Tiền thật mua nhà... "rởm"

Thứ Năm, 17/03/2005, 08:09

Chung cư thấp cấp, nói văn hoa hơn là chung cư bình dân, đang chiếm đa số ở Hà Nội. Mấy năm gần đây, bổ sung vào nhóm này còn có các khu chung cư dành cho... tái định cư. Bên trong những khối nhà nghiêng, nứt, dột, thấm... ấy chứa đựng nỗi khổ và sự cam chịu của hàng triệu con người. Khổ nhưng vẫn phải chấp nhận...

Nằm ngay bên cạnh đường Giải Phóng, chỉ cách Hồ Gươm có 4km, nhà P3, phường Phương Liệt là một trong những khu chung cư có vị trí vào loại đẹp ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất là dù mới đưa vào sử dụng năm 1990 nhưng chất lượng công trình này còn thua cả những khu nhà lắp ghép ở Thanh Xuân, Giảng Võ được xây từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Chỉ cần đứng từ cầu vượt Ngã Tư Vọng ngó sang cũng thấy tòa nhà 5 tầng này đang... nghiêng.

15 năm sống trong nỗi lo… nhà đổ

Tôi theo ông Phạm Xuân Chiến, chủ căn hộ 107, đi tham quan suốt 5 tầng nhà và thấy sự xuống cấp của khu nhà dường như không thể tệ hơn được nữa. Những bức tường mốc meo xanh rêu vì ngấm nước tới mức chỉ cần xoa tay vào, vữa đã rơi lả tả. Ông Chiến cho biết, hầu hết các hộ ở đây đều đã phải cải tạo nền nhà, nếu không rất khó kê đồ vì nền nghiêng. Để chứng minh việc mấy chục hộ đang sống trong một... thế giới nghiêng, ông dẫn tôi vào phòng 307, căn hộ vẫn giữ “nguyên bản”, quả là đứng giữa phòng nhưng tôi cứ có cảm giác chênh vênh vì nền nhà dốc ra phía cửa. Chủ căn hộ này đã có nhà ở nơi khác nên không cải tạo gì mà cho 3 sinh viên thuê với giá 500 ngàn đồng/ tháng. Cô bé sinh viên thuê nhà bảo “anh cứ đặt cái chai vào góc nhà rồi thả thử xem, nó sẽ lăn ra tận cửa”.

Tháng 6/2004, Công ty Tư vấn Công nghệ - Thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) đã tiến hành kiểm tra độ thẳng đứng của công trình và đưa ra kết quả thật kinh hoàng vì khi đo vẽ tại 8 điểm thì độ thẳng đứng của nhà vượt nhiều lần giới hạn cho phép TCVN 5593:1991 (cho phép nghiêng 15mm), nơi nghiêng ít nhất vượt 33%, còn nơi cao nhất vượt tới... 1.867% (một nghìn tám trăm sáu bảy phần trăm); nhà có hiện tượng vặn vỏ đỗ do nghiêng không đều, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hóa ra khu nhà lắp ghép này đã bị lún nghiêng ngay từ khi... mới hoàn thành. P3 là khu tập thể của Tổng công ty Dệt may Việt Nam. Khu nhà được khởi công năm 1988 với phương thức các gia đình cùng đóng góp với Tổng công ty để xây dựng. Nhà thầu thiết kế là Viện Thiết kế nhà ở và Công trình công cộng (nay là Công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng Việt Nam - Bộ Xây dựng); nhà thầu thi công là Ban quản lý công trình nhà ở đường 1A (nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị - HUD); đơn vị thi công là Liên hiệp Xây dựng nhà ở tấm lớn số 1 (nay đã sáp nhập vào Tổng công ty VINACONEX). Tháng 8/1990, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngay từ thời điểm đó, tòa nhà đã có hiện tượng lún về phía bắc. Nhưng khi bà con phản ánh chuyện này thì các cơ quan chức năng xác định tòa nhà vẫn đảm bảo an toàn và chỉ nhắc nhở các hộ không vi phạm kết cấu chịu lực. Tuy nhiên, theo thời gian, tòa nhà ngày càng lún sâu hơn và nghiêng hẳn về một bên.

