Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ký ức không thể quên về cuộc chiến tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ:

"Thương dân mình bao nhiêu, thương dân bạn bấy nhiêu"

Thứ Hai, 13/01/2014, 08:00
Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người cả đời gắn bó với những cuộc chiến đấu khốc liệt nhất, từng chinh chiến qua các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, những ký ức của một thời tuổi trẻ hào hùng không bao giờ phai, đặc biệt là những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
>> Tri ân sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam

“Thương dân mình bao nhiêu, thương dân bạn bấy nhiêu”

“Có người hỏi tôi, vì sao các đồng chí vừa trải qua những trận chiến gay go nhất để giành hòa bình năm 1975, chưa được nghỉ ngơi, mà vừa vào đến biên giới Tây Nam lại xông trận một cách quyết liệt đến vậy? Tôi nói là, trước khung cảnh dã man, tàn bạo của Pol Pot và từ kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thấy dân mình bị sát hại, thấy người dân Campuchia bị đày đọa không ra người như vậy, chúng tôi căm thù tột độ. Không cần những lời động viên, khích lệ, chỉ cần nghe cấp trên nói: “Các đồng chí cứu dân, bảo vệ Tổ quốc”, vậy là chúng tôi xông trận, quên mình vì đất nước và tình anh em thân thiết Việt Nam - Campuchia”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Tư lệnh Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam và Đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng năm 1979 bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời binh nghiệp của mình.

Sau những năm chinh chiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vẫn không phai mờ.

Cuộc tìm, đón Sư đoàn trưởng Heng Samrin

Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người cả đời gắn bó với những cuộc chiến đấu khốc liệt nhất, từng chinh chiến qua các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, những ký ức của một thời tuổi trẻ hào hùng không bao giờ phai, đặc biệt là những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Vào tháng 4/1977, bọn Pol Pot mở cuộc tấn công vào biên giới phía Tây Nam. Trong có mấy chục ngày mà từ Hà Tiên, An Giang, Tây Ninh rồi đến Bình Phước… đã trở thành bãi chiến trường. Khi đó, Quân đoàn 3 đang làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên thì nhận được lệnh đưa quân về bảo vệ khu vực biên giới Tây Ninh, ngăn chặn âm mưu của quân Khmer Đỏ tấn công Tây Ninh, hòng tiến vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, được lệnh đưa một lực lượng nhanh chóng bằng máy bay từ sân bay Buôn Ma Thuật bay thẳng về sân bay Thiện Ngôn. Nhiệm vụ đầu tiên là truy đuổi quân Pol Pot ở vùng biên giới và tìm đón bằng được Sư đoàn trưởng Heng Samrin (hiện là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia - CPP), một trong những người đứng đầu danh sách thanh trừng của Khmer Đỏ.

Nguyên do là, trước sự tàn bạo, dã man mà Pol Pot gây ra đối với nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, ông Heng Samrin cùng với ông Hun Sen (hiện là Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia) cùng một số chỉ huy Khmer Đỏ khác đã tổ chức lực lượng chống lại chế độ Pol Pot. Năm 1978, khi nhận được thông tin một số cán bộ và binh sĩ Khmer Đỏ đang muốn thoát khỏi chế độ Pol Pot và tìm cách chạy sang Việt Nam để nhờ giúp đỡ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã cùng với Sư đoàn 10 tiến sâu vào biên giới Campuchia hơn 10km. Từ đó, một nhóm trinh sát được cử tiếp tục đi sâu vào khu vực nơi ông Heng Samrin và quân lính của mình đang lẩn trốn.Với sự bảo vệ của các trinh sát Sư đoàn 10, ông Heng Samrin đã về đến khu vực biên giới an toàn.

Tại đây, sau khi trò chuyện, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước được ông Heng Samrin kể rằng, đoàn của ông có hơn 30 người nhưng sau ngày lẩn trốn sự truy quét của Pol Pot, giờ chỉ còn có 8 người. Khi đó, ông Heng Samrin đã yêu cầu sự giúp đỡ của Việt Nam và khẳng định, chỉ có Việt Nam mới có thể cứu giúp người dân Campuchia.

Bộ đội cụ Hồ và những em bé Campuchia may mắn sống sót ở Nhà tù Toul Sleng. Ảnh: S.T.

