Tiêu huỷ gia cầm tại xã Đại Mạch: Chôn rơm lấy tiền tỉ

Thứ Sáu, 06/01/2006, 18:05

Theo thông tin ban đầu chúng tôi nhận được, nhiều hộ dân trong xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội đã thông đồng với một số cán bộ thôn, xã chôn rơm, trấu... khai khống số lượng lớn gia cầm để nhận tiền đền bù hàng tỉ đồng.

Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong xã phản ánh sự tiêu cực của Tiểu ban tiêu huỷ gia cầm xã, UBND xã Đại Mạch đã thành lập đoàn phúc tra đến các hộ gia đình có chôn gia cầm tại nhà để khai quật các hố chôn, kiểm tra lại số lượng gia cầm. Ngày 5/1, đoàn phúc tra đã tiến hành khai quật 7 hố chôn tại 7 hộ gia đình là đảng viên và cán bộ thôn. Kết quả, cả 7 hố chôn đều thấy rất nhiều bao tải bên trong chứa rơm, trấu. Cá biệt, có hộ gia đình không có hố chôn gia cầm nhưng vẫn được nhận tiền đền bù. Các hộ gia đình này đều đã phải ký nhận vào biên bản khai quật, thừa nhận hành vi gian dối của mình.

Đơn cử, gia đình bà Trần Thị Dẫn, khi đoàn phúc tra đào hố chôn chỉ thấy rơm và trấu, không có con gia cầm nào nhưng vẫn khai khống hàng trăm con để nhận 6,4 triệu đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Tý chỉ có 1 con gà trong hố chôn nhưng được nhận tới 13 triệu đồng. Hành vi gian dối trắng trợn hơn là trường hợp gia đình ông Hà Văn Minh không hề có hố chôn gia cầm nhưng vẫn được nhận hàng triệu đồng tiền đền bù. Dư luận đặt câu hỏi tại sao, Tiểu ban tiêu huỷ gia cầm của xã có tới 13 thành viên đứng giám sát mà vẫn để các hộ gian lận.

Biên bản khai quật hố chôn... rơm của một gia đình.

Theo nhiều người dân trong xã, khi tiến hành tiêu huỷ gia cầm, vì sợ người dân phát hiện ra hành vi gian lận, Tiều ban tiêu huỷ đã  cùng các hộ gia đình khoá cổng, thực hiện dấm dúi trong vườn nhà. Theo báo cáo của UBND xã Đại Mạch, tổng số tiền 145 hộ gia đình trong xã kê khai để được nhận đền bù lên tới gần 4 tỉ đồng với  số lượng gần 300.000 con gia cầm.

Ngày 6/1, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân trong xã và phóng viên các báo, sự việc tiêu cực đã lên đến đỉnh điểm khi khoảng 10 đối tượng của một số hộ có gia cầm khai khống đã tập hợp lại ngăn cản không cho đoàn phúc tra khai quật hố chôn tại gia đình ông Trần Văn Toán. Thậm chí, một vài đối tượng quá khích đã có hành vi thoá mạ, hành hung 2 phóng viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam và báo Kinh tế đối ngoại cùng công an xã đang làm nhiệm vụ.

Trước sự đe doạ của những đối tượng này, đoàn phúc tra đã phải tạm dừng việc khai quật các hố chôn và rút về UBND xã. Quá bức xúc trước sự việc trên, hàng trăm người dân trong xã đã kéo về UBND để yêu cầu chính quyền xã làm rõ vụ việc tiêu cực này.

Người dân bức xúc trước những hành vi "chôn rơm lấy tiền tiêu huỷ gia cầm".

Chị Nguyễn Thị Minh, đội 6 cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ gia đình có gia cầm thật muốn được tiêu huỷ đã làm đơn nhưng không hiểu vì sao cán bộ thôn không cho tiêu huỷ. Họ đã thông đồng với một số hộ có mối quan hệ thân quen để rút tiền của Nhà nước. Số tiền quá lớn, hàng tỉ đồng nên dân chúng tôi bức xúc là đúng thôi”.

Một điều lạ là trong tình hình căng thẳng tại xã, không hề thấy bóng dáng của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã đứng ra dàn xếp. Bộ máy chính quyền xã Đại Đồng đã bị một vài cá nhân quá khích vô hiệu hoá gần hết buổi sáng. Mãi hơn 9h mới thấy một ông Phó Chủ tịch xã về. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó chủ tịch xã cho biết, với tình hình các đối tượng quá khích như vậy, UBND xã sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng công an huyện Đông Anh mới có thể tiếp tục tiến hành khai quật phúc tra các hố chôn gà. Ông Vượng cũng thừa nhận, trong số các hộ khai khống để lấy tiền đền bù phần lớn có quan hệ họ hàng, thân quen với các cán bộ thôn, xã.

Theo thông tin của chúng tôi, sáng 7/1, công việc phúc tra sẽ được tiếp tục và chắc chắn sẽ còn rất nhiều trường hợp chôn rơm, trấu, khai khống số lượng gia cầm để nhận tiền đền bù

Ngọc Yến
.
.
.