Thương lắm những trẻ nghèo lầm lũi mưu sinh

Thứ Tư, 29/06/2011, 08:43
Theo kết quả khảo sát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hiện có khoảng gần 78.000 trẻ em (TE) dưới 16 tuổi, 9.800 em sống trong hộ nghèo. Tổng số TE có hoàn cảnh khó khăn gần 3.500 em, trong đó TE mồ côi gần 2.000 em, 25 em bị bỏ rơi, 245 TE bị bỏ học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, có khoảng trên 250 em đang phải lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm tập trung chủ yếu ở các khu vực khai thác đá, các cơ sở đóng gạch, tạp lô…

Mưu sinh cho sự học

Trong cái nắng nóng của mùa hè, giữa mịt mù bụi trắng bao phủ và âm thanh ầm ầm của những chiếc máy xay đá xen lẫn với những tiếng đá rơi từ trên núi xuống, em Hồ Thị Dung (14 tuổi), ở xóm 4, xã Quỳnh Xuân cùng với một số bạn nhỏ nữa đang cố sức vần những cục đá lớn để đưa lên xe ôtô.

Là học sinh lớp 8 nhưng Dung gầy gò đen đủi, nhỏ bé như học sinh lớp 5, lớp 6 vậy. Không khẩu trang, găng tay hay bất cứ một thứ bảo hộ lao đông nào để bảo vệ bản thân cả. Lau những giọt mồ hôi còn thẫm ướt, em kể: "Nhà em nghèo, có tới 6 anh chị em, nên hàng ngày một buổi đi học một buổi phải tranh thủ đi làm để đỡ đần cha mẹ, có thêm tiền đóng học. Mỗi ngày cũng kiếm được dăm chục phụ thêm cho gia đình".

Những trẻ em nghèo đang làm việc tại cơ sở sản xuất đóng hộp cá.

Trong nhóm bốc đất, đá của Dung có 5 đến 6 bạn cũng độ tuổi như em, đi theo gia nhập vào đội quân các chị các dì lớn tuổi. Em cho biết, công việc ở đây nặng nhọc, không hợp đồng lao động, không ai quan tâm. Mỗi chuyến xe cả nhóm được trả hơn 100.000 ngàn đồng.

Ở đây không chỉ có TE nữ mà nam cũng rất nhiều, sau khi bốc 1 chuyến xe đá, các em gái chỉ ngồi nói chuyện phiếm, còn các em trai thì tụ tập ở quán hút thuốc uống rượu và đánh bài", Dung vừa nói vừa chỉ tay về các quán nước nhỏ bên cạnh lèn đá, nơi đó đang có mấy cậu choai choai khoảng từ 10 đến 16 tuổi vừa đánh bài, nhả khói thuốc, cười nói ầm ĩ.

Còn đối với em Nguyễn Huy Anh (11 tuổi) nói: "Ở với ông bà ngoại từ bé, bố mẹ đã chia tay rồi đi bước nữa nên em sớm phải ra bãi khai thác đá, để có thêm chút tiền đỡ đần ông bà và đóng học". Nhưng trong số đó, cũng có những em sớm chán học muốn có thêm tiền để hút thuốc, uống rượu, theo bạn bè…

Ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Văn, Hoàng Mai. Số TE có hoàn cảnh khó khăn chính là những trẻ có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động và phải làm những công việc nặng nhọc trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Ở lèn khai thác đá xã Quỳnh Xuân hiện có khoảng 100 em đang làm những công việc nặng nhọc trong môi trường nguy hiểm, độc hại.

Tương lai bị đe dọa

Quỳnh Lưu hiện nay là huyện có TE lao động nặng nhọc nhiều nhất trong tỉnh, làm việc ở những môi trường nguy hiểm độc hại. Nơi đây có nhiều khu vực khai thác đá của các doanh nghiệp tư nhân, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sấy, tẩm, đóng hộp bảo quản cá ở các xã ven biển như Quỳnh Phương, Quỳnh Lương tập trung số đông các em nhỏ tuổi làm việc.

Hầu hết các em sớm phải mưu sinh đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nguyên nhân này chiếm tỷ lệ 70%. Tuy nhiên, nhóm nguyên nhân về xã hội cũng có mối liên quan chặt chẽ và tác động qua lại với nguyên nhân trên: Quỳnh Lưu vẫn là một huyện nghèo, cuộc sống của người dân nhất là ở vùng nông thôn còn bấp bênh.

Thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm thu nhập thấp dẫn đến một bộ phận TE phải sớm vào đời vì miếng cơm manh áo. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng của các gia đình đơn thân, nhận thức của bố mẹ các em và chính quyền sở tại ở một số nơi về trách nhiệm đối với các em, về đảm bảo quyền của TE còn rất hạn chế v.v…

Thực hiện Chương trình 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa giải quyết tình trạng TE lang thang, TE bị xâm hại tình dục và TE phải lao đông nặng nhoc, trong môi trường lao động độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010, Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng đề án 4 nhằm "ngăn ngừa trợ giúp các em sớm phải lao động nặng nhọc" và "truyền thông vận động nâng cao năng lực quản lý".

Như vậy TE lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại được Chương trình 19 hướng tới và bảo vệ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Danh Hòa, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Năm qua, huyện Quỳnh Lưu được tỉnh chọn hỗ trợ khảo sát điểm, xây dựng được cụm truyền thông nâng cao trách nhiệm đối với các cấp cơ sở. UBND huyện Quỳnh Lưu đã có kế hoạch khảo sát sơ bộ, phân loại số trẻ đang phải lao động tại các lèn đá, bãi cá, bước đầu tiến hành trợ giúp, can thiệp các em ra khỏi môi trường làm việc độc hại. Tổ chức được nhiều hội nghị triển khai, nói chuyện chuyên đề cho các trưởng các ban, ngành cấp xã, thôn, các doanh nghiệp khai thác đá đóng trên địa bàn. Về phía gia đình các em có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải sớm lao đông đã có sự giúp đỡ, hỗ trợ phần nào để các em bớt đi gánh nặng gia đình, có điều kiện học tập và vui chơi…".

Thế nhưng, để hỗ trợ cho các em không phải lao động nặng nhọc, đòi hỏi phải có  những giải pháp đồng bộ và quyết liệt về cả nguồn lực và nhân lực. Mọi người trong xã hội phải nhận thức sâu sắc về những quyền mà TE được hưởng như: Quyền được chăm sóc nuôi dưỡng, quyền được sống chung với cha mẹ: quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội; quyền được vui chơi giải trí.

Giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình các em phát triển kinh tế rất quan trọng. Các gia đình này cần được vay vốn thông qua các dự án, được hỗ trợ về kỹ thuật trong kinh doanh sản xuất. Còn bản thân các em không còn theo học cần được hỗ trợ nghề, có nghề để ổn định cuộc sống. Những điều này đã được Chương trình 19 và Đề án 4 của Nghệ An đề ra.

Tuy nhiên, để nó mang được sức nặng của cuộc sống, đòi hỏi sự quan tâm, quyết tâm thực sự của mọi ngành mọi cấp, các bậc cha mẹ và nhất là các doanh nghiệp, chủ sự dụng lao động đóng trên địa bàn buộc phải cam kết không để các em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm không phù hợp với lứa tuổi

Tùng Nguyễn
.
.
.