Do nhà xuống cấp quá nhanh nên những người có tiền đều bán hoặc cho thuê chứ không dám ở nữa. Vì vậy, thực tế lúc này chỉ còn hơn chục hộ là cán bộ của Tổng công ty Dệt may và đều đã về hưu, lực bất tòng tâm thì đành phải ở. Còn Tổng công ty Dệt may sau khi bàn giao nhà cho các hộ cũng quên luôn, khu nhà này lại không được bàn giao cho thành phố nên chẳng có ai quản lý.

Năm 2002, khi thấy tòa nhà đã vượt ngưỡng nguy hiểm, các hộ gia đình đành làm đơn kiến nghị Tổng công ty Dệt may và HUD kiểm tra tìm giải pháp chống lún cho tòa nhà. Sau đó dù Tổng công ty Dệt may có công văn đề nghị HUD có biện pháp chống lún nhưng không nhận được hồi âm. Mãi tới tháng 6/2004, HUD mới họp với dân và đi đến thống nhất là đập đi xây mới thành nhà cao tầng để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân và phục vụ các nhu cầu nhà ở khác.

Đưa cho tôi một mớ tài liệu liên quan đến khu nhà, ông Chiến than thở: “Mấy chục hộ dân ở đây đã chờ đợi và vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi”. Cuối tháng 6/2004, Cục Giám định Nhà nước về Công trình xây dựng có văn bản đồng ý cho phá dỡ nhà P3. Cuối tháng 7/2004, các hộ dân khấp khởi mừng khi thấy HUD gửi thông báo tới từng gia đình về kế hoạch tháo dỡ công trình. Trong thông báo này, phía HUD cho biết “đang khảo sát, điều tra xã hội học và lập phương án tháo dỡ công trình cũ, xây công trình mới”, HUD cũng đề nghị các hộ dân “cử đại diện tham gia tổ công tác về công trình nhà P3”.

Nhận được công văn này, bà con khấp khởi mừng, họp lại và cử người đại diện ngay để phối hợp với phía công ty, nhưng rồi suốt gần một năm nay chẳng thấy họ hỏi han gì nữa. Trong khi đó, cuối tháng 7/2004, Tổng công ty Dệt may gửi thông báo tới các hộ dân về việc Tổng công ty sẽ cùng với Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất Hà Nội xuống đo đạc lại toàn bộ diện tích sử dụng thực tế để làm thủ tục bàn giao khu nhà cho Tp. Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, kết quả đo đạc này sau đó không được mọi người chấp nhận vì diện tích đo mới không đúng với thực tế và quyết định giao nhà trước.--PageBreak--

Sau đó, Tổng công ty ra thông báo sẽ đo lại diện tích và lần này việc đo đạc sẽ do Xí nghiệp Kinh doanh nhà Thanh Xuân thuộc Công ty Kinh doanh nhà số 3 thực hiện. Lần này, mọi người đồng ý với diện tích mà phía Công ty 3 đo. Nhưng từ khi làm xong thủ tục, chẳng thấy phía Công ty Kinh doanh nhà số 3 thông báo về việc tiếp nhận khu nhà. Cho tới lúc này, 40 hộ dân nhà P3 vẫn chưa biết số phận khu nhà này sẽ được quyết  định thế nào trong khi “tòa tháp” cứ đứng chênh vênh với mưa nắng trong nỗi lo phấp phỏng của những người đang phải sống trong đó với cảm giác bị bỏ rơi.

Nhà tái định cư và nỗi niềm của người dân

Trong khi các hộ dân nhà P3 bức xúc vì bị bỏ rơi thì hàng trăm hộ dân đang sống tại các khu tái định cư Vĩnh Phúc, Dịch Vọng, Đền Lừ cũng bức xúc không kém khi phải đến ở trong những căn nhà vừa làm xong đã hỏng.

Xuống cấp thê thảm nhất là khu tái định cư 7,2 ha Vĩnh Phúc. Khu tái định cư này gồm 22 khối nhà với hơn 900 căn hộ được xây từ năm 1997. Tại các khu nhà này, có rất nhiều bất hợp lý từ thiết kế, thi công đã bộc lộ ngay sau khi đưa vào sử dụng và người lãnh hậu quả không ai khác chính là các hộ dân tái định cư bởi không sửa thì không thể ở được. Điển hình nhất là các bể nước lắp tại các hộ. Theo thiết kế, tất cả các bể nước treo trong nhà chỉ làm bằng tôn hoa hàn thiếc, do đó khi bơm đầy nước thì bể bị căng, hết nước nó co lại, vì vậy chỉ dùng được vài lần là bung hết mối hàn, nên nhà nào cũng phải thay bể.