Và những kỷ niệm không phai trong cuộc đời chiến đấu

Theo đề nghị khẩn thiết của người dân Campuchia đang rên xiết trước sự khủng bố, tàn sát của Khmer Đỏ, cùng với các đơn vị khác, Quân đoàn 3 đã tiến hành một cuộc hành quân thần tốc qua các tỉnh Kongpong Cham, Phnom Penh, Kongpong Thom, Siem Riep, Battambang, Pua-sát và tham gia giải phóng 3/7 quân khu do Khmer Đỏ quản lý. Trung bình, mỗi ngày, cả quân đoàn đi được khoảng 60-80km. Đi đến đâu, đánh địch đến đó rồi lại tiếp tục hành quân. Sau ngày giải phóng Phnom Penh (7/1/1979), vào khoảng giữa tháng 3/1979, Bộ chỉ huy Quân đoàn 3 đóng ở khu vực Battambang đã quyết định tổ chức chiến dịch truy quét vào hang ổ cuối cùng của Pol Pot ở dãy núi Kravanh, giáp biên giới Thái Lan.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể rằng, tại đây, chưa bao giờ ông chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng đến vậy. Ông nói: “Lúc truy quét vào, chúng tôi gặp một nhóm dân còn sót lại. Đây là số người sức yếu, bị kiệt quệ, không thể đi tiếp được và bị bọn Pol Pot bỏ họ lại khi tháo chạy. Chúng tôi có hỏi họ sao không tìm cách trốn thì họ bảo không thể trốn được, bởi lính của Pol Pot kiểm soát người dân, ai trốn là bị bắn nên buộc phải đi theo. Lúc bấy giờ họ không có gì ăn cả, mỗi người có một túi đeo trên vai. Mở ra tưởng là quần áo, nhưng chỉ có mấy bàn tay, mấy cái bàn chân người, có những cái đã bị thui cháy, nhưng cũng có cái còn đầy máu tươi. Chúng tôi bàng hoàng. Thật là khủng khiếp. Bọn Pol Pot đã bắt người Campuchia ăn thịt người Campuchia. Thời kỳ man rợ ngày xưa có lẽ cũng rất hiếm khi xảy ra những chuyện như thế này. Thương dân mình bao nhiêu, chúng tôi càng thương dân bạn bấy nhiêu. Hỏi họ tại sao như thế này? Tại sao bà con lại mang theo thịt người thì một người bảo, bọn Pol Pot lùa dân đi, chúng không cho đồ ăn, không có nước uống. Trong đoàn người ấy, cứ ai ốm yếu là nó giết và bắt người khỏe phải xẻ thịt của người ốm để làm thức ăn… Họ - những người dân lương thiện khi bị dồn đến đường cùng đã phải ăn thịt người, ăn thịt chính đồng bào mình để sống. Đó là điều khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong suốt cuộc đời đi chiến đấu của mình”.

Một trong những kỷ niệm mà đến bây giờ khi nhắc lại, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn thấy rùng mình. Đó là hình ảnh về đất nước Campuchia bạt ngàn ruồi. Ruồi quá nhiều vì xác người, xác gia súc ở khắp nơi. Ông nhớ lại: “Cả đất nước Campuchia lúc bấy giờ là đất nước của ruồi. Nguy cơ diệt vong của dân tộc Khmer chính là bệnh tật phát sinh từ sự tàn sát man rợ. Không thể tưởng tượng nổi là giờ ăn, chúng tôi chỉ cần lấy nắm cơm ra thôi cũng thấy ruồi bu kín đen vào đó. Muốn ăn, bộ đội phải mắc màn, 3-4 người chui vào trong, ăn xong thì bỏ màn ra chứ nếu ngồi ngoài ăn thì người ăn, ruồi cùng ăn, cho cơm vào mồm là ăn cả cơm lẫn ruồi”…

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tâm sự, có thể nói rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong trong lòng người dân Campuchia. Sau này, thế giới càng thấy rằng, sự kiện mà Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, sau đó cùng với nhân dân Campuchia, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đập tan bọn Pol Pot, để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng là một sự kiện trọng đại mà trong lịch sử thế giới chưa có một nơi nào như thế. Quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia chiến đấu vì tình yêu thương con người, vì nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của Bộ đội Cụ Hồ với dân tộc và quốc gia láng giềng anh em.

Trong lần gặp gỡ với các đồng nghiệp Liên Xô sau này, khi được hỏi về những ngày tháng sang Campuchia chiến đấu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã có lần nói: “Người dân Campuchia đã gọi chúng tôi là cứu tinh nhưng không phải vậy. Chúng tôi cứu dân tộc Campuchia không phải để họ mang ơn cứu mạng của chúng tôi mà chúng tôi hành động vì nghĩa vụ và tình cảm của hai dân tộc. Đó là nhân cách sáng ngời của Quân đội nhân dân Việt Nam, là đỉnh cao của Quân đội cách mạng".

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể: “Khi chúng tôi đi đến Kongpong Thom, nhìn những người sống sót không ra con người. Họ chỉ còn da bọc xương, ánh mắt luôn lo lắng, sợ sệt. Gặp họ, chúng tôi chỉ nói được mấy câu là “Phom Penh đã được giải phóng. Pol Pot bị tiêu diệt và Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ” nhưng thấy họ cứ chắp tay cúi lạy mãi. Sau này hỏi mới được biết, họ sợ chúng tôi giết. Họ bảo Pol Pot đã tuyên truyền xấu về Việt Nam, nói rằng Việt Nam sẽ giết chết hết người Campuchia nên khi gặp chúng tôi, họ cứ tưởng rằng mình sẽ chết. Không ngờ lại được Bộ đội Cụ Hồ cho ăn, cho quần áo mặc, được chăm sóc, điều trị vết thương. Chúng tôi đã cắt cử một nhóm biết chút tiếng Campuchia ở lại giúp đỡ, đưa những người sống sót đến khu vực an toàn. Ngày đó, quân ta sang Campuchia chiến đấu nhưng thiếu thốn đủ bề. Khẩu phần một bát cơm cho một ngày cũng được chia năm, xẻ bảy cho người dân Campuchia. Thậm chí, các đơn vị hậu cần còn phải chia sẻ cả thuốc men và suất sữa của thương binh cho những người Campuchia may mắn sống sót”.

Huyền Chi (ghi)
.
.
.