Tiếp tục chuyện về người "hút kim loại" ở Việt Nam

Thứ Sáu, 12/01/2007, 10:09

Mới đây, tại Liên hiệp Khoa học tin học ứng dụng (số 1, phố Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội) đã diễn ra một buổi biểu diễn hết sức kỳ lạ: dùng năng lượng cơ thể hút đồ vật. Người biểu diễn là những học viên của lớp học cảm xạ, một lớp học độc đáo và duy nhất ở Hà Nội, chuyên đào tạo, bồi dưỡng những người có khả năng đặc biệt.

Giáo viên của lớp học cảm xạ này là bác sĩ Dư Quang Châu. Bác sĩ Châu sau khi tu nghiệp ở Pháp về đã cùng một số cộng sự tổ chức thực hiện chương trình “Việt Nam hóa” môn cảm xạ học - dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Khoa học tin học ứng dụng, lần đầu tiên môn cảm xạ được tiến hành nghiên cứu dưới hình thức một đề tài khoa học, do bác sĩ Châu làm chủ nhiệm.

Theo tiếng Pháp, cảm xạ là Radiesthesie. Radius có nghĩa là tia sáng, tia xạ, còn Aisthesis là nhạy cảm. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản: Cảm xạ là khả năng nhạy cảm của con người đối với các tia bức xạ từ các vật thể phát ra. Theo cảm xạ học, bất kỳ vật thể nào, dù là sinh vật, thực vật hay khoáng vật cũng đều phát ra bức xạ.

Các bức xạ lan truyền theo đủ mọi hướng trong không gian, chúng đi xuyên qua mọi vật và tác động đến nhà cảm xạ. Đây là nguồn thông tin mà nhà cảm xạ phải phân tích để nhận biết. Khi đó, phản ứng cơ thể của nhà cảm xạ sẽ được truyền sang các dụng cụ cảm xạ như con lắc, đũa và chúng khuếch đại những phản ứng đó thành các loại chuyển động có hình dạng khác nhau. Theo bác sĩ Châu, cơ thể con người là một “radar sống”. Bộ não thu nhận tất cả những gì diễn ra xung quanh nó y hệt như một tấm phim ảnh, chụp ngay được những hình ảnh nằm trong trường thu của ống kính.

Thời xa xưa, môn cảm xạ chỉ có một công dụng duy nhất là dò tìm mạch nước nằm sâu trong lòng đất với con lắc hay đôi đũa. Nhưng ngày nay, phạm vi ứng dụng của cảm xạ đã được mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, y học, truy tìm vật dụng, thậm chí cả hài cốt thất lạc, người mất tích...

Cũng theo bác sĩ Dư Quang Châu, nhiều nguồn năng lượng vô hình vẫn tiềm ẩn trong cơ thể con người, nhưng do một tình huống nào đó, có một số người vô tình phát hiện, sử dụng nó một phần và đã có hiệu quả, nhưng họ không biết nguồn năng lượng đó do đâu mà có. Sau một thời gian dài hay ngắn, tùy theo từng người mà nguồn năng lượng đó tự nhiên biến mất.

Thực tế, số người nói trên là không nhiều, nhưng không có nghĩa là những người khác không có được khả năng này. Mọi người đều có thể làm chủ, phát triển, sử dụng nguồn năng lượng nội tại bí ẩn đó nhiều hay ít tùy theo quá trình rèn luyện, tùy theo cơ địa từng người...

Bài múa cảm xạ tạo sức hút cho cơ thể.

Như vậy, môn cảm xạ học sẽ giúp những người có khả năng đặc biệt phát triển hơn nữa, cũng như khai mở được những khả năng bí ẩn của bộ não, cơ thể những người tham gia rèn luyện môn cảm xạ. Tất nhiên, để khai mở được khả năng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào vô vàn yếu tố.

Từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết vận dụng cảm xạ vào đời sống. Nền văn minh Ai Cập đã để lại dấu tích qua nhiều văn bản viết bằng chữ tượng hình, các hình vẽ và đặc biệt là qua việc sử dụng các loại sóng hình dạng kỳ lạ như của Kim tự tháp. Tại Trung Quốc, từ hơn 2.000 năm trước Công nguyên, con người đã biết sử dụng đũa hình chữ Y để dò tìm mạch nước, tài nguyên dưới lòng đất. Còn ở phương Tây, Kinh Thánh đã xác nhận tri thức này từ trước thời Trung cổ...

