Tiếp thị lừa dạt về nông thôn

Chủ Nhật, 23/01/2005, 09:24

Sau khi tác oai tác quái chán chê ở các thành phố lớn, giờ đây chiêu bài tiếp thị lừa được đưa về nông thôn. Với chiêu thức hàng khuyến mãi, giảm giá, những kẻ lừa đảo bán cho người mua với giá bằng khoảng 70% giá của hàng thật. Những tưởng mua được hàng xịn, giá rẻ, ai ngờ dùng vài ngày đã hỏng. Những người này chỉ còn biết kêu trời.

Một buổi sáng, chị Lanh (nhà ở thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội) đang ở nhà trông cháu, bỗng có người đàn bà đến gõ cửa. Người này tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Hóa mỹ phẩm Sunset. Rồi bà ta đưa ra một loạt sản phẩm của công ty như dầu gội đầu, sữa tắm,... và khẳng định: “Khách hàng sẽ chắc chắn nhận được quà của công ty. Nếu không có quà, chúng em không lấy tiền. Chỉ có điều là khách hàng phải trích một khoản nhỏ trong trị giá của món quà để góp vào... quỹ vì người nghèo”.

Nghe người đàn bà nói quá ngọt, hơn nữa nhà đang có nhu cầu mua, chị Lanh đã lấy một chai dầu gội đầu và một lọ sữa tắm với giá là 37.000đ và 42.000đ. Bóc hai sản phẩm ra, trong hai mảnh giấy nhỏ ghi quà tặng cho khách hàng là một chiếc đồng hồ Omega và một... bánh xà phòng tắm. Người đàn bà kia tỏ ra rất vui mừng: “Xin chúc mừng chị, chị là khách hàng đầu tiên trúng một chiếc đồng hồ trị giá 100 USD. Chị hãy nhận lấy món quà và trích 30% trị giá của sản phẩm để ủng hộ cho quỹ”.

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà chị Lanh ngoan ngoãn làm theo lời người đàn bà kia. Chỉ đến khi người đó đi khỏi, chị mới sực tỉnh và đem chiếc đồng hồ đi kiểm tra. Hóa ra, chiếc đồng hồ Omega trị giá 100 USD như lời người đàn bà kia nói giá thực không đến 100.000đ.

Lúc ấy là khoảng 7 giờ, trời se lạnh, có mưa phùn. Cả làng Mũa vắng tanh vắng ngắt vì mọi người đều đã ra đồng. Bà Tý đang nấu cơm dưới bếp thì có một người đàn bà thập thò ngoài cửa. Người này giới thiệu mình là Thanh - nhân viên của siêu thị mới mở đến để tặng quà khuyến mãi. Cô ta đưa cho bà một gói bột giặt hiệu Bay và gợi ý: bà còn có cơ hội nhận thêm quà may mắn nếu trong gói bột giặt đó có giải thưởng.

 

Rồi cô ta đưa ra một loạt tờ rơi với nhiều giải thưởng hấp dẫn, có cả xe máy 24 triệu đồng, tivi 5 triệu đồng... Tuy nhiên có một điều lưu ý nho nhỏ: Nếu trúng thưởng đề nghị người trúng đóng góp vào quỹ từ thiện.

Không ngần ngại, bà Tý bóc gói bột giặt ra và mừng ra mặt khi cầm trên tay tấm phiếu “Phần thưởng của bạn là một chiếc nồi cơm điện trị giá 550.000đ...". Cô nhân viên tiếp thị cũng tỏ ra phấn khởi chẳng kém và không ngớt lời chúc mừng. Hai chiếc nồi cơm với màu mè, kiểu dáng rất bắt mắt được đem ra để bà lựa chọn. Điều đặc biệt hơn, theo lời cô gái, bà Tý còn có thể đổi hiện vật ấy thành tiền trong một tuần tới hoặc đổi lấy một chiếc nồi giá trị tương đương và được bảo hành miễn phí 2 năm ngay tại siêu thị. Ngoài ra, siêu thị còn khuyến mãi cho những khách hàng đã trúng thưởng một bộ nồi Inox trị giá 500.000đ.

Đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bà Tý như bị mê hoặc bởi số tiền quá lớn. Cô gái đưa cho bà phiếu tặng quà, phiếu bảo hành, phiếu chuyển đổi thành tiền... Tất cả đều có dấu của “Công ty Hóa mỹ phẩm Intimex” mà nếu nhìn kỹ ra chỉ là một vòng tròn đỏ với những nét khắc đơn giản.

Và việc cuối cùng, tất nhiên bà phải thực hiện lời hứa đóng góp vào quỹ từ thiện. Cô gái mỉm cười: “250.000đ”. Thực sự ngạc nhiên trước số tiền quá lớn, bà Tý phân vân do dự. Nhưng sau một lúc, xem xét lại giấy tờ, bà đành mở khóa tủ, rút số tiền dự định để mua đôi lợn về nuôi, đưa cho cô gái và không quên cảm ơn cô đã đem may mắn đến cho mình. Đến trưa, con bà về mới phát hiện chiếc nồi không đáng giá 50.000đ. Thế là số tiền bà tích cóp bấy lâu định mua đôi lợn về nuôi đã tan thành mây khói.

Đi tìm những thủ đoạn

Đồng thời với sự nở rộ “muôn hình vạn trạng” sản phẩm, đã có không ít người giở trò tiếp thị, nhất là tiếp thị dầu gội đầu, mỹ phẩm, nước mắm... để phục vụ công việc lừa đảo. Một chai dầu gội đầu kém chất lượng, tên tuổi không rõ ràng, nhưng được gắn mác của những hãng nổi tiếng, qua tay các nữ nhân viên tiếp thị miệng dẻo quẹo, gạ gẫm khách mua hàng theo kiểu bóc quà trúng thưởng hấp dẫn, nếu trúng sẽ được quà còn không sẽ được trả lại tiền, và được  tặng thêm sản phẩm đó.

 

Người thiếu kinh nghiệm và “ham” khuyến mãi, tặng quà thường dễ dính “chiêu” này. Một khi đã lỡ tay bóc rồi thì dễ xiêu lòng mua sản phẩm với giá cắt cổ để được nhận món quà tặng có vẻ ngoài bóng bẩy nhưng thực chất chỉ là những mặt hàng rẻ tiền, kém chất lượng.

Không chỉ dừng lại ở chuyện lừa đảo bằng việc mời nông dân bóc quà khuyến mãi, bọn lừa đảo còn nhiều chiêu thức tinh vi hơn đem ra “thi thố” với họ. Những chiếc bếp ga, máy giặt đã bị thay toàn bộ ruột, chỉ còn vỏ và nhãn là của Nhật, Đài Loan hay Hàn Quốc cũng được chúng đem đến mời chào tận nhà.

Những chiếc đồng hồ được đưa ra làm giải thưởng thực chất chỉ trị giá từ 30.000 đến 50.000đ. Những chiếc bếp ga, nồi cơm điện đã bị thay ruột cũng được bọn chúng mang ra bán với giá hàng thật. Với trò lòe bịp tinh vi,  bọn lừa đảo đã lấy đi của những người nông dân hàng trăm ngàn đồng trong chốc lát. Số tiền mà người nông dân một nắng hai sương mới dành dụm được đã chảy vào túi bọn lừa đảo một cách dễ dàng.

Không những vậy, bọn người này còn giả vờ to nhỏ với các "thượng đế" rằng đây là đồ “ăn cắp” nên chỉ bán nửa tiền so với giá gốc. Không ít người nông dân nhẹ dạ bị chúng lừa cho một vố đau. Bắt được tận tay, chúng còn nhơn nhơn: “Ai bảo tham rẻ. Cho chết!”.

Có thể thấy đây là một hình thức lừa đảo không mới nhưng những người nông dân chưa hề hay biết để kẻ xấu có cơ hội lợi dụng

Minh Tiến
.
.
.