lúc mặt trời treo ở đỉnh đầu mà vẫn không tìm thấy dấu vết gì. Cũng như ngày hôm trước, bữa ăn trưa, mỗi người được chia một gói mì tôm sống, nhưng hôm nay chẳng ai còn tâm trí để ăn. Mọi người tiếp tục đào đất, mở rộng phạm vi tìm kiếm đến khoảng 15h vẫn chẳng có gì.

Người đàn ông Cơtu chỉ mộ liệt sĩ Trần Văn Thành lúc này mới nói rằng, khi làm rẫy phát hiện ụ đất nên ông nghĩ đây là nấm mộ(!?). Đành thu xếp đồ đạc quay ra, ai nấy buồn ủ dột. Trên đường đi, chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông trung niên ở Nóc Ngoóc Doong, anh ta cho hay đã có 5 người đến hốt mộ liệt sĩ Trần Văn Thành từ năm 1991. Anh nói rất rõ từng chi tiết và ông Nguyễn Ý Chí đã xác định, những người hốt mộ anh Thành chính là cán bộ Huyện đội Trà My (cũ). Lúc này, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm…

PV Báo CAND (bên trái) tại Nóc Ngoóc Doong trong chuyến đi Trà Dơn, Nam Trà My.

Ngày 27/5, đoàn qui tập mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 10 lại đi xã Trà Bui tìm kiếm, bốc mộ liệt sĩ Huỳnh Xuân, quê ở Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam. Những ngày này, chiều nào núi rừng Trường Sơn cũng có giông kéo mưa sầm sập tới. Nhưng, dù cho phải vượt qua bao nhiêu dốc cao, vực thẳm, rừng rậm thâm u; dù bị tắm ướt sũng trong những trận mưa rừng như trút nước, các cựu chiến binh trong đoàn qui tập vẫn không bỏ dở hành trình. Mọi người đã hạ quyết tâm qui tập, tìm kiếm đầy đủ 21 liệt sĩ còn nằm đâu đó trong đại ngàn Đông Trường Sơn trở về…

Long Vân
.
.
.