Cho đến nay, dù khoa học tự nhiên đã rất phát triển, lý giải được vô số các hiện tượng, nhưng vẫn còn bế tắc trước một số hiện tượng kỳ lạ khác. Dù khoa học chưa công nhận, song dân chúng vẫn coi trọng những hiện tượng kỳ lạ đó bởi nó gắn liền với cuộc sống của họ và họ đã chiêm nghiệm đúng trong thực tế.

Từ xưa đến nay, con người luôn muốn tìm cách chế ngự và phát hiện các hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong cuộc sống, chẳng hạn như “thuần hóa” khu vực đang sống khi khu vực đó bị chi phối bởi các sức mạnh vô hình như sóng từ trường, các tia bức xạ xấu... Đó là thách thức lớn đối với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu năng lượng cảm xạ.

Những người tham gia lớp học cảm xạ ít nhiều đều đã khám phá được khả năng tiềm ẩn của bản thân. Với những dụng cụ như con lắc, họ đã có thể vận dụng sự cảm nhận của cơ thể để phát hiện được “tia đất” độc hại hay “tia đất” có lợi ở nơi mình đang sống, từ đó biết cách “trị tia đất”, làm cho môi trường sống trong lành hơn, bảo đảm sức khỏe cho mọi người.

Theo học môn cảm xạ, khi đạt đến một trình độ "siêu", cảm xạ viên có thể phát hiện được mỏ quặng dưới lòng đất, các mạch nước ngầm, từ đó có thể góp phần phục vụ cho đất nước trong việc phát hiện các nguồn tài nguyên trong lòng đất. Ở nước ta gần đây đã xuất hiện một số “nhà địa lý”, “nhà phong thủy” rất giỏi, rất thần bí, như có phép lạ, nhưng thực tế, họ là những môn đồ của môn cảm xạ học, có thể họ học từ nước ngoài, có thể là những người được đào tạo từ lớp học của bác sĩ Dư Quang Châu.

Hiện tại, bác sĩ Dư Quang Châu cùng các nhà khoa học đang đào tạo, khai mở thêm nguồn năng lượng bí ẩn trong cơ thể chị Hoàng Thị Thiêm, người có “con mắt thứ ba”. Chị Thiêm cho biết, từ khi theo học lớp cảm xạ một cách bài bản, “con mắt thứ ba” của chị đã nhìn tốt hơn, rõ hơn và có thể tự điều khiển cơ thể để nhìn thấy bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, “con mắt thứ ba” của chị đôi lúc đã có khả năng “thấu thị”, tức là có thể nhìn xuyên vào lòng đất, xuyên qua tường.

Bác sĩ Châu cho biết, việc nhìn bằng “con mắt thứ ba” sẽ chỉ là trò vui, là giải trí, thỏa mãn sự tò mò cho mọi người nếu không được khai thác vận dụng một cách khoa học. Tới đây, bằng môn học cảm xạ, các nhà khoa học sẽ khai mở được rất nhiều khả năng của chị Hoàng Thị Thiêm có thể áp dụng vào một số loại việc.

Các học viên của lớp học cảm xạ đặc biệt này đều cho hay, chưa biết có khám phá được phần bí ẩn trong cơ thể mình hay không, nhưng trước mắt ai cũng vui mừng vì thấy sức khỏe rất dồi dào, bệnh tật như tan biến đâu mất. Học viên lớp cảm xạ cảm thấy khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái bởi phần lớn các bài học của môn cảm xạ là nâng cao nguồn nội lực cho cơ thể.

Sau mỗi bài tập cảm xạ, trông như những điệu múa rất mềm dẻo, cơ thể con người có một lực hút rất lớn, có thể hút được các đồ vật khá nặng bằng sắt thép. Ngay cả bài biểu diễn đơn giản (hút các đồ vật) của các cảm xạ viên, cũng là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học đam mê khám phá những điều bí ẩn... 

Phạm Ngọc
.
.
.