Những vết nứt ở tầng 1 nhà N11B.
Còn nhớ vào tháng 10/2003, khi Chuyên đề ANTG đăng phóng sự điều tra về tình trạng các khu nhà ở đây mới đưa vào sử dụng được 6 tháng mà trần đã bị ngấm, cửa cong vênh không đóng được,... UBND Tp. Hà Nội đã tức tốc ra văn bản yêu cầu đơn vị thi công, Ban QLDA quận Ba Đình có biện pháp khắc phục sự cố để đảm bảo chất lượng nhà cửa cho bà con. Sau lần ấy, cứ ngỡ nhà cửa của bà con sẽ được sửa chữa tốt hơn. Nhưng vào những ngày đầu tháng 3, khi trở lại đây, điều bất ngờ lớn nhất với chúng tôi là cảnh quan khu tái định cư này vẫn nhếch nhác không khác gì tình trạng cũ.

Đến nhà N1, N2 sự xuống cấp đập ngay vào mắt là vỉa hè được láng bê tông nhưng đã bị lún, bong tróc, rãnh thoát nước và nhiều tấm đan bị vỡ nham nhở, những bậc thang bằng granito đã sứt hết vỉa, vữa trát chân tường ở tầng 1 rộp lên. Ông Nguyễn Văn Quang, một cư dân nhà N2 đã kể một câu chuyện thật như bịa. Đó là năm ngoái, khi thấy nước ngấm ướt sũng từ tầng 6 xuống tầng 1, bà con đề nghị Ban QLDA quận Ba Đình xuống kiểm tra. Lần đầu, bể phốt đào lên rồi lại lấp. Tường vẫn ướt lại có mùi hôi, lại đào và lúc này mới tìm ra nguyên nhân tường có mùi. Hóa ra bể phốt xây xong nhưng người ta lại “quên” lắp ống dẫn vào, thành ra nước thải không thoát được ngấm ra tường. Có lẽ chỉ có nhà tái định cư mới có kiểu làm ăn cẩu thả như vậy. Còn chị Trang ở phòng 103 nhà N2 thì bảo, để treo được cái quạt tường, chị phải đóng tới 10 lỗ đinh vì vữa xây quá kém, đóng vào là vỡ. 

Sang nhà K3, tình cảnh cũng không khá hơn. Cả khoảng sân rộng phía trước trong quy hoạch là công viên và sân chơi, nhưng nhà bàn giao đã hơn 3 năm mà cái sân vẫn bỏ hoang trở thành bãi rác bất đắc dĩ khiến cho cảnh quan càng thêm nhếch nhác. Cũng như các dãy khác, ở nhà K3 hầu như nhà nào cũng phải sửa chữa mới ở được. Mà đâu đã được yên, chỉ bức tường phòng khách ố vàng do bị ngấm nước, ông Ngạch ở phòng 209 cho biết, gia đình ông không thể khắc phục kiểu gì được vì đường dẫn nước sạch ở bên ngoài bị hở.

Nhà N11A và N11B của khu tái định cư Dịch Vọng được đưa vào sử dụng tháng 12/2003, đây là khu tái định cư của gần 100 hộ dân giải phóng mặt bằng đường Đội Cấn - Liễu Giai. Dù mới sử dụng được hơn một năm nhưng những cư dân ở đây cũng đang phải chịu nỗi khổ vì nhà hỏng. Mặc dù người dân đã về ở được hơn một năm, nhưng tới lúc này, ngoài ngôi nhà, còn toàn bộ hạ tầng cho khu tái định cư vẫn không có gì. Trạm bơm chữa cháy với cái bể khá to nhưng lại... không có nước. Còn con đường trước 2 khu nhà cũng chưa được làm. Hơn một năm qua, hàng trăm con người phải chịu cảnh mưa xuống thì đường lầy lội, nắng lên bụi mù mịt vì đất cát đổ bừa bãi.--PageBreak--

