"Thương người như thể thương thân"

Thứ Ba, 06/09/2005, 07:42
Trong căn nhà ngói nhỏ nhắn đơn sơ nhưng rất ấm cúng được trang trí đẹp mắt với ảnh Bác Hồ, Bảng gia đình vẻ vang, Huy hiệu 40 năm, 50 năm tuổi Đảng... ông Đặng Hoài Thanh và bà Ngô Thị Phương, ở xóm 7, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vừa giục chị Điểu - người phụ nữ trông ngờ nghệch ăn hết bát cơm vừa tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi.

Vào một buổi sáng như mọi ngày, bà Phương quảy gánh bánh đa đi chợ. Chợ quê mùa đông đã hơn 7 giờ mà vẫn còn vắng khách. Đặt gánh xuống, bà nghe tiếng rên rỉ vọng ra ở một túp lều gần đó. Bà Phương lại gần và thấy một người đàn bà xấu xí, hôi hám, ăn mặc rách rưới đang nằm co quắp trên mê chiếu rách. Thương tình, bà đỡ dậy, đút bánh cho ăn, ăn xong, người đàn bà dần dần tỉnh lại và nói câu được câu chăng, giọng ngớ ngẩn của người thiểu năng trí tuệ.

Người đàn bà đó là chị Nguyễn Thị Điểu, khoảng 45 tuổi, ở xóm 2, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Lúc mới sinh ra, chị Điểu là người ngớ ngẩn, hình thức lại xấu xí nên chị không lấy được chồng, phải ở với cha mẹ. Khi cha mẹ chết, chị Điểu trở thành mồ côi không nơi nương tựa. Do trí óc kém phát triển, không tự lao động nuôi sống bản thân nên chị thuộc đối tượng 202 của xã hội. Tuy vậy, đồng tiền trợ cấp nhỏ nhoi (45.000 đồng / tháng) chỉ giúp chị sống lay lắt cầm hơi. Ngày ngày chị đi xin ăn khắp nơi, ai cho gì thì ăn nấy, gặp đâu ngủ đấy, nhiều lúc đói quá không xin ăn được, chị lại ra chợ nhặt ăn từng chiếc lá bánh. Hôm đó, trời mưa rét không có gì ăn, chị đã được bà Phương cứu sống.

Sau đó bà Phương đưa chị Điểu về nhà và kể với chồng là ông Đặng Hoài Thanh. Được ông Thanh đồng ý, bà Phương đã nấu nước, tắm rửa, cắt tóc, thay quần áo lành lặn cho chị. Ý định của hai ông bà chỉ mang chị Điểu về nhà nuôi vài hôm lại sức rồi để chị ra về. Được tắm rửa ăn mặc sạch sẽ, ngủ ấm trong nhà nên lúc bà Phương bảo chị ra về, chỉ được một lúc chị lại quay trở lại. Về, nhưng chị biết về đâu bởi chị chẳng có nhà, khi cha mẹ chết nhà cửa không ai tu sửa nên đã hư hỏng. Chỗ trú ngụ duy nhất của chị là ngôi đình bỏ hoang. Đêm ngủ trong đình, ngày đi ăn xin vất vưởng đầu đường xó chợ.

Lúc từ nhà bà Phương ra về, chị Điểu lại vào đình nhưng ở đó chẳng có cái gì ăn, ngủ không được ấm, chị đã quay lại nhà bà Phương để dựa vào lòng tốt của hai ông bà. "Bỏ thì thương, vương thì tội", chẳng lẽ lại đẩy chị Điểu ra đường, thôi thì "đức nhân quý báu hơn tiền bạc" ông bà quyết định để chị Điểu ở lại trong nhà nuôi dưỡng. Thấm thoát đến hôm nay chị Điểu đã ở lại gia đình bà Phương gần 4 năm.

Tôi đến đúng lúc bà Phương đang cắt tóc cho chị Điểu. Bà Phương năm nay đã 73 tuổi, ông Thanh 75 tuổi. Hai ông bà có 6 người con, 4 gái, 2 trai, các con gái đã lấy chồng, con trai đang làm ăn sinh sống ở Đắk Lắk. Ở nhà chỉ có 2 ông bà nuôi nhau. Ông Thanh đi bộ đội về hưu nay đã 55 tuổi Đảng. Bà Phương ở nhà làm thêm nghề quạt bánh đem ra chợ bán, mỗi ngày kiếm dăm ba ngàn. Kể từ khi cưu mang thêm chị Điểu, cuộc sống của ông bà bị xáo trộn, thêm 1 miệng ăn, thêm bao nhiêu điều phiền phức, người khôn còn đỡ, đằng này người dại lại càng phức tạp hơn.

Có lần chị Điểu đi ra đường bị xe máy gây ra tai nạn nằm bất tỉnh giữa đường, thế là ông bà Phương lại phải đưa chị lên trạm xá điều trị gần 1 tháng trời. Tuy tiền thuốc được Trạm xá xã Ngọc Sơn miễn, nhưng ngày ba bữa bà Phương phải cơm cháo mang lên cho chị. Đến nay, sức khỏe của chị Điểu đã khá hơn, song do bị khổ sở, thiếu chất ngay từ nhỏ, mắt chị đã mờ lại thêm bệnh lãng tai nên hàng ngày bà Phương vẫn phải phục vụ chị trong sinh hoạt.

Đầu năm 2004, sau khi được một số báo địa phương đưa tin, chính quyền xã Ngọc Sơn đã làm cho chị Điểu một gian nhà gạch lợp ngói prôximăng trị giá 3 triệu đồng. Bà Phương vui lắm đã sắm sửa cho chị từ chăn, màn, đồ ăn cái đựng với ước nguyện chị sẽ tự lập được trong cuộc sống. Thế nhưng, do mắt kém, đần độn lại không biết làm gì để sống nên chị lại  "hành quân" quay trở lại nhà bà Phương. Vậy là hai vợ chồng già lại phải tiếp tục cưu mang chị. Sáng sáng cứ 7 giờ chị Điểu đến, tối mới chịu về nhà mình.

Việc nuôi chị Điểu, ông bà Phương cho biết, có người khen ông bà tốt, cũng có người nói chị Điểu là người dưng nước lã ngớ ngẩn mà ông bà lại rước về nuôi báo cô... Nhưng điều đó không làm giảm tình thương của bà với chị Điểu, gia đình họ giờ đây thật hạnh phúc. Trước mặt tôi lúc này ông Thanh ngồi kể chuyện, bà Phương đang cắt tóc cho chị Điểu. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, đôi bàn tay cần mẫn chai sạn của bà đang gỡ từng sợi tóc rối cho chị Điểu một cách nhẹ nhàng, âu yếm, tôi cứ ngỡ như mình đang chứng kiến câu chuyện cổ tích được diễn tả bằng hình ảnh, một chuyện cổ tích có hậu

Nguyễn Hữu Mai
.
.
.