Hải Dương:

Tích cực phòng chống tai nạn ở trẻ em

Thứ Hai, 05/09/2005, 07:41

Trong vòng 2 năm (2004 - 2005), tỉnh Hải Dương đã đầu tư hàng tỷ đồng cho dự án hỗ trợ phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đây có thể xem là một nỗ lực của tỉnh song dường như vẫn còn khoảng cách không nhỏ trước mục tiêu vì một môi trường cộng đồng an toàn cho các chủ nhân của tương lai.

Theo Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Hải Dương, 8 tháng năm 2005, toàn tỉnh xảy ra hơn 400 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó, 38,1% trường hợp bị ngã, 32,1% bị đuối nước, 10,3% tai nạn giao thông... gần 8% các vụ tai nạn gây tử vong. Năm 2004, con số tai nạn thương tích ở trẻ em còn lớn hơn nhiều. Toàn tỉnh xảy ra 1.752 vụ (đối tượng đều là trẻ em dưới 16 tuổi), tỷ lệ tử vong chiếm 34,2%, phần lớn là do đuối nước.

Cũng theo kết quả điều tra ban đầu của Ban chỉ đạo, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của 8 xã, phường thuộc 2 huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và Tp. Hải Dương cho thấy: 66% số gia đình có ao hồ quanh nhà, nhưng không có rào chắn; 35% giếng khơi, bể chứa nước không có nắp đậy; 32% chắn song ban công nhà cao tầng không bảo đảm an toàn, 35,5% số bếp ăn của các gia đình không có cửa ngăn, 15,4% số hộ để bình phun thuốc trừ sâu trong vật chứa không an toàn. Đáng lo ngại, tại các trường học, 62,8% nhà vệ sinh rất trơn trượt, dễ ngã, 52,1% bàn ghế ngồi của học sinh không chắc chắn...

Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê mang tính tương đối. Thực tế, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em còn lớn hơn nhiều. Một điều ai cũng nhận thấy, mọi nguyên nhân dẫn đến tai nạn của trẻ em (nhất là gây tử vong) đều do môi trường cộng đồng rất thiếu an toàn. Đơn cử là trường hợp của cháu Phạm Văn Nhân, 2 tuổi (ở xã Tân Tiến, huyện Thanh Hà) chết đuối vào buổi sáng sớm khi bố mẹ mải dọn nhà cửa, cháu tha thẩn ra vườn chơi không may bị ngã xuống mương; cháu Trịnh Minh Quân, 3 tuổi (thôn Đồng Văn, thị trấn Phú Thái, Kim Thành) chỉ khoảng 10 phút không có người trông, cháu bị rơi xuống ao mà không kịp cấp cứu...

Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, các chuyên gia cấp cứu tai nạn thương tích ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết: Tai nạn còn có thể xảy ra ở rất nhiều hình thức khác như ngộ độc, nuốt phải các dị vật v.v... Do còn quá bé, các cháu chưa có ý thức tự phòng tránh, sức đề kháng kém. Bởi thế, tai nạn đối với các cháu thường để lại hậu quả nặng nề. Bác sĩ Lê Thanh Duyên phân tích: Trường hợp trẻ bị đuối nước được cấp cứu kịp thời, nhưng do não bị thiếu ôxy quá lâu, dẫn tới bị thiểu năng về trí tuệ. Trường hợp uống nhầm thuốc sâu, dầu hỏa thường bị nhiễm độc nặng hoặc viêm phổi rất dễ gây di chứng sau này...

Như vậy, có thể thấy rằng, tất cả các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em ở Hải Dương đều có chung nguyên nhân là thiếu môi trường cộng đồng an toàn.

Trách nhiệm không của riêng ai...

Năm 2004, trước thực tế tai nạn thương tích trẻ em xảy ra ở các cấp độ thực sự nghiêm trọng, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em và triển khai thực hiện dự án phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Trong đó, ngoài việc đầu tư, hỗ trợ về vật chất thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Ngay từ đầu dự án được tổ chức điểm ở 12 xã, phường thuộc các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và Tp. Hải Dương, mở 10 lớp tập huấn nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ phụ trách đội, đoàn thanh niên, giáo viên các trường, nhân viên y tế xã, phường. Dự án đầu tư 160 triệu đồng làm 214 nắp giếng khơi và cấp 800 tủ thuốc gia đình cho các hộ nghèo (có trẻ em dưới 10 tuổi); 200 triệu đồng xây tường bao, hàng rào, cải tạo khu vui chơi; hơn 100 triệu đồng xây dựng tường ngăn cách trường học với tuyến đường giao thông... Nếu như 6 tháng đầu năm 2004 còn để xảy ra gần 900 vụ tai nạn thương tích trẻ em thì 8 tháng năm 2005 chỉ để xảy ra hơn 400 vụ (giảm hơn 50%).

Năm 2005, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh tiếp tục xin ý kiến cho phép đầu tư, hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho hơn 10 đơn vị phường, xã có nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, với mục đích hoàn thiện điều kiện khách quan dẫn đến tai nạn ở trẻ em.

Tuy nhiên, việc đầu tư, hỗ trợ vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của toàn tỉnh Hải Dương. Ban phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho rằng, mới chỉ có trên dưới 1/5 xã, phường được đầu tư, hỗ trợ, bởi thế có thể hạn chế được tai nạn cho trẻ em chứ chưa ngăn chặn được mầm họa tai nạn thương tích đối với trẻ em trên diện rộng. Điều quan trọng là phải tuyên truyền râu rộng trong nhân dân, đồng thời chủ động giảm tối đa các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ em trong mỗi gia đình

Mạnh Hừng
.
.
.