Chất lượng khu nhà này cũng chẳng khá hơn khu Vĩnh Phúc là mấy. Hồi mới về, bà con ở nhà N11B thấy nước ăn cứ có mùi hôi, mới lật bể chứa đặt ở tầng một lên thì, bể nước ăn bị ngấm, vậy là nước thải cứ tự do chui vào. Xử lý mãi không xong, mọi người đành góp tiền kéo ống nối thẳng vào đường ống mới có nước sạch, vậy là cái bể chứa bỏ không. Ông Nguyễn Đức Hảo ở nhà N11B dẫn tôi vào nhà để xe và chỉ những vết nứt chạy ngang dọc bức tường, cả một mảng nền nhà đã sụp xuống khiến gạch lát bị vỡ hết. Nền nhà thì thế, còn tường thì chỗ nào cũng thấy loang lổ vì ngấm, mới đầu tháng 3 này, bà con nhà N11A lại được phen kinh hãi khi đường cống thoát nước thải bị tắc, nước thải trào hết cả lên nền nhà, khiến toàn bộ tầng 1 hôi thối không khác gì bãi rác. Kinh khủng nhất là căn hộ của gia đình ông Hà Quang Hiệp (phòng 202 - N11A), bức tường ngăn phòng ngủ và phòng khách do bị ngấm nước quá lâu nên mốc meo. Chỉ bể nước treo trong nhà, bà Hiệp cho biết, bể bị thủng, gọi người của Ban QLDA đến, sửa mãi vẫn không được, sau mấy lần kiến nghị người ta đền cho nhà bà 500 ngàn đồng và coi như hết trách nhiệm, trong khi nhà bà phải bỏ ra 1,7 triệu đồng để thay bể nước mới. Nào đã hết, mới ở được mấy tháng thì gạch nhà vệ sinh cũng bị bong, quạt thông gió, quạt trần cháy sạch; cửa thì vênh váo lại hụt nên cánh nào cũng phải táp chân. Từ khi về ở tới giờ, nhà bà phải bỏ ra tới hơn 30 triệu đồng để tu sửa mà vẫn chưa yên.

Trong câu chuyện với tôi, ông tổ trưởng dân phố Nguyễn Cảnh Thiệp (phòng 302 - N11A) cho biết, giá thành một căn hộ này không hề rẻ, tầng 2 là 4,2 triệu đồng/m2, mỗi tầng chênh nhau 135 ngàn đồng/m2. Vì vậy, một căn hộ từ 68,8m2 tới 86m2 cũng có giá tới vài trăm triệu, nhưng chất lượng thế này thì không khác gì tiền thật mà mua phải hàng giả. Sau khi bà con nhận nhà xong, chẳng thấy ai quan tâm gì nữa. Hồ sơ làm sổ đỏ nộp đã nửa năm vẫn chưa làm xong, hộ khẩu không chuyển được về nơi ở mới vì giấy tờ Công ty Kinh doanh nhà số 3 giữ cả. Dù đã về ở được 16 tháng rồi, nhưng tới lúc này toàn bộ 2 khu nhà vẫn không có ban quản lý. Chính vì vậy mà toàn bộ hành lang lưu không phía sau của hai khu nhà rộng hơn 2 mét được thiết kế làm đường thu gom rác đã bị các hộ dân ở liền kề lấn chiếm hết, thành ra rác cứ phải đổ phía trước rất mất vệ sinh. Còn bên trong nhà, các hộ cũng tự do sửa chữa, lấn chiếm hành lang, đã từng có vụ hai nhà đánh nhau vì lấn chiếm khoảng không công cộng. Cũng vì tự do cải tạo mà ở tầng 2 nhà N11A, có gia đình thiết kế... cổng và mái vẩy trước cửa căn hộ của họ.     

Không thể kể hết được nỗi khổ của những người dân đang sinh sống trong các khu tái định cư này. Có tận mắt nhìn những căn nhà mới ở đã hỏng mới thấy rằng chủ trương tạo cuộc sống ở nơi mới tốt hơn nơi ở cũ mà Tp. Hà Nội đề ra đối với các hộ di dân giải phóng mặt bằng vẫn chỉ là cái đích xa vời chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Sau khi vụ ăn trộm thép tại công trình xây dựng nhà di dân giải phóng mặt bằng Kim Giang - Hạ Đình bị phát hiện, giờ đây những người dân này lại thêm nỗi lo canh cánh vì không biết khu nhà mình đang ở có bị trộm thép hay không? Người dân đã vì thành phố mà chấp nhận di chuyển nhà thì xin thành phố hãy quan tâm hơn tới đời sống của họ

Nguyễn Thiêm
.